Monday, November 27, 2017

Một tháng ở Nam kỳ - Chương 4

Một tháng ở Nam kỳ

Chương 4: Phần IV

Đương khi còn phân vân chưa biết đi đâu trước thì chợt nhớ ở Long Xuyên có nhà báo Đại Việt tập chí, là tập báo có cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ giống với Nam Phong mình hơn cả. Bèn định đi thăm các bạn đồng nghiệp ở Long Xuyên. Chủ trương báo Đại Việt là quan phủ Lê Quang Liêm, tức nhất danh là quan Phủ Bảy, chủ hội Khuyến học Long Xuyên, xưa nay vẫn biết tiếng ngài đã lâu. Ngài tiếp được thơ có trả lời nói rằng được gặp thì lấy làm vui vẻ lắm. Nhưng mà đã sắp sửa đi mà trong người lại khó ở, không thể đi ngay được. Nhân nghỉ không, đem các sách khảo cứu về địa dư xứ Nam Kỳ: trước khi đi du lịch một xứ, điều thứ nhất chẳng là cần phải biết tường địa dư xứ ấy rư? Vậy trong mấy ngày chỉ làm bạn với tập địa đồ, chân chưa bước khỏi Sài Gòn, mà tinh thần đã mộng du khắp Lục tỉnh, từ Bà Rịa đến Hà Tiên, tự “bưng”1 Tháp Mười đến bãi Cà Mau.
Đất Nam Kỳ rộng bằng già nửa Bắc Kỳ và chia ba một phần Trung Kỳ2, nhưng phần nhiều là đất đồng bằng, không có nhiều rừng rú như Bắc Kỳ, không có nhiều núi non như Trung Kỳ. Cứ theo các nhà địa dư học thì đất Nam Kỳ là đất mới thành, khi Trung Bắc đã có hình thế rồi xứ Nam hãy còn là cái vũng bể, ở giữa có mấy đám cù lao rải rác, như trong vịnh Xiêm La bây giờ. Sau lần lần sông Cửu Long Giang đem đất phù sa phụ đắp mãi vào chung quanh, mỗi ngày một rộng thêm ra, trải đời nọ sang đời kia mới thành ra cái đồng bằng Nam Kỳ ngày nay. Những cù lao kia tức là những trái núi nhỏ ngày nay thường trông thấy đứng tron von giữa đồng. Ấy Nam Kỳ sinh sau thành muộn như vậy, nên sánh với các phần khác ở Đông Dương chất đất còn non và tuổi đất còn trẻ. Các nhà bác học Tây thường nói muốn biết tính chất một dân nên xét ở thổ địa và khí hậu nơi dân ấy sinh thành. Nơi nào khí hậu nóng và thổ địa tốt thì mau thịnh, làm ăn dễ, nhưng vì dễ quá mà người sinh ra lười biếng, đã lười biếng thì sự tiến hóa tuy trước có mau mà sau thành ra chậm, trước mau là nhờ sức đất nhờ khí trời, sau chậm là bởi tính người. Các đất phát tích của văn minh trong thế giới, như đất Ai Cập (Egypte), đất Tiểu Á Tế Á (Asie Mineure), đất Ấn Độ (Inde), toàn là những nơi thổ địa cực tốt và khí hậu cực nóng cả. Bởi thế nên văn minh chóng phát, nhưng cũng chóng tàn, vì chỉ nhờ cái sức ở ngoài, không bởi cái nghị lực của người ta. Đến như những nơi khí hậu lạnh, thổ địa thường, như các xứ Âu châu thì người ta không được tạo vật hậu đãi, phải tự mình suy tính nghĩ ngợi, đặt kế để giữ mình, để kiếm ăn, thành ra mỗi ngày một khôn ngoan tài giỏi thêm ra, văn minh tuy phát chậm hơn các xứ nóng, mà toàn bởi tay người trí người làm ra, theo cái tài lực của người mà tiến lên vô hạn. Nay xét ra Nam Kỳ thật là thổ địa tốt có một và khí hậu nóng suốt năm. Nên Nam Kỳ tuy mới khai thác tự Bản Triều ta, trước sau không đầy ba trăm năm, mà ngày nay giàu có đông đúc như vậy, thật là nhờ cái sức đất nhiều. Lại thêm khí hậu cả năm ấm đều, người ta hình như cứ tự nhiên mà sinh trưởng, không có khó nhọc gì, không phải thời tiết thay đổi khi nóng khi lạnh, không phải thiên tai giáng hạ khi hạn khi lụt, suốt năm như một ngày, thành ra người dân lâu dần mất cái tính chịu khó mà sinh ra lười biếng, vì không cần phải xuất lực cho lắm mới đủ nuôi thân, đủ giữ mình. Dẫu có xuất lực cũng là chỉ cho đủ đường sinh nhai mà thôi. Vả khí hậu Nam Kỳ không phải là cái khí hậu giúp cho sự nỗ lực, chính là cái khí hậu tiêu sức khỏe, tán tinh thần: buổi trưa từ mười hai giờ đến ba giờ mà nằm nghỉ thì thấy trong người như không còn khí lực gì nữa, chân tay rời rạc, đầu óc nặng nề, như cái áp lực vô hình của không khí nó đè cả lên thân thể, không muốn nhấc mình lên nữa. Phải đợi cho có trận mưa rào xuống thì người mới được thư thái một chút. Như thế thì người ta còn có gì là cái ham muốn ra công xuất lực mà động tác, hăm hở hăng hái mà mở mang, bao nhiêu tinh lực hình như bị cái khí hậu nó tiêu tán mất cả, không thể chung đúc thành cái chí to mưu lớn mà gây nên những sự nghiệp phi thường. Tôi còn nhớ có tiếp chuyện ông Công sứ Vĩnh Long, ông phàn nàn với tôi rằng: “Dân Nam Kỳ này lười lắm, ông ạ. Đó là bởi cái khí hậu, cái thổ địa nó khiến nên như thế. Ông thử nghĩ, trời cả năm ấm đều, không có khi nóng dữ, khi lạnh quá, người ta không phải lo đến sự ăn mặc. Đói thì ra bới cái miếng đất ngoài kia cũng đủ có gạo, thò tay xuống cái lạch chảy trước cửa cũng đủ có cá mà ăn. Còn cần gì phải ra công khó nhọc. Nếu có thừa tiền thì ra tiệm Chệc tiệm Chà ở trong phố kia mà sắm sửa các đồ ngoại hóa đã sẵn sàng cả, còn cần đến công nghệ làm gì. Cho nên đất Nam Kỳ này cực giàu mà thương quyền về tay giống Khách cả, địa lợi không biết bao giờ khai khẩn cho hết. Hiện nay có hàng muôn mẫu đất chưa phá hoang, chỉ đợi khai kênh rãy cỏ là tự khắc thành đất thuộc, mỗi năm sinh sản thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ông là nhà nhật báo, nên cổ động người Bắc vào trong này mà lập đồn điền: thật không gì tốt bằng!...”.
Thật thế, đất Nam Kỳ muốn mở mang cho hết sức, phải cần có người Bắc Kỳ Trung kỳ vào sinh cơ lập nghiệp trong ấy mới được. Không những dân Nam Kỳ có ít người và cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay đã là thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa. Mà ngoài Bắc thì lại nhiều người quá mà ít đất làm, không kể miền thượng du sợ lam chướng không ai dám đi, đến miền trung châu thì bao nhiêu đất cầy cấy được đã cầy cấy cả rồi, bọn nông phu những năm đói kém cực khổ quá. Nếu nay chịu về Nam Kỳ là nơi người ta đương thiếu người làm mà kiếm việc thì lợi biết bao nhiêu, lợi cho cả người Nam, cả người Bắc. Huống đất Nam Kỳ không phải là đất lam chướng gì, toàn là đồng bằng bát ngát, chỉ vì chưa khai khẩn hết nên phải bỏ hoang mà thôi. Nhưng đất hoang ở đây chẳng qua là đất bỏ cỏ chưa phá rãy đến và chưa thành ruộng, không phải là những rừng rậm núi xanh như các nơi mạn ngược ngoài ta. Sự khai khẩn cũng không có khó gì: mùa hanh đến cho mớ lửa là bao nhiêu cỏ khô cháy hết, cái xác, cái rễ ải ra thành một thứ phì liệu không gì tốt bằng; chỗ nào đất thấp nhiều nước thì đào cái kênh cho nước tháo ra con sông nào gần đấy: như thế là trong một vài mùa đất hoang thành ra đất thuộc. Từ xưa đến nay chỉ vì thiếu nhân công nên không thể làm được, không phải vì cớ gì khác. Có người nói rằng dân đường ngoài mộ vào làm nông phu trong Nam Kỳ đã xét ra chỉ được một vài năm đầu, rồi sau hễ không nhớ nhà đòi về thì cũng lại nhiễm cái thói lười biếng ăn chơi của người trong ấy mà nhãng bỏ công việc làm. Anh nào coi chừng đã nặng túi thì không ai bắt cho làm được nữa. Cái đó cũng có, nhưng thiết tưởng vì sự mộ phu đó không phải cách. Mộ dân đồn điền không thể làm như mộ phu làm đường xe lửa được, không thể gặp người nào cũng mộ rồi hứa cho công cao mà cưỡng đem đi. Phi là những hạng không ra gì, vốn du thủ du thực, rồi sau cũng hoàn là du thủ du thực, còn đứa khác thì xa vợ xa con những nhớ nhà mà cũng không thể ở lâu được. Phải lựa những tay nông phu nghèo, nói rõ cho họ biết sự lợi hại, khi đi thì hoặc Nhà nước, hoặc một công ti nào cấp tiền cho đem cả vợ con đi. Đến nơi, tùy ý muốn vào làm mướn cho người điền chủ nào thì Nhà nước đã định thể lệ, hai bên phải làm giao kèo phân minh. Hoặc muốn độc lập thì Nhà nước cho cái đồn điền mấy chục mẫu, cấp trâu bò và nông khí cho mà làm, bao giờ thành ruộng mới phải nộp thuế. Bao nhiêu người Bắc xin đồn điền như vậy sẽ khu cả vào một vùng, để dần dần nhiều người có thể lập thành một cái ấp được. Nếu lựa được những người có chí làm ăn. - mà hạng đó không phải có thiếu gì - thì sự thực dân Bắc Kỳ ở Nam Kỳ tưởng không lấy gì làm khó như nhiều người thường nghĩ lầm. Chỉ vì từ trước tới nay có mấy nhà buôn bán lấy sự mộ phu làm một mối lợi, chỉ vụ cho có nhiều đầu người, không xét đến hạng người làm gì, bạ đứa nào mộ đứa nấy, có đứa không từng làm ruộng bao giờ, không biết cầm cái cầy cái cuốc thế nào, những hạng bã rả như vậy mà cũng cưỡng đem đi cho đông số người thì trách sao cho tốt được! Còn nói rằng người nhà quê ta không ưa đi xa, khó lòng mà khuyên cho họ bỏ làng đi xứ khác, thì tuy cái thói đó là ở trong tục nước mình, trong tính người mình, nhưng tưởng ngày nay nếu khéo giảng giải cho họ biết điều lợi hại thì tất cũng nhiều người nghe. Người mình cũng như người các nước khác, chỉ sợ chết mà thôi: đem lên nguồn xanh hút gió, nước độc ma thiêng, tất ai cũng xo lại mà không chịu đi. Nếu nói cho rõ là đem đi nơi đất lành ruộng tốt, nước ngọt cá ngon, để mà sinh cơ lập nghiệp, nuôi vợ nuôi con, thì trừ những kẻ co ro không dám bước ra khỏi làng, còn người có chí làm ăn tất ai cũng đậm mà đi. Vả trông quanh mình người ta đi sang Tây làm thợ mấy năm trời còn về nhan nhản cả kia, ai nấy rủng rỉnh những tiền bạc, huống là mình mới đi có đến Nam Kỳ mà thôi, đã lo gì. Dám chắc rằng bởi cái tình thế tất nhiên, bởi đường sinh nhai bắt buộc mà cái tư tưởng của người dân nhà quê ta rồi mỗi ngày một mở rộng ra, cái nhỡn giới không có đến cây đa đầu làng làm giới hạn nữa. Đâu kiếm ăn được rồi tất tìm ra mà đi, chẳng có quản gì những nỗi tha hương biệt xứ. Bọn thợ ở Tây về rồi sẽ truyền cho những bọn ở nhà cái tính mạo hiểm, là tính người mình ít có xưa nay. Mà mạo hiểm để kiếm ăn, không phải là cái mạo hiểm khó truyền gì!
Bởi các lẽ đó nên thiết tưởng rằng dân Bắc Kỳ có thể vào thực dân trong Nam Kỳ đông được. Chỉ nên cổ động hết sức cho người ta biết rõ xứ Nam Kỳ mà đừng tưởng đất Sài Gòn là một đất ở đâu Nam dương Bắc hải nào. Phải giảng cho người ta hiểu rằng đất Nam Kỳ tốt có một, mỗi năm chỉ cấy một mùa mà gấp mấy mươi ngoài ta, nếu chịu khó làm chỉ trúng luôn một vài mùa là giàu to. Bởi ruộng tốt dễ làm mà có những tay điền hộ ruộng tới mười mấy ngàn mẫu tây, tiền thâu nhập chi xuất hàng năm tới bốn mươi năm mươi muôn bạc. Lại có những nhà cai tổng giàu đến một mình có mấy cái xe hơi đi trên bộ, mấy cái tàu máy chạy dưới nước, nhà như lâu đài, không dinh ông tổng đốc nào bằng, cách ăn ở cực kỳ xa xỉ phong lưu, mắt không trông thấy không thể nào tưởng tượng được. Bao nhiêu sự giàu có đó chỉ bởi ruộng đất tốt mà thôi, không phải bởi tay người sảo hoạt mà làm nên. Vì thường những người giàu dữ như thế không phải có tiếng là thông minh trí thức gì; nhiều người lại ngu ngốc mà nổi danh! Thế mà giàu được như vậy, chỉ vì có vườn ruộng to, mỗi năm chỉ ngồi đấy mà thu bạc của các nhà lĩnh canh (trong ấy gọi là tá điền) đem nộp mà thôi, không cần phải khó nhọc chút gì. Ấy cái đất Nam Kỳ nó hậu đãi người ta như vậy. Không khó nhọc gì mà được như vậy, nếu ra công ráng sức mà khai khẩn thì còn hoạch lợi đến đâu. Các quan sở tại ta gần dân và hiểu rõ dân tình, xét ra nơi nào dân có chí làm ăn mà thường bị nghèo khổ, nên giảng giải những điều ấy cho họ nghe, tất nhiều người nghe mà sinh ra cái hứng muốn đi thực dân xứ Nam Kỳ, thật là giúp cho việc kinh tế trong nước nhiều lắm.
Số đất ở Nam Kỳ đã cầy cấy thành ruộng rồi là một triệu 25 vạn mẫu tây (hectares); mỗi mẫu tây là ngót ba mẫu ta thì thành ra cả thẩy là 350 vạn mẫu ta, mỗi năm sinh sản được 1 triệu 70 vạn tấn (tonnes) gạo, xuất cảng được 96 vạn 5 ngàn tấn, đáng giá là 116 triệu quan tiền tây. Cái số đất hiện hãy còn bỏ hoang mà nếu có người làm có thể biến thành đất thuộc được, cũng ước chừng đến bấy nhiêu, nghĩa là mỗi một năm xứ Nam Kỳ bỏ hoài đi mất ít là hơn một trăm triệu quan tiền tây, tức là bằng cái số quốc trái kỳ thứ tư của Đông dương mới thâu được. Thiệt là uổng quá! Mà trong khi ấy thì dân Bắc Kỳ, Trung kỳ, và chính cả Nam Kỳ nữa, biết bao nhiêu người bị nghèo đói, không có cơm gạo mà ăn, không có công việc mà làm. Phép kinh tế là thế nào? Là phải khéo san sẻ các nguồn lợi trong nước, cho ai ai cũng được hưởng chung, không thành ra cái hoạn “bần phú bất quân”, một số ít người giàu đến yếm ứ không biết dùng của để làm gì, mà số nhiều thì lầm than cực khổ, suốt năm cất đầu không nổi với cái ma bần. Nay Nhà nước đã quyết chí giúp cho người các xứ vào Nam Kỳ mà sinh cơ lập nghiệp, mở mang cái kho vô tận là mấy trăm ngàn mẫu đất còn đương bỏ hoang đó, người Bắc Kỳ ta nên hăm hở mà vào thực dân trong ấy cho đông. Không những là các hạng nông dân nên vào mà làm thuê làm mướn ở các đồn điền, còn dễ kiếm ăn hơn ngoài này nhiều, mà những người giàu có cũng nên vào xin đất Nhà nước mà mở thêm đồn điền, ra công khai khẩn, tức cũng là một cách doanh nghiệp không gì tốt bằng.
Thế giới ngày nay là cái thế giới tranh cạnh nhau về đường kinh tế; nước nào làm ăn giỏi, có nhiều của nhiều tiền là nước ấy được phần hơn, dân nào quen lười biếng, tiền hiếm của ít là dân ấy phải chịu kém. Nước ta nhờ ơn đời trước mở mang, được một cõi đất rộng thênh thang, lại nhờ công người trước đề tạo, từ Nam chí Bắc một giống người, đường kinh tế có nhiều điều tiện lợi hơn người. Ta nên hết sức chăm chỉ mà lợi dụng lấy cái cơ hội tốt đó; nên san sẻ, lấy người chỗ đông đem về nơi vắng, để cho đâu đâu cũng có kẻ làm, không đến nỗi bỏ hoài mất những nguồn lợi to mà Tạo hóa đã dành để cho mình. Đất đai mầu mỡ thật là nơi trường sở lớn cho cái sức hoạt động của người Việt Nam; nghề nghiệp gì cũng được nhiều sự tiện lợi tự nhiên: nông nghiệp thì có đồng rộng đất tốt, lâm nghiệp thì có cây quí rừng to, khoáng nghiệp thì có mỏ nhiều quặng báu; cho đến ngư nghiệp cũng được một rải bể dài mấy nghìn dặm, sông, lạch, hồ, đầm, không biết bao nhiêu mà kể. Đến như công nghệ thời nhờ cái tính chất người dân chăm làm khôn khéo, nhờ những nguyên liệu trong nước vừa nhiều vừa đủ mặt, nước ngoài còn thiếu phải mua của mình, nếu có vốn to thì không mấy nỗi mà nhà máy xưởng thợ dựng lên nhan nhản. Coi đó thì biết cái đường kinh tế của dân mình rộng rãi biết dường nào. Đồng bào ta nên chăm về đường đó mới được. Kiếm tiền, làm giàu, đó là cái yếu thuật của đời nay. Nước có giàu dân mới khôn được, vì nếu có khôn mà không có tiền, cái khôn cũng bị bó buộc mà không thi thố ra được. Nhưng cái thuật phú quốc phải cần đến những người tài giỏi thông minh, có con mắt sáng suốt, biết trông rộng nhìn xa, lại có cái chí mạo hiểm biết coi thường những sự may rủi mới được. Nếu vào tay những người chỉ biết bo bo những sự lợi nhỏ trước mắt mà không dám vẫy vùng khởi xướng ra những công cuộc lớn, thì chẳng qua là cái cách làm giàu vụn vặt của từng người, chưa gọi được là cái thuật phú quốc vậy. Nhưng hiện nay trong nước mình, bao nhiêu những bậc gọi được là “nhân tài” một nước, phi mơ màng những chuyện hư văn vô ích, thì trì trục trong chốn quan trường náo nhiệt, có đâu là những người biết để bụng về đường phú quốc lợi dân. Ôi! Bao giờ cái mơ mộng làm quan có tiệt được thì cái yếu thuật làm giàu mới thịnh được. Chớ như nay nhiều người còn lẫn nghề làm quan với thuật làm giàu, làm quan để mà làm giàu, thời thật là hiểu ngược cái nghĩa phú quốc vậy.
Người ta làm giàu là thâu được tiền của ở ngoài vào trong nước, người mình làm giàu là hút máu lẫn nhau! than thay!...
Trong các cách làm giàu, nghề nông là cái cách dễ hơn và chóng hơn cả. Vì nông nghiệp mạnh nhờ ở thiên thời địa lợi nhiều, mà nhờ ở nhân lực có một phần, nên chắc hơn các nghề khác. Nếu được thời tiết thuận hòa, ruộng đồng mầu mỡ, thì làm giàu có khó chi? Đất Nam Kỳ thật hiệp cách như vậy, quả là chốn tiên cảnh của nhà nông. Chỉ khuyên đồng bào ta nên hết sức mà khai khẩn, hiệp kẻ Nam người Bắc, người đem nhân công, kẻ xuất tư bản, ra công mở mang cho bao nhiêu đất hoang thành ruộng cả, thật là giúp được một phần to trong cái thuật phú quốc vậy.
Nay xét địa dư xứ Nam Kỳ, miền tây nam là cái miền mình sắp đi chơi đây, tức là nơi nông nghiệp thịnh hơn cả trong Lục tỉnh. Mấy tỉnh sản thóc nhiều là thuộc miền đó; những nơi hoang địa còn nhiều, khai khẩn chưa hết, cũng là thuộc miền đó. Hiện nay có hai cái bãi lớn đất trũng, nước ngập, không cầy cấy gì được, nhưng nếu đào kênh thoát được nước đi thì không mấy lâu mà thành đất thuộc: một cái gọi là “bưng” Tháp Mười (Tây gọi là Plaine des Joncs), giáp bốn tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Sa Đéc, Long Xuyên; hai là “bưng” Lang Biên (tức tây gọi là bãi Cà Mau) giáp mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sốc Trăng, Bạc Liêu. Hai cái bãi ấy kể đến mấy mươi ngàn mẫu tây. Hiện đã đào mấy cái kênh lớn cho nước thoát dần đi, như ở bưng Tháp Mười có kênh Tổng đốc Lộc, kênh Tháp Mười (nhất danh là kênh Ba Sao), kênh Lagrange; ở bưng Lang Biên có kênh Ông Yêm, kênh Bảy Núi, kênh Mạc Cang Dung; nhưng còn chưa thấm vào đâu, phải đào sẻ nhiều nữa mới rút được hết nước ở mấy cái vũng lớn ấy. Nhưng lấy người đâu mà làm? Đó là cái vấn đề tối yếu cho nghề nông xứ Nam Kỳ vậy. Muốn giải quyết cái vấn đề ấy, phi đặt cách tiện lợi cho người xứ Bắc vào thực dân rất nhiều, thì không xong được. Trên Chánh phủ hết sức kinh lý, dưới quốc dân ra công cổ động, có thể mong rằng cái cuộc “Nam tiến” như trên kia đã nói sẽ nối tiếp mãi mà không đến nỗi đứt khúc như trong khoảng một nửa thế kỷ vừa rồi: thật là may cho hậu vận nước nhà lắm lắm.
Nam Kỳ chia ra ba miền thật khác nhau:
Miền Đông giáp Trung kỳ Cao Man, còn rớt những rừng núi của hai xứ ấy lan sang, phần nhiều là đất cao nguyên, không cầy cấy gì được, trừ tỉnh Chợ Lớn ở dưới, còn thường chỉ trồng cao xu, trồng cà phê mà thôi. Miền này có sáu tỉnh: Bà Rịa, số dân 56.756 người; Biên Hòa, 105.605 người; Thủ Dầu Một, 110.616 người; Tây Ninh, 67.085 người; Gia Định, 252.521 người; Chợ Lớn, 194.998 người.
Miền Trung ương đã là đất đồng bằng, nhưng khai thác đã lâu, cầy cấy đã nhiều, sức đất không được tốt lắm nữa, đại khái cũng sàn sàn như đất Bắc Kỳ; nhưng người dân trong miền này có tiếng là văn vật nhất ở Lục tỉnh. Chắc hồi xưa người đường ngoài vào thực dân ở đây, bắt đầu mở mang miền này trước, vì ở ngay vào giữa đất Lục châu, tiện đường giao thông, các tỉnh thành làng xóm hình như tụ họp ngay hai bên bờ sông Tiền Giang Hậu Giang, không có nhiều rừng núi như miền trên, mà cũng không có lắm đất hoang như vùng dưới. Nhân vật thì nhiều hơn hai phần kia, vì đã từng chịu cái văn hóa cũ sâu. Tỉnh Gò Công là quê quan phò mã Võ Tánh tuẫn tử ở thành Bình Định cùng với quan thượng thư Ngô Tòng Châu, có văn tế nôm còn truyền lại, là nơi có tiếng thanh lịch nhất trong Lục châu. Miền này có sáu tỉnh, toàn là những nơi trù mật cả: Tân An, số dân 85.123 người; Gò Công,
88.162 người (nay là một phân tỉnh thuộc tỉnh Mỹ Tho); Mỹ Tho, 267.321 người; Bến Tre, 256.816 người; Trà Vinh, 185.164 người; Vĩnh Long, 131.671 người; Sa Đéc, 173.812 người (nay là phân tỉnh thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Miền Tây mới thật là miền mới khai thác; đồng rộng mênh mông, đất hoang vô số, tỉnh thành làng xóm phần nhiều là mới dựng lập gần đây, mà nhiều nơi đã giàu có thịnh vượng đệ nhất trong Lục châu. Cái tương lai đất Nam Kỳ là trông mong vào miền này nhiều. Văn vật thì chửa có gì, vì lịch sử trước sau không đầy năm mươi năm. Công khai thácphần nhiều tự Nhà nước Đại Pháp, Triều đình ta trước kia chưa kinh doanh tới. Nên dân có giàu mà chưa từng có cái gốc văn hóa cũ, thường còn mộc mạc hủ lậu lắm, nhất là trong bọn phú hào. Cái cách húng của vô lý của mấy bác điền chủ Bạc Liêu đã truyền thành câu chuyện mĩ đàm trong khắp Lục tỉnh. Miền này chia làm bảy tỉnh: Bạc Liêu, dân số 115.708 người; Sốc Trăng, 135.328 người; Cần Thơ, 214.700 người; Rạch Giá, 89.195 người;Long Xuyên, 142.200 người; Châu Đốc, 145.249 người; Hà Tiên, 12.504 người (nay là phân tỉnhthuộc về Châu Đốc)(1).
Tổng cộng cả Nam Kỳ có 20 hàng tỉnh, dân số là 3 triệu 6 vạn 2 ngàn 5 trăm người.
Các tỉnh thành lớn thì có: Sài Gòn là thủ đô xứ Nam Kỳ, dân số 6 vạn 5 nghìn người; - Chợ Lớn, là nơi đô hội thứ nhì ở Lục tỉnh, mà dân số nhiều hơn Sài Gòn gấp ba, cộng 19 vạn 1 nghìn 6 trăm 30 người, ngót nửa là dân khách và dân minh hương; - rồi kế đến Mỹ Tho là nơi đô hội thứ ba, chưa đặtlàm thành phố tự trị; - Cần Thơ là tỉnh thành lớn nhất về miền Tây, người ta thường gọi là thủ đô của miền Tây (la capitale de l'Ouest), cũng chưa đặt ra thành phố tự trị mà coi cái cơ phát đạt sau này còn to lớn lắm.
Đất Nam Kỳ là đất đồng bằng, núi cao rừng rậm cùng những nơi thắng cảnh thiên nhiên sánh với Bắc Kỳ, Trung kỳ không có gì mấy. Duy có hai giải tràng giang, như hai cái tay của sông Mê Kông vươn ra mà bao bọc lấy một vùng đất mầu mỡ tốt tươi nhất trong hoàn cầu. Người ta thường nói: “Đất Nam Kỳ là sản nhi của sông Mê Kông”. Mà thiệt thế. Nhờ có sông Mê Kông đào đất tự trên cao nguyên Tây Tạng (Tibet), chảy qua mấy nghìn dặm mang tới đây, đời ấy sang đời khác, phụ đắp mãi vào, mới thành ra cái đồng bằng lớn đất Nam Kỳ: cho nên ngày nay hình như sông kia vẫn thương yêu riêng chốn đất này, hai tay dương ra ôm ấp lấy, như người mẹ hiền ãm đứa con quí của mình. Chẳng bù với sông Nhị Hà kia cũng từng ra công ráng sức trong mấy mươi đời tô tạo ra cái đất Bắc Kỳ nọ, mà sao ngày nay đối với con dân như người cha cay nghiệt, mỗi năm đem thủy lạo mà ra tai cho một lần! Hay là vì con dân ngỗ ngược, dám đắp đê mà ngăn sức nước, lấy nhân lực cự với thiên lực, nên ghét mà làm cực cho cam? Nhưng nghĩ kỹ cũng nên thương tình mới phải: chúng nó sinh con đẻ cái đã nhiều, ở mãi chật đất, mỗi năm dâng nước lên một lần, biết lánh mình vào đâu? Nên phải ra công đắp đất, ngăn lấy nước lên, để làm cái kế bảo thân mà ngữ cho ruộng nương gia sản khỏi phải ngập lụt, cũng là một kế tự tồn, không thể làm khác được. Không ngờ càng ngăn mà lại càng làm cho cái sức nước mạnh lên, vì tức không thể tràn ra được, lắm khi phá bờ đạp đê mà cuồn cuộn chảy vào đồng như thác như ghềnh, như trăm nghìn con ngựa trắng của vua Hà bá đua nhau rong ruổi trên đống nhà cửa lênh đênh, xác người phiêu rạt! Thảm thay! Ôi! Cái vấn đề trị thủy cho dân xứ Bắc biết bao giờ giải quyết cho xong? Còn chưa giải quyết xong thì người mình còn lắm nỗi cơ cực không sao xiết kể. Cầy bừa mà làm chi, trồng trọt mà làm chi, nếu nhất đán nước dâng lên trôi phăng đi cả, lắm khi người cũng theo của mà đi?
Nhân xét về hình thế đất Nam Kỳ mà bàn lan man ra đến bấy nhiêu, thật đã xa lạc đầu bài quá lắm vậy! Mới biết tính trời không sao sửa được, cái tính nghĩ quẩn nghĩ quanh, chiền miên phản phúc của bỉ nhân đây tuy vẫn tự biết mà khi cầm bút viết vẫn không thể tránh được. Tư tưởng con người ta thật như cái lưới trăm dây, đã mắc vào, không sao thoát ra cho khỏi. Mà xét cho cùng, làm người nghĩ lắm mà làm chi! Nếu công việc người ta ở đời là phải sống, thì mệt lòng nhọc trí quyết không phải là cái thuật dưỡng sinh vậy. Tuy vậy mà có người chỉ sống về sự mệt lòng nhọc trí đó thôi, có mệt lòng nhọc trí mới biết rằng mình có thân ở đời, không thì tưởng có cũng như không, thì bảo sao? Vấn đề đó xin để các nhà triết học cứu xét.

No comments:

Post a Comment

Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

 “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...