Saturday, August 12, 2017

Lão Hạc

Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước. Nhưng lão không nghe...
- Ông giáo hút trước đi.
Lão đưa đóm cho tôi...
- Tôi xin cụ...
Và tôi cầm lấy đóm, vo viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão bỏ thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:
- Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!
Lão đặt xe điếu, hút. Tôi vừa thở khói, vừa gà gà đôi mắt của người say, nhìn lão, nhìn để làm ra vẻ chú ý đến câu nói của lão đó thôi. Thật ra thì trong lòng tôi rất dửng dưng. Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để có đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế...
Lão hút xong, đặt xe điếu cuống, quay ra ngoài, thở khói. Sau một điếu thuốc lào, óc người ta tê dại đi trong một nỗi đê mê nhẹ nhõm. Lão Hạc ngồi lặng lẽ, hưởng chút khoái lạc con con ấy. Tôi cũng ngồi lặng lẽ. Tôi nghĩ đến mấy quyển sách quý của tôi. Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn tôi bán gần hết cả áo quần, nhưng vẫn không chịu bán cho ai một quyển. Ốm dậy, tôi về quê, hành lý chỉ vẻn vẹn có một cái va-ly đựng toàn những sách. Ôi những quyển sách rất nâng niu! Tôi đã nguyện giữ chúng suốt đời, để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng: mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét... Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần. Mỗi lần cùng đường đất sinh nhai, và bán hết mọi thứ rồi, tôi lại phải bán đi một ít sách của tôi. Sau cùng chỉ còn có năm quyển, tôi nhất định, dù có phải chết cũng không chịu bán. Ấy thế mà tôi cũng bán! Mới cách đây có hơn một tháng thôi, đứa con nhỏ của tôi bị chứng lỵ gần kiệt sức... Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi...
Tôi nghĩ thầm trong bụng thế. Còn lão Hạc, lão nghĩ gì? Đột nhiên lão bảo tôi:
- Này! Thằng cháu nhà tôi, đến một năm nay, chẳng có giấy má gì đấy, ông giáo ạ!
À! Thì ra lão đang nghĩ đến thằng con lão. Nó đi cao su năm sáu năm rồi. Hồi tôi mới về, nó đã hết một hạn công-ta. Lão Hạc, đem thư của nó sang, mượn tôi xem. Nhưng nó xin đăng thêm một hạn nữa... Lão vội cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao lão đang nói chuyện con chó, lại nhảy vọt sang chuyện thằng con như vậy:
- Con chó là của cháu nó mua đấy chứ!... Nó mua về nuôi, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt...
Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy. Người ta đã định rồi chẳng bao giờ người ta làm được. Hai đứa mê nhau lắm. Bố mẹ đứa con gái biết vậy, nên cũng bằng lòng gả. Nhưng họ thách nặng quá: nguyên tiền mặt phải một trăm đồng bạc, lại còn cau, còn rượu... cả cưới nữa thì mất đến cứng hai trăm bạc. Lão Hạc không lo được. Ý thằng con lão, thì nó muốn bán vườn, cố lo cho bằng được. Nhưng lão không cho bán. Ai lại bán vườn đi mà lấy vợ? Vả lại bán vườn đi, thì cưới vợ về, ở đâu? Với lại, nói cho cùng nữa, nếu đằng nhà gái họ cứ khăng khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới. Lão Hạc biết vậy đấy, nhưng cũng không dám xẵng. Lão tìm lời lẽ giảng giải cho con trai hiểu. Lão khuyên nó hãy dằn lòng bỏ đám này, để rồi gắng lại ít lâu, xem có đám nào khác mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết hết con gái đâu mà sợ?... Lạy trời lạy đất! Nó cũng là thằng khá, nó thấy bố nói thế thì nó thôi ngay, nó không đả động đến việc cưới xin nữa. Nhưng nó có vẻ buồn. Và lão biết nó vẫn theo đuổi con kia mãi. Lão thương con lắm. Nhưng biết làm sao được?... Tháng mười năm ấy, con kia đi lấy chồng; nó lấy con trai một ông phó lý, nhà có của. Thằng con lão sinh phẫn chí. Ngay mấy hôm sau, nó ra tỉnh đến sở mộ phu, đưa thẻ, ký giấy xin đi làm đồn điền cao su...
Lão rân rấn nước mắt, bảo tôi:
- Trước khi đi, nó còn cho tôi ba đồng bạc, ông giáo ạ! Chả biết nó gửi thẻ xong, vay trước được mấy đồng, mà đưa về cho tôi ba đồng. Nó đưa cho tôi ba đồng mà bảo: “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà; xưa nay con ở nhà mãi cũng không nuôi được bữa nào, thì con đi cũng chẳng phải lo; thầy bòn vườn đất với làm thuê làm mướn thêm cho người ta thế nào cũng đủ ăn; con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm!...”. Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?...
*
* *
Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó. Lão bảo nó thế này:
- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy... Hơn ba năm... Có đến ngót bốn năm... Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!
Con chó vẫn hếch mõm lên nhìn, chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng dọa:
- Nó giết mày đấy! Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!
Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:
- Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!
Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:
- À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!... Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi...
Lão buông nó ra để nhấc chén, ghé lên môi uống. Lão ngẩn mặt ra một chút, rồi bỗng nhiên thở dài. Rồi lão lẩm bẩm tính. Đấy là lão tính tiền bòn vườn của con...
Sau khi thằng con đi, lão tự hỏi rằng: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả... Của mẹ nó tậu, thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán, ta không cho bán là ta có ý giữ cho nó, chứ có phải giữ để ta ăn đâu? Nó không có tiền cưới vợ, phẫn chí bước ra đi, thì đến lúc có tiền để lấy vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn...”. Lão tự bảo lão như thế, và lão làm đúng như thế. Lão làm thuê kiếm ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc...
Lão lắc đầu chán nản, bảo tôi:
- Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ! Hai tháng mười tám ngày đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn... Ông thử tính ra xem bao nhiêu tiền vào đấy?...
Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vè sợi, nghề vải đảnh phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa mầu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tí gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt...
- Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy gày đi, bán hụt tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích...
Lão ngắt lại một chút, rồi tắc lưỡi:
- Thôi thì bán phắt đi! Đỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó. Tôi bây giờ có làm gì được đâu?
*
* *
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi? Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Tôi an ủi lão:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác.
Lão chua chát bảo:
- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...
Tôi bùi ngùi nhìn lão bảo:
- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?
- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm gì cho thật sướng?
Lão cười và ho sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:
- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.
- Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.
Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Tôi vui vẻ bảo:
- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước.
- Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác?...
- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại. Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm...
- Đã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc...
Mặt lão nghiêm trang lại...
- Việc gì thế, cụ?
- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.
- Vâng, cụ nói.
- Nó thế này, ông giáo ạ!
Và lão kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận, người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên tôi cũng được, để thế để tôi trông coi cho nó... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi để lỡ có chết thì tôi đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả...
Tôi bật cười bảo lão:
- Sao cụ lo xa quá thế? Cụ còn khỏe lắm, chưa chết đâu mà sợ! Cụ cứ để tiền ấy mà ăn, lúc chết hãy hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?
- Không, ông giáo ạ! Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu? Đã đành rằng là thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao?... Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi.
Thấy lão nằn nì mãi, tôi đành nhận vậy. Lúc lão ra về, tôi còn hỏi:
- Có đồng nào, cụ nhặt nhạnh đưa cho tôi cả thì cụ lấy gì mà ăn?
Lão cười nhạt bảo:
- Được ạ! Tôi đã liệu đâu vào đấy... Thế nào rồi cũng xong.
Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:
- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói...
Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương... Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận. Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc. Nhưng hình như lão cũng biết vợ tôi không ưng giúp lão. Lão từ chối tất cả những cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần...
Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ... Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi: Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
- Lão làm bộ đây! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:
- Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão... Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.
Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết. Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ một ngày một thêm đáng buồn...
*
* *
Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với binh Tư hiểu. Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn: cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào...”.

Xuất giá tòng phu

Xuất giá tòng phu

Nguyễn Công Hoan



Trả tiền xe xong, ngài ôm cái gói bọc giấy xanh, chằng dây hồng, 
thoăn thoắt đến buồng khách, qua buồng ăn, ngó vào nhà tắm,
 rồi xuống bếp: Su hào, bắp cải, bong bóng, nấm mực, còn bừa bãi, 
ngổn ngang cả trên phản làm cơm. Ngài ngơ ngác hỏi:- Bếp! Bà đâu?
Anh bếp ngơ ngác, thưa:
- Bẩm, bà ở nhà ngoài.
Ngài càng ngơ ngác:
- Không mà!
Rồi ngài tìm lượt nữa: nhà tắm, buồng ăn, buồng khách. Ngài gọi to:
- Mợ đâu nhỉ?
Chẳng thấy vợ đâu, ngài sực nghĩ ra. Ngài chạy lên gác, bật đèn lên.
Thì quả nhiên bà nằm trên giường, đắp chăn kín mít.

Mừng rỡ, ngài đặt cái gói lên bàn, lại gần, ngồi cạnh vợ, lật chăn ra, tỏ
ý ngạc nhiên:
- Kìa, tôi tưởng mợ sắm sửa xong rồi. Dậy đi, mau!
Bà mở mắt lim dim, kéo chăn đắp lại, uể oải nói:
- Tôi nhức đầu quá, mà cơm cúng ở nhà cũng chưa sắp sửa được gì cả.
- Không cần. Dậy mặc quần áo, kẻo không kịp.
Nói đoạn, ngài lật cả tấm chăn ra. Bà vợ thì cố co lại:
- Thôi, tôi nhức đầu như bị búa bổ, và chóng mặt lắm.
Ngài cười khanh khách, kéo vợ ngồi dậy:
- Ồ, vờ mãi! Mặt mũi thế này mà bảo rằng nhức đầu. Mau đi, kẻo lỡ.
Rồi chẳng hay cảm vì sắc đẹp hay muốn giở khoa nịnh đầm, ngài ôm lưng
 vợ, hít vào cổ. Nhưng bà hất ra, và lại cố nằm xuống, dằn dỗi:
- Tôi chịu thôi.
Ngài trợn mắt, kinh ngạc:
- Chết, việc cần, không nói thế được. Thu xếp xong đâu vào đấy rồi.
Mợ đừng phụ công tôi.
Rồi ngọt ngào, ngài đập vào vai vợ, trỏ cái gói:
- Này, tân thời, đẹp đáo để. Dậy mà xem.
Bà vừa kéo chăn toan trùm đầu, vừa nói:
- Điều khác thì tôi xin chiều ý cậu ngay.
Ngài co phắt chăn, cuộn lại, ôm quẳng sang giường bên kia, hềnh hệch
cái mồm, cười:
- Mợ chỉ ngại rét chứ gì? Có rét quái đâu! ở ngoài đường cũng ấm áp lắm.
Bà ôm đầu:
- Ở nhà công việc còn bề bề ra, cậu không biết à? Cơm cúng đã làm được
tí nào đâu.
Ngài dỗ dành:
- Không cần! Chả cúng bây giờ thì tám giờ, chín giờ, mười giờ đêm,
lúc nào mợ về hãy hay. Mà chẳng có thì tôi cứ trầu nước mời các cụ
về cũng được, chứ đã làm sao? Mai năm mới, hãy cỗ bàn bày vẽ.
Nói đoạn, ngài dựng vợ dậy, cầm hai cánh tay, kéo ra cạnh giường,
rồi ngoèo chân, xếp lại hai chiếc guốc cho ngay ngắn. Bà oằn oại,
ngả người để co lại, nhăn nhó, giằng tay ra. Nhưng thấy sức yếu quá,
nên tự nhiên, bà bật ra tiếng khóc.
Đó là lúc chẳng nên đùa.
Cho nên ngài trợn mắt, nghiêm chỉnh hỏi:
- Ô hay, mợ không đi thực à?
Bà vẫn ôm mặt, nức nở:
- Cậu còn phải hỏi hay sao?
- Nhưng tôi đã hứa với người ta rồi kia mà!
- Mặc kệ cậu. Ai bảo?
- À, mợ khó bảo nhỉ! Nào có nhọc nhằn gì việc ấy. Tôi quanh năm làm
 lụng vất vả, mỗi ngày vùi đầu vào công việc hàng bảy tám giờ đồng hồ.
Nếu tôi quản công, thì liệu cả gia đình này có được ấm no không?
Mợ không biết nghĩ.
- Tôi hiểu cả. Cậu không cần nói nhiều. Nhưng cậu đừng bắt tôi thế.
Buông phứt vợ ra, ngài ngầu ngầu nhìn thật nghiêm chỉnh:
- Thế mợ muốn để cho người ta cho tôi là đồ gì?
Bà chắp hai tay, vái lấy vái để:
- Tôi lạy cậu, tôi van cậu, cậu đừng ép tôi. Tôi là vợ cậu...
- À, tôi là vợ cậu! Là vợ mà chồng bảo không nghe. Luân lý để đâu?
Giáo dục để đâu?
Bà lại ôm mặt, thổn thức. Ngài móc túi, coi đồng hồ.
- Thôi, dậy sắm sửa mà đi, còn có ngót một giờ nữa thôi.
- Ngót một phút tôi cũng chịu.
Nghiêm nét mặt, ngài dẽ dàng, giảng:
- Mợ phải hiểu, tôi không muốn tôi phải ép mợ. Tôi muốn mợ vui vẻ mà đi.
Tôi giảng nghĩa trong từng ấy ngày, tôi tưởng mợ đã nghe hiểu.
Thế này thì cáu thật!
Bà nằm lả xuống giường, ôm đầu. Ngài nhìn một lát, bỗng hất hàm, hỏi:
- Mợ có đi hay không thì mợ bảo?
- Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy cậu, cậu tha cho tôi. Cậu đừng làm tôi nhục.
Ngài nhăn mặt, rồi to tiếng:
- Có đi hay không?
Bà cũng nhăn mặt:
- Khổ quá, tôi lạy cậu.
Ngài gắt:
- Có đi hay không. Mợ trả lời một tiếng. Không lạy van gì cả! Có hay không?
Bà không đáp, nức nở khóc. Ngài nắm chặt bàn tay, đấm mạnh xuống phản:
- Nói!
Nhưng chẳng được nghe ý kiến vợ, ngài xung tiết, chạy đến mắc áo,
vớ cái ba toong, khuỳnh tay đứng trước giường, rồi giơ ngọn gậy vào
mặt vợ, hỏi:
- Có hay không? Một tiếng!
Vừa sụt sùi, bà vừa đáp:
- Không!
Cần quyết liệt hơn, ngài giơ gậy:
- Thật mợ không đi à?
- Không!
- À, bướng! Tao không dọa đâu nhé. Để rồi mồng bốn Tết, nó nhổ vào
mặt tao ấy à! Cứng cổ này! Khó bảo này!
Thế là chiếc gậy hăng hái, cứ từ trên cao giáng xuống. Bà rú lên, rồi
giơ tay ra đỡ, sấn lại chồng, cố níu lấy cánh tay rắn như sắt. Nhưng loáng
một cái, ngọn gậy giơ lên thật cao, quật mạnh xuống, chạm phải thành
 giường, gẫy cắc ra làm đôi. Một mẩu quay lông lốc như chong chóng,
bắn lên gần trần, rồi rơi xuống ván gác.
Đó là một cảnh dữ dội.
- Tôi van cậu, để nội trong ba ngày Tết hôm nào tôi đi cũng được.
Biết là sự làm già bao giờ cũng hay hơn, ngài lắc đầu, co giật phắt vợ xuống.
 Bà ngã ngồi trên hai chiếc guốc lúc ấy ngổn ngang.
- Phải đi ngay! Tao không hoãn một phút! Đồ thân lừa chỉ ưa nặng.
Bà nhăn nhó, khóc:
- Để đến mai, mồng một Tết, tôi đi vậy, bây giờ tôi còn phải làm cơm cúng.
- Đã bảo không cần mà. Người ta đi trước Tết, chứ ai để đến tết rồi mới đi!
 Đứng ngay dậy!

Ngài giật phắt cái cột màn. Thì thình lình:
- Ối hàng phố ơi!
Bà vừa kêu, vừa túm lấy chồng, thở ỳ ạch.
Nhưng khỏe như con vâm, đưa khuỷu ra, ngài gạt vợ ngã lăn,
 và nắm chặt lấy hai cổ tay. Bà oằn oại, song yếu quá.
Bà dùng hai cẳng để cưỡng. Nhưng cả cái sức nặng của tấm thân
vạm vỡ đè trên ngực bà, bà phải cố cựa cạy để thở. Vậy mà ngài tát.
Ngài tát dồn năm sáu cái, và hỏi tội:
- Mày có đi hay không?
Bà tối tăm mặt mũi, hổn hển thách:
- Đây, cậu cứ đánh chết tôi đi.
Tức thì, những quả thụi kinh hồn vào mặt, vào ngực và vào sườn,
 làm bà kêu thất thanh. Nhưng mặc kệ, ngài vẫn hỏi có một tội:
- Mày có đi hay không?
Bà kêu cha, kêu mẹ, kêu cả Trời nữa. Nhưng ai thưa?
Ví thử cha mẹ hay cả Trời nữa có đứng đấy thực, cũng đố dám vào mà gỡ.
*
* *
Việc gì cũng vậy, đánh đau thì phải chừa. Cho nên chẳng mấy chốc,
 bà kêu cuống quýt:
- Vâng! Vâng! Tôi lạy cậu! Tôi xin đi.
Ngài hung hăng, lôi phắt vợ dậy, hầm hầm nhìn.
Bà ngồi lả, chống tay đằng sau, đầu tóc rũ rượi, thở.
- Nếu mày định đi thật, thì đi mà lau mặt.
Sợ quá, bà chắp hai tay vái cuống queo:
- Vâng, vâng, tôi xin đi.
- Đi ngay!
- Vâng, vâng! Tôi lạy cậu.
Nói xong, bà lê đến ngồi ở ghế.
Ngài nhìn ra hiên, chạy lấy chiếc khăn mặt, đưa vợ:
- Đây, lau mặt đi! áo quần, phấn sáp có sẵn cả rồi, còn khó khăn gì nữa.
Đoạn ngài vớ cái bọc, cởi dây, mở giấy ra trước mặt bà và nói:
- Không biết tao hết hơi nói người ta mới cho mượn những thứ này à?
Mau, chậm rồi.
Bà khóc sướt mướt, cầm cái lược, giũ mái tóc ra và vừa suýt xoa, vừa chải.
 Ngài vẫn còn hung hăng:
- Rẽ như lối chị Tham ấy.
Giật nảy mình, bà vội chải, vội rẽ, vội uốn éo cho làn tóc lật lên,
cong xuống cho thật nền, rồi vừa lau nước mắt, bà vừa lấy các thứ
 ở bọc để xoa phấn trắng, đánh phấn hồng, và kẻ môi son cho thắm.
Trong khi ấy, ngài đứng coi, mỗi chốc lại giở đồng hồ ra xem và giục.
Trang điểm xong, bà thở dài, cố gượng đau để đứng dậy, lấy cái quần
 xa tanh trắng và cái áo nhung màu may kiểu mới vẫn còn gấp gọn ghẽ
trên bàn. Bà vận những thứ ấy vào, rồi bôi đẫm nước hoa.
Đến bây giờ, dưới ánh đèn điện sáng trắng, bà thành ra một bông hồng
 nõn nà, thơm tho, khêu gợi.
Nhưng vẫn trừng trừng nhìn vợ, ngài gắt:
- Tươi tỉnh lên thì người ta mới cảm, chứ khó đăm đăm thế kia, thì nó
 tống cổ về!
Rồi ngài xuống gác. Bà đi theo. Ngài gói ít nhật trình cũ, buộc dây
 cẩn thận, rồi đưa bà.
- Cầm cái này mà đi cho người ta khỏi ngờ.
Và vẫn nghiêm chỉnh, ngài đe:
- Hễ nói dối tao mà trốn vào đâu thì đừng ăn cái Tết này thôi!
Bà nghiến răng, thở dài, không đáp.
Ngài nhiếc:
- Cái giống đàn bà xưa nay vẫn thế kia! Lúc đến thì đừng có lù lù
đằng cổng trước, nghe chưa? Mà khi nào ông ấy cho về mới được về.
 Tao mà thấy ông ấy tỏ ý không bằng lòng thì chớ chết!
Nước mắt chạy quanh, bà bước chân ra gần đến cửa, quay lại, rít lên, nói:
- Thiếu gì cách lễ Tết mà cậu phải làm tôi nhục nhã như thế này!
Ngài trợn mắt:
- Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái gì thì
 mua được, chứ cái này mua được à?
Rồi ngài đứng nhìn chiếc xe kéo vợ đi khuất, mới quay lại, ra dáng yên lòng.
Ngài yên lòng vì không phải thẹn với lương tâm mà chắc chắn rằng sẽ được
ông ấy khen là biết ơn và tử tế.


PTBNS số 61; 16-6-1940

Xin chữ cụ nghè

Xin chữ cụ nghè

Nguyễn Công Hoan

Gần chỗ tôi ở, có một cụ Nghè, đỗ khoa nào tôi không rõ. Cụ Nghè nổi 
tiếng là hay chữ. Những thơ phú, câu đối, cụ làm ra, toàn là chữ nho cả,
 tôi ù cạc như vịt nghe sấm, nhưng thấy người vùng này thuộc nhiều và đều 
phục là hay lắm.
Làng cụ ở cách nhà tôi độ ba cây số. Những ngày rỗi việc, tôi thường đi 
lại để được hầu chuyện cụ. Vì tính cụ vui vẻ, dễ dãi, nhất là tiếp đãi tôi,
 thì bao giờ cũng một cách đặc biệt. Thường cụ vẫn bảo tôi rằng nếu có 
cần việc gì về chữ nho, thì cụ sẵn lòng giúp.

Tôi vâng dạ, nhưng chửa có dịp nào được phiền đến cụ, vì chửa có dịp
 nào phải cần giao thiệp bằng chữ nho. Nhiều người cứ xui tôi xin cụ đôi
câu đối, nhưng tôi không muốn. Vì vẫn biết cụ sẵn lòng cho, nhưng chính 
mắt tôi thường trông thấy phàm ai muốn nhờ vả cụ về chữ nghĩa, đều
 phải có đem hoặc cành cau, hoặc gói chè, hoặc có khi cả đồng bạc nữa,
 để biếu cụ. Chứ không ai chơi cái lối "nước dãi" bao giờ. 

Như thế thực là phải. Cho nên, chẳng lẽ bây giờ mình nhờ cụ, mà cũng
 xử như người ta, đem gì đến, thì sợ cụ cười rằng trẻ con không biết gì. 
Nhưng nếu ngộ không tạ cụ bằng thức gì, thì cụ lại chẳng bằng lòng vì cách 
"tây" quá ấy chăng. Bất nhược chẳng phiền cụ cho xong quách.

Một hôm nhận được giấy cáo phó của một người bạn thân báo tin ông cụ
 thân sinh mới tạ thế, tôi cùng vài người anh em định rủ nhau sửa đồ 
phúng chung.

Ngày thường, chúng tôi vẫn nghe lỏm nhiều người nói chuyện rằng phúng
 đám ma các cụ già, người ta hay dùng bốn chữ Hạc giá tiên du. Chúng tôi
 định thửa ở hiệu bốn chữ ấy. Nhưng mặt chữ không thuộc, nên không biết
 viết thế nào. Mà đành phận chữ chi là cò cũng không biết, thì thà chịu dốt 
còn hơn. Vả lại bốn chữ sẵn này, tuy hợp nghĩa, nhưng nó cũ rích, lại chẳng 
hay ho gì, không đủ tỏ được cái tình thân mật của chúng tôi đối với hiếu
 chủ. Chúng tôi bèn quyết không dùng mấy chữ sáo Hạc giá tiên du ấy nữa.
 Nhân có cụ Nghè ở gần, chi bằng chúng tôi lại xin ngay chữ cụ, tất được 
hay lắm.

Chúng tôi biết tính cụ Nghè thích đánh chén, mà xưa nay chúng tôi lại chưa
 được dịp vào hầu rượu cụ, nên nhân việc này, chúng tôi mời cụ đến xơi cơm, 
rồi nói chuyện xin chữ cho tiện.


Dặn dò người nhà làm cơm và mua rượu xong, chúng tôi cùng thân hành
 đến nhà cụ Nghè để đón cụ. Hôm ấy, được ngày cụ thong thả và mát trời, 
nên cụ đi ngay.

Cơm xong, tôi nói:
- Thưa cụ, tiện đây, chúng con có một việc muốn phiền cụ.
- Hừ! Các ông lại muốn nhờ làm câu đối chứ gì?
- Dạ.
- Thế thì việc quái gì phải bày vẽ ra như thế này cho thêm tốn?
- Bẩm có gì là bày vẽ. Chúng con chủ ý mời cụ quá bộ đến xơi cơm để 
chúng con được hân hạnh hầu rượu cụ mà thôi.
- Câu đối gì?
- Bẩm câu đối phúng.
- Phúng ai.
- Bẩm phúng ông thân sinh một người bạn thân.
- Được! Đem giấy, bút, mực ra đây.

Chúng tôi đưa lọ mực tây và bút sắt. Cụ không nghe, cười:
- Tôi có quen dùng những thứ này đâu?

Chúng tôi bèn chia nhau đi mượn cho đủ bộ. Khi thấy mang về, cụ bảo:
- Mài mực đi. Ông đổ ít nước lã vào đây, rồi mài thoi mực này mươi vòng 
vào chỗ này, khi nào đen thì thôi.

Chúng tôi vâng lời cụ. Khi mực mài xong, cụ để các đồ dùng trước mặt, 
lên ngọn kính, rồi hỏi:
- Viếng ông cụ thân sinh ra bạn thân phải không?
- Dạ.
- Ông cụ ấy bao nhiêu tuổi?
- Bẩm ngót bảy mươi.
- À thọ nhỉ? Con cháu khá cả đấy chứ?
- Bẩm vâng.
- Ông cụ ấy còn cha mẹ già không?
- Không ạ.
- Bà cụ còn chứ?
- Dạ.
- Được. ấy, phải biết đủ như thế, mới có thể giãi tỏ hết cả tấm lòng mình được.

Cụ nằm phục vị trước tờ giấy, chống tay vào cằm, nghiêm nét mặt lại, rồi
 rung đùi, cơ chừng để nghĩ. Chúng tôi ngồi chắp tay, yên lặng cả, để khỏi làm
 rối mất mối văn chương của cụ Nghè.

Một lúc, cụ ngồi nhổm dậy, nói:
- Mà cần gì phải câu đối? Bây giờ những đám ma văn minh người ta có hay 
dùng câu đối nữa đâu? Để tôi nghĩ cho bốn chữ rõ hay, các ông có
 bằng lòng không?

- Dạ!
- Được.

Cụ lại phục vị, cầm bút chấm vào nghiên, xoe ngòi cho tròn rồi viết. 
Chúng tôi châu đầu cả vào để nhìn tay cụ.

Đầu tiên, cụ nắn nót viết một dòng chữ về mé tay phải ở tờ giấy, chỗ
 đề niên hiệu:
Bảo Đại Nhâm thân niên trọng hạ nhật.

Rồi cụ đưa phắt tay sang mé trái tờ giấy, viết luôn một dòng chữ nữa 
đề lạc khoản:
Tử chấp: Trần Văn X, Trịnh Hữu Y, Nguyễn Mạnh Z, đồng trang vãn.
Cụ hỏi:
- Có phải tên các ông viết thế không? Dòng bên kia là đề ngày, tháng, 
năm đấy.
- Dạ.
- Tử chấp nghĩa là hàng con, các ông cũng vào hàng con cụ ấy.
- Dạ.

Chỗ giữa vẫn còn để trống. Cụ lại hỏi:
- Ông cụ có phải không nhỉ?
- Dạ.

Lúc ấy cụ lại ra dáng nghĩ ngợi hơn, gục hẳn mặt vào bàn tay và rung chân 
mạnh hơn trước. Rồi ngẩng dậy, cụ đặt bút, chấm vào mực, lăn mãi ngòi 
vào nghiên. Chúng tôi lại phải im phăng phắc, không dám thở mạnh để cụ
 loạn trí, mất chữ hay, chăm chăm con mắt nhìn theo tay cụ.

Độ năm phút sau, cụ đặt bút xuống chiếu, gãi chân, rồi kêu nực, chúng tôi 
quạt hầu. Cụ cầm bút rồi rung đùi. Một chốc, cụ lại xoay bút, không rung đùi
 nữa, đặt hẳn ngòi trên mặt tờ giấy, đưa đi đưa lại cái quản, ngoáy ngoáy 
trên không để lấy gân, rồi dí hẳn xuống, nắn nót, viết bốn chữ nét rậm rì 
to tướng.

Viết xong, cụ nhổm phắt dậy, trỏ vào từng chữ mà giảng cho chúng tôi được
 hiểu thấu cái hay. Cụ Nghè giảng rằng:
- Hạc là con hạc, giá là xe, tiên là cõi tiên, du là chơi, các ông hiểu chưa?

Hiểu rồi, chúng tôi lườm nhau, chỉ sợ có anh nào cười thì chết!...

Annam tạp chí số 45, 1932.

MÙA HÈ 18

MÙA HÈ 18

Đó là mùa hè tôi đang phải đi qua mà nơi kết thúc là kì thi đại học.
***
Mùa hè bắt đầu từ lúc nào, dường như cũng chẳng nhớ nữa. Không ai cho tôi một câu trả lời. Bản thân tôi lúc ấy dường như chỉ mơ hồ cảm nhận được hơi thở của mùa hè từ những đợt nóng kinh khủng, nóng phát sốt, rồi mưa đến và đi như thể mùa hè không buồn níu giữ.
Cứ nói lớp 12 là 18 thì ở cái ngưỡng cửa thứ mấy của cuộc đời này, tôi chỉ thật sự biến nó thành dấu mốc khi mang về tờ giấy đỗ-Đại-học. Và những ngày khi nắng lên, mưa đến một cách khó hiểu, tôi đã chôn mùa hạ của mình trong những trang vở chi chít chữ, những tập đề khó nhằn và cố lấp đầy não bộ bằng những công thức, những lưu ý và bao điều khác nữa trước ngày thi. Tôi hít vào lồng ngực cái không khí lo lắng, hồi hộp, trông mong của bao người và thở ra là những mệt mỏi, nôn nao. Những ngày thức đến 4,5 giờ sáng, không phải để ngắm bình minh, để nhìn cuộc sống đang dần hiện lên sôi động. Gấp lại một quyển vở, để lại chồng sách một tập để, mệt mỏi lăn ra giường ngủ, bỏ lại sau lưng tiếng âm thanh cuộc sống đang vỡ ra náo nhiệt ngoài kia, bỏ lại những trong veo ngày đầu hè dịu ngọt. Lại thêm một đề văn và tự cười vào chính mình, một kẻ giả dối đang viết những bài văn nghị luận xã hội phê phán thế hệ trẻ sống gấp, thu mình trong vỏ ốc, khép cửa với bên ngoài. Có sáng nào không muốn mở mắt, nhưng nghe tiếng mẹ ngoài phòng hỏi con dậy chưa, lại cố gắng giả vờ quên đi mình mới ngủ lúc 6 giờ sáng để bật dậy. Có ngày nào một mình trong phòng tối, chỉ tiếng lật giấy và tiếng quạt chạy ù ù bên tai, để tôi biết rằng mình đang chạy trên con đường dẫn đến cánh cổng Đại học, tự nhắc không thể ngừng lại giữa cuộc đua.
Mùa hạ đã chết trong những ngày ấy, và mùa hạ cũng không thể quay lại được khi kì thi đã kết thúc. Cả mùa hạ chúng ta nỗ lực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: mình sẽ đi về đâu. Rốt cuộc, câu trả lời chỉ nằm ở khoảnh khắc bạn click vào đường link tra cứu. Tôi hốt hoảng khi nhìn vào trang Nhật kí online bao ngày chưa viết. Thời gian đã lấy đi của tôi những con chữ, khả năng viết lách. Giờ đây khi nhìn trang Nhật kí tôi đặt phông nền màu xanh của bầu trời, tôi cảm thấy trống rỗng, tựa như bạn nhìn lên trời xanh cao vào một ngày thu nhưng lại thấy trước mắt là cái u ám của ngày đông.
Tôi gõ vào trang nhật kí bỏ hoang những dòng vẩn vơ mà thậm chí tôi cũng chẳng hiểu được mình đang viết gì. Cả một năm phấn đầu vì một kì thi lớn, rồi chỉ dành nó trong vỏn vẹn 3 ngày đã rút cạn linh hồn tôi. Tôi yêu con chữ, dù tôi viết chẳng hay, nói chẳng thấm, nhưng viết là cách tôi cho thế giới biết tôi đang tồn tại. Nó bình thường nhưngkhông kém quan trọng như bầu không khí tôi thở, như bát cơm tôi ăn. Mỗi một lần viết ra một câu từ vô nghĩa, tôi lại thấy nơi lồng ngực tức thở. Có lẽ vì quá lâu rồi, tôi phải hít vào cái bầu không khí ngột ngạt, thiếu dưỡng khí. Quá lâu rồi tôi không được viết những gì mình muốn mà chỉ viết những gì người chấm bài cho là hợp nhất.
Đã qua vài ngày từ hôm biết điểm, đã thôi cảm giác mong ngóng từng ngày để được biết một ố điểm mình bỏ công sức ra để giành lại. Không khí lúc này và lúc ấy thật khác nhau. Còn tôi, ngay từ khi vào 12, tôi đã thấy đó là sự chán nản. Nhiều lúc dừng tay giải một bài toán, ngừng lại sau khi viết một đoạn văn, tôi tự hỏi mình đang làm gì, mình làm thế này để làm gì, mai này sẽ ra sao, sao mình chẳng thấy gì cả dù sức học của mình không phải là kém, sao cuộc đời không dễ như làm một phép đạo hàm giản đơn?
Rồi tôi nhận thấy, không chỉ mình tôi mà bao bạn bè xung quanh cũng vậy. Càng gần đến ngày biết điểm chuẩn, tôi càng chán nản hơn. Dù vào được trường mình yêu thích, dù vậy rồi mình cũng sẽ ra sao. Tôi đã đốt cả mùa hè vào trong trang giấy để đổi lại những mùa sau không có hè về. Những đêm này trời Hà Nội thật sáng bởi những ánh sao đêm. Tôi cứ nhìn, nhìn mãi, lòng thầm hỏi Hà Nội rằng, liệu bàu trời ngày hôm nay tôi thấy có phải là bầu trời tôi ngắm nhìn mười năm sau? Nhưng Hà Nội không trả lời. Không ai trả lời. Ánh sao vẫn thật sáng trên bầu trời đêm.
Tôi đã nhiều lần đặt ra những câu hỏi không lời đáp như thế, nhưng thật đặc biệt bởi chúng chỉ thuường xuyên nảy ra vào năm 12 - năm của tuổi 18. Có lẽ chúng sẽ không trở thành một đoạn kí ức khó quên dù đến tận sau này như ai nói. Chúng không thật đẹp đâu. Nhưng nếu thế, người ta sẽ nhớ nó nhiều nhất trong các mảnh kí ức vì đó là một mùa hè bên rìa 18 thật chông vênh, trắc trở, khởi nguồn của bao con sóng ngầm trong đòi về sau.
Và dù thế nào, những người như tôi, những người đang mất phương hướng trong cuộc đời, hoang mang và đầy bất trắc như đứng giữa thành phố không người, nhưng lại chẳng biết đi về đâu. Liệu chúng ta trở về nơi ta bắt đầu, đứng lại hay tìm đường đi tiếp? Không ai biết. Nhưng tôi biết, lạc đường là để chúng ta nhận ra con đường mình đang đi là chưa đúng. Và mỗi khi như thế, ta lại cắn răng quay lại điểm bắt đầu để tìm một lối đi nào đúng hơn. Nhưng ai biết, liệu chúng ta sẽ khôngđi lạc thêm lần nữa khi chúng ta đã đặt niềm tin vào con đường mình tin tưởng cất bước?
Đường Hà Nội có trăm hình trăm vẻ, mỗi ngày đi qua dù chỉ một con đường, tôi đều nhận thấy con đường ấy có những sự đổi khác. Người ta luôn cho rằng chẳng ai có thể lạc đường trên con đường mà mình đã đi quá lâu. Nhưng người ta cũng cần biết rằng, con người có thể biến con đường mình đi lâu thành con đường lạc. Giai đoạn khó khăn, mong manh này sẽ qua, và mọi chuyện sẽ sớm ổn. Không ai có thể cho tôi khẳng định trăm phần trăm rằng con đường tôi đi tới, dù quen thuộc hay lạ lẫm sẽ có những đổi thay gì, liệu sẽ dẫn tôi đến đích chăng. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, một khi tôi lạc lối, tôi sẽ lại điểm xuất phát và tìm cho mình một cái la bàn để đi.
Huyền Văn
Nguồn: truyenngan.com.vn

Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

 “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...