Wednesday, August 9, 2017

Bài học tuổi thơ


Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển
 cấp, nhân một buổi chiều cho
 con đi chơi mát, nó kể... Đang hỏi nó về chuyện thi cử,
 nó chợt hỏi lại tôi:
- Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm
 không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả
trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn
giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp
của con, chứ không phải con nghe kể đâu.
Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:
- Còn thua ba nữa đó, ba. Iít nhứt ba cũng được nửa
 điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như
 quả trứng.
Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì
 thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa.
Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến
các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu
hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học
văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách "Nhà văn
học văn". Đọc qua, nghe các nhà văn nhà thơ kể, tất
nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi
giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học,
 cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm
 cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất
 là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì
như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học
Nguyễn Văn Tố (1948 - 1950), tôi là một học sinh trung
bình, về môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém,
nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương.
Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một
điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỷ niệm không quên
 trong đời học sinh của tôi, môn văn.
Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi:
- Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như
vậy. Tôi cũng đã tự lý giải về mình, và lời giải cũng đã
in vào sách rồi, xin không nhắc lại.
Tôi hỏi con tôi:
- Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị
không điểm.
- Luận văn cô cho "Trò hãy tả buổi làm việc ban
đêm của bố".
- Con được mấy điểm?
- Con được sáu điểm.
- Con tả ba như thế nào?
- Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy.
- Mấy đứa khác, bạn của con?
Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng:
- A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban
đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.
- Đêm ba nó làm gì?
- Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.
- Nó tả ba nó đi nhậu à?
- Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng
khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu
chưa?
- Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào?
- Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng
cho cô.
- Sao vậy?
Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba.
 Cô hét: "Sao trò không làm bài". Nó cúi đầu làm thinh.
Cô lại hét to hơn: "Hả?". Nó cũng làm thinh. Tụi con
ngồi dưới, đứa nào cũng run.
- Nó là học trò loại " cá biệt" à?
- Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.
- Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào?
Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống
bàn cái chát: "Sao trò không làm bài?" Tới lúc đó nó mới
 nói: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, hai con
 mắt của cô con mở tròn như hai cái tô.
Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!
Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy
 xuống trước đứa học trò không có ba.
Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi
vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường
biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con...
Có người hỏi em: "Sao mày không tả ba của đứa khác".
 Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài
 xuống đôi má.
Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để
 lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng
với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung
thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt.
Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi
 xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.
Mùa thu, 1990

Chiếc quan tài


Chiếc quan tài ấy đặt trên tấm phản, giữa một túp nhà xiêu. Một người đàn bà, quần áo nâu bạc, ngồi phệt ở bên, úp mặt vào cánh tay khoanh cạnh ván thiên, thỉnh thoảng hé vuông vải nhỏ mới, ghé ra ngoài xỉ mũi xuống nước. Gần đó, một thằng bé con, chỉ mặc một manh áo rách, thò cái gậy tre vừa đẵn, nghịch với những tăm bọt sủi trên mặt lượt bùn.
Bỗng bốn người đóng khố, lực lưỡng, đẩy chiếc mảng chuối áp đến hè, rồi cùng nhau vào, khỏa chân để rửa, nói mấy câu, và đứng lên phản, bắt tay vào cỗ ván.
Họ còng lưng, ưỡn ngực, để khênh cho thăng bằng. Song, họ không thấy nhọc nhằn, vì chiếc áo quan ấy nhẹ quá. Nó bằng gỗ tạp, lỗ chỗ những vết mọt đen, mỏng vừa một đốt ngón tay. Họ chép miệng, phàn nàn với nhau, thương hại anh Cu xấu số, khổ cho đến lúc chết, chết ngay vào độ trời làm vỡ đường.
Mảng chuối chở chiếc quan tài lềnh bềnh theo tay bốn người đẩy ra cổng. Chị Cu trùm khăn lên mặt, khóc thảm thiết. Cứ cả quần áo thế, chị lội bì bõm, đi sau chồng.
Giá không có mảnh vải trắng che mặt, đố người lạ nào bảo chị là người nhà người chết. Và giá không có tiếng khóc, đố ai đoán là ngoài đường có đám ma. Thằng Cu thì chẳng biết gì. Nó thấy người ta ghé lưng, bảo nó ôm cổ để cõng. Nó ngơ ngác làm theo, hình như thích chí vì được đi lội.
Bốn người đẩy mảng, dò từng bước. Đi dưới nước đã chậm, thế mà đường lại trơn. Những bọt nước tóe bắn lên, làm tắt cả hương. Mấy cây nến cắm trên khúc chuối, bị gió, không sao cháy được. Người ta đã nhiều lần thắp lại cả hương lẫn nến, nhưng vẫn tắt như thường.
Xung quanh, làn nước đỏ mênh mông, từ sáng đến bây giờ, mỗi lúc lên một cao. Chị Cu gào mãi nên rát cổ. Chị phải thôi khóc. Và cố bấm đầu ngón chân xuống đất, cho khỏi ngã.
Mực nước chỗ thấp thì đến bẹn, chỗ cao thì đến thắt lưng hoặc đến ngực. Cả làng chỉ còn có mỗi một nơi cao nhất, là khu giữa vườn nhà ông Lý, may quá, chưa bị ngập. Cho nên ngay từ khi anh Cu ngáp cái sau cùng, chị Cu phải kiếm cơi trầu lên xin với chủ đất, để nhờ chỗ chôn chồng. Ông Lý thương hại, vui lòng nhận lời, lại khuyên chị nên đưa ngay anh Cu "ra đồng" kẻo chỉ một giờ nữa, vườn ông cũng tràn nốt. Thật thế, cả làng, hiện nay chỉ có khu vườn ấy là hở. Còn thì từ ngoài đồng cho đến khắp các xóm, chỗ nào cũng những nước là nước. Nói đúng ra, giữa đồng cũng còn vài ba cái gò là còn nổi lên. Nhưng những đường ra đấy, từ khi mới có tin vỡ đê, tuần đã chặt tre rấp ngang lối, vít kín cả lại rồi. Chỉ còn một lỗ con con chui khe luỹ, người ta vẫn đánh trâu qua để thả cho nó bơi đến các gò, đứng nắng và ăn bèo Nhật Bản, thì lối ấy nhỏ quá. Vả trừ trâu ra, ai dám bơi qua những nơi ruộng sâu đến một con sào.
Chiếc mảng lênh bênh độ một lát, thì quàng vào ngõ xóm Trung. Tuy đường hẹp, nhưng lối đi cao dần. Nước đến thắt lưng, sau đến bẹn, rồi sau đến đầu gối. Rồi sau cùng, mảng chuối chịt lại, mắc cạn, không đi được nữa.
Người ta ghé tay bê áo quan. Chị Cu vác vồ cuốc lên vai, đi theo. Nước rẽ qua những cẳng chân đen thủi, kêu rào rào, tóe bọt trắng sang hai bên.
Chị Cu giục mọi người mau tay lên, vì chị lo ngại quá.
Quả nhiên, mới từ nãy đến giờ, nước đã láng gần khắp vườn nhà ông Lý. Chỗ đất vừa đào cách đây độ một giờ đã có những dòng nước ngòng ngoèo bò theo nơi thấp, và rỉ vào, ngập đến lưng huyệt.
Bốn người rảo cẳng, rồi đặt quan tài xuống. Họ nhảy vào hố, hai tay bốc nước, thoăn thoắt tát ra. Nhưng vô ích. Nước ra bao nhiêu, lại vào bấy nhiêu. Mà nước vào lại mạnh hơn nước ra. Tát cũng không kịp.
Bốn người thất vọng, bảo nhau khênh bốn góc cỗ ván. Hai người tiến, hai người lui, rồi cùng đứng ngay ngắn ở hai đầu huyệt. Họ cúi lưng, đưa thấp dần dần tay xuống. Chiếc quan tài hạ từ từ. Cảnh đau đớn làm chị Cu đứt từng khúc ruột. Chị muốn khóc cho hết nước mắt, gào cho hết hơi, để được chôn theo chồng. Nhưng bỗng chiếc quan tài đứng sững lại, không xuống được nữa. Nước ở dưới đội nổi lên. Tiếng khóc im bặt.
Bọn người nhìn nhau lo sợ. Lúng túng. Làm thế nào? Bàn tán hồi lâu, hai người nhảy xuống, đứng ở hai đầu áo quan để lấy sức nặng, thì nó mới chìm được. Nhưng nước vào huyệt đã nhiều, nên khi người ta vừa nhảy xuống, nước ở dưới dềnh lên, tràn qua ván thiên. Quan tài như chiếc thuyền đáy phẳng, nó bập bềnh. Hai người mất thăng bằng, ngã khuỵu, thụt cẳng xuống huyệt.
Cách ấy không được. ỳ ộp, mỗi người nói ra một kế. Chỉ làm sao thắng nổi có mỗi một tí nước, mới chôn được dễ dàng. Chị Cu tưởng tượng đến chồng bị ngâm sũng, chị thút thít, kể lể, thương con người đến chết còn vất vả.
Chẳng mấy chốc, chiếc quan tài vì nhẹ, lại tự nhô lên đến gần mặt đất. Cả huyệt đầy những nước mất rồi. Bây giờ mới là lúc khó khăn. Họ vẫn luẩn quẩn bàn bạc.
Sau hết, ba người phải lấy lưỡi cuốc, hếch kẽ ván cho nước ồ vào thực nhiều và cùng nhau đứng về một đầu cho sức nặng đủ dận được xuống đất. Một người lấy vồ chêm vào thành huyệt, ghì chặt lấy. Một người cuốc đất, và chị Cu khuân vội vàng, vứt xuống hố. Thấy thây chồng đầu cao đầu thấp, chị đau đớn lắm. Nhưng biết làm thế nào?
Họ lèn đất vào thành huyết và áo quan, rồi quẳng những tảng to lên trên. Cho đất đủ sức dìm một đầu quan tài, họ lại đứng sang đầu bên kia. Và cũng làm như trước. Họ thở ì ạch, khó nhọc như một cuộc vật lộn. Khi cỗ ván đã bị chèn chặt hai đầu, họ bèn rủ nhau lên, để hết sức đào đất cho nhanh chóng mà quẳng xuống. Nhưng họ vừa bước chân khỏi, cỗ áo quan đã bềnh lên theo. Song, được cái nó không nổi cao quá. Biết rằng sức phấn đấu có công hiệu, họ huỳnh huỵch làm một lúc nữa thật mau. Chiếc quan tài lần này chịu nằm gí xuống tận đáy huyệt.
Bây giờ họ đã đỡ vất vả. Chỉ còn việc đắp đất lên cho thành nấm mà thôi. ấy thế mà khi ngôi mả đắp vừa xong, nước đã láng vào khắp vườn, không còn hở một chỗ nào nữa.
Những con giun đất màu đen to bằng ngón tay út nổi lềnh bềnh, dập dềnh theo đà sóng, trôi với đám bọt rác.
+
  • +
Một giờ, lại một giờ. Mực nước lên cao dần, cao trông thấy.
Xung quanh mả anh Cu, có những lá tre khô bám vào. Rồi có bèo Nhật Bản. Rồi có cả bọt rác nữa. Thứ này bám vào chốc lát, rồi bị sóng lôi đi. Thứ kia ôm lấy nhau, nhảy nhót, chạm óc ách vào nấm đất mới đắp. Nước dập dờn liếm mãi vào khe những mảng đất, làm cho nó mủn ra. Rồi nó lở thành những cục con con, lả tả rơi từng tý một.
Độ nửa ngày, nước tràn qua mặt mả.
Gió hiu hiu. Bụi tre cót két như nghiến răng. Những lá vàng rào rào bay xuống, chạy trên mặt nước như thuyền buồm thuận chiều. Lúc nào sóng cũng dập dờn làm ải đất mả đắp dối. Hòn to không mấy chốc thành hòn nhỏ. Hòn nhỏ không mấy chốc bị cuốn đi. Nấm mồ bị vẹt dần. Rồi nó không cao hơn mặt vườn nữa. Rồi chẳng bao lâu, tự nhiên, ở dưới, nhô lên một tầng đất mới.
Tầng đất này cũng mỗi lúc một tý, bị sóng đánh, bị ải, và bị cuốn đi. Rồi hết lượt này đến lượt khác, đất ở dưới cứ nhô lên và cứ bị cuốn đi từng hòn nhỏ cho đến hết. Rồi sau hết, ục một tiếng, cả chiếc quan tài tự nhiên nổi bềnh lên. Nó nghiêng đi, hất tảng đất cuối cùng trên mặt ván trơn bùn như mỡ. Tảng đất rơi tõm xuống nước. Cỗ áo quan tròng trành, rồi đứng yên trên huyệt như chiếc thuyền bị cạn.
Chiếc quan tài nổi theo mực nước lên cao dần. Sóng bập bềnh cứ vỗ mãi vào thành nó như cố đẩy nó đi. Rồi sau, nó không bị vướng gì nữa. Nó quay đầu, lừ lừ theo chiều gió và chiều nước, lênh đênh, lúc trôi ngang, lúc trôi dọc.
Độ nửa ngày, chiếc quan tài đã tự đến góc vườn, cạnh bờ lạch. Đến đây, nước phía ngoài chảy xiết, hút nó bạt ngang vào rặng tre. Nó mắc ở đó. Rồi một bè ngổ bám cạnh nó. Rồi một cụm bèo bám cạnh nó. Rồi cả một mảng vừa ngổ, vừa dừa, vừa bèo. Cả tảng bị nước đẩy ra lạch, nhưng không nổi.
Chiều gió đổi làm nhích dần mọi vật, mỗi lúc một tý. Nhưng cỗ ván gặp cành giong tự nhiên, rúc đầu vào bụi. Rồi lái ngang, hẩy mảng bèo ra cho nó chui qua khe rặng tre và theo dòng lạch trôi nhanh như mũi tên. Rồi một mình chiếc quan tài cựa quậy, như cũng muốn tìm lối ra chỗ rộng. Nhưng nó nặng nề, nên hết xoay dọc lại xoay ngang. Nó tiến rất chậm chạp, vì thỉnh thoảng có gióng tre cản lại.
Nắng gay gắt làm cho khô đất bết trên mặt cỗ ván và cong vênh một phần nắp lên. Cả người nằm trong, trương phềnh ra, cũng hình như không chịu được chỗ quá chật hẹp.
Chiếc quan tài như con thuyền không chủ, bập bềnh, lách theo lũy tre. Lúc nó dừng lại. Lúc nó nhích đi. Lúc nó giúi nghiêng, lại bạt vào bụi. Rồi sau hết, nó tới một chỗ có khe rộng. Tự nhiên, nó lao một cái, thích hai cạnh vào tre hai bên, rồi đâm thẳng ra giữa lạch chảy xiết. Đến đây, nó quay mấy vòng, rồi lừ lừ, nó trôi dọc theo dòng nước...
Tiểu thuyết thứ bảy số 180; 1937.

Ngựa người và người ngựa

Đố ai biết anh phu xe lững thững dắt cái xe không ở đa (`ng ngã tư đầu phố kia, đi như thế từ bao giờ đấy?
Trông anh ấy có vẻ "đói" khách lắm. Có lẽ thế thật. Vì ai lại tám giờ tối ba mươi Tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra ngoài đường làm gì, mà còn hòng một "cuốc" tất niên?
ấy thế! Trả xe cho xong quách, về nhà hú hí với vợ con có hơn không, tội gì! Vợ anh, con anh, đương chờ anh ở cửa đó nọ. Năm hết tết đến rồi. Còn mấy giờ đồng hồ nữa thôi, chứ còn lâu la gì?
ấy, giá trong túi có nặng cái đồng tiền, thì chả phải bảo, anh ta cũng về nhà cho xong quách, việc gì còn phải vơ vẩn vẩn vơ như thế này! Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả.
Bởi vậy hôm nay, anh ấy cố vay được cái vốn để đi mua xe, kiếm bữa gạo để ăn tết.
Quái, không hiểu cái ngày nay là ngày gì, mà từ chiều đến bây giờ, anh ấy mới được có hai hào chỉ! Ban chiều, khách áo gấm, áo nhung, đi nhan nhản ở đường, mà mời mỏi miệng, cũng không có một ai lên xe, nữa là bây giờ! Bực nhất là thỉnh thoảng lại lẹt đẹt tràng pháo nổ, làm cho anh ấy nóng cả ruột gan. Nghĩ đến cái cảnh tết nhà giàu mà thèm rỏ dãi. Họ quăng tiền đi về dịp tết, thi nhau tiền trăm bạc nghìn để xa phí vô ích, mà mình thì lo méo mặt mấy hào bạc gạo ngày mai không xong.
Thỉnh thoảng, anh ta dỏng tai quay cổ, xem có ai gọi ở đa (`ng xa không. Thì chỉ thấy đánh đẹt, lòe một cái ở giữa đường, làm cho anh ta giật mình đánh thót. Giật mình, rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng phăng cái xe đi, làm nghề khác. Nhưng bỏ nghề này thì xoay ra nghề gì?
Anh ấy đi lững thững như thế, qua Hàng Trống, quặt ra phố Nhà Thờ, xuyên thẳng ra lối nhà thương Phu? Doãn, thì bỗng đứng dừng, quay cổ lại nhìn.
- Xe!
- Đây!
Ba chân, bốn cẳng, anh ấy chạy vội lại phía có người gọi, hạ hai càng xuống.
- Bà về đâu?
Một bà trạc độ ngót ba mươi tuổi, mình mặc xa tanh nâu, đầu quàng khăn bịt trắng, bỏ giọt xuống tận bụng, đứng ở đầu hè:
- Anh có đi giờ không?
- Bà đi mấy giờ?
- Một giờ.
- Xin bà sáu hào.
- Sao anh lấy đắt thế? Hai hào!
- Thưa bà, xe ngày tết vẫn thế, vả lại bây giờ còn ai kéo nữa, mà bà giả rẻ thế. Con kéo một chuyến, rồi cũng đi giả xe, về ăn tết đây!
Bà khách thấy anh xe nói ra ý không thiết kéo, nên quay lưng đi.
- Này, bà giả bao nhiêu?
- Hai hào là đắt rồi, ngày dưng chỉ có hào rưỡi một giờ thôi.
- Thôi, năm hào rưỡi, bà có đi, không thì thôi.
- Thôi.
Bà khách lại quay lưng đi, lần này thì đi thẳng.
Anh xe vắt chân chéo kheo, chỏng càng lên trời mà nhìn theo mãi một lúc. Anh đoán có lẽ người này cũng là khách kiết, nên mới trả rẻ quá như vậy. Thôi thì người già thì ta non. Anh chạy theo và gọi:
- Này, mời bà lên xe!... Hai... hàọ..! Xin bà hai hào rưỡi.
Bà khách vừa bước chân lên sàn xe, thấy anh xe vòi hai hào rưỡi, vội nhảy tọt ngay xuống đất:
- Không hai hào thì thôi.
- Thôi, đây, mời bà lên.
Bà khách vạch cổ tay áo, xem đồng hồ:
- Chín giờ năm nhé, nhưng kể là chín giờ đúng cũng được.
Anh xe kéo giờ, nên cũng chỉ chạy "dưỡng lão" thôi, đít nhổm mạnh, mà bước ngắn. Vì thì giờ là tiền bạc, chậm phút nào là tiền phút ấy.
Trước anh xe tưởng bà khách đi có việc gì, cho nên còn chạy. Sau thấy bà cứ trỏ vơ vẩn hết phố nọ sang phố kia, mà chả đỗ ở phố nào cả, thì mới đoán có lẽ là cánh "ăn sương" chi đây. Anh bèn đi bước một. Nhiều lúc muốn hỏi thực, nếu có phải giăng há thì mình giới thiệu cho một món sộp đáo để.
Nhưng lỡ không phải thì họ mắng cho và không trả tiền thì khổ.
Qua chợ Đồng Xuân, vòng về Hàng Cót, lại rẽ sang Cửa Đông, bà khách bỗng hỏi:
- Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không?
- Vâng, nhưng bà có cho cháu hai hào thì cháu kéo hầu bà giờ nữa.
- Được.
- À, anh có hào lẻ không, cho tôi vay mấy hào, chốc nữa tôi giả cả đồng cho tiện.
Anh xe móc bao phục, lấy ra hai hào, đưa cho bà khách. Bà khách vào hiệu, mua gói thuốc lá, bao diêm, còn tiền mua cả hạt dưa để ca ( n.
Anh xe nhấp nhổm chạy rảo cẳng vài bước, rồi lại tiến bước như trước. Một lúc, anh mới đánh bạo hỏi một câu rõ khôn:
- Bà tìm ai, thưa bà?
- Tôi tìm người quen.
- Người quen bà ở phố nào?
- Anh cứ kéo đi.
Anh xe lại cứ kéo như thế, ra Ga, vòng về đường Sinh Từ, quặt về Hàng Bông, Hàng Mành, Hàng Vải Thâm, vân vân. Mãi mãi, mà người khách vẫn không tìm thấy ai quen.
- Thưa bà bây giờ mấy giờ rồi?
- Mười một giờ kém năm.
- Con kéo hết giờ này, xin bà cho tiền để con đi đón khách ở ga về.
- Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không?
- Thưa bà, con đón khách ở ga hay ở nhà chớp bóng thì một cuốc cũng được hai hào chỉ.
- Anh đã chắc có khách chưa? Hay là mật ít ruồi nhiều, rồi dắt xe về không. Anh lại cố kéo tôi giờ nữa, đi thủng thỉnh thế này mà được tiền, chả hơn chạy mửa mật ra ư?
Anh xe nghe bùi tai, lại bằng lòng kéo. Hàng phố càng thấy thưa người đị Các cửa đóng kín mít. Đi một lúc, qua Ngõ Trạm, vòng sang Hàng Điếu, rồi rẽ sang Hàng Bồ. Lúc ấy, bốn bên im lặng như tờ, chỉ thấy tiếng lách tách bà khách cắn hạt dưa thôi, thì bỗng một tràng pháo nổ, đì đẹt pháo giao thừa.
- Mấy giờ rồi, thưa bà?
- Phải gió nhà nào bây giờ đã đốt pháo giao thừa! Mới có mười hai giờ kém mười lăm.
Anh xe mới nghĩ: "Mười lăm phút nữa, mình sẽ có sáu hào. Sáu hào với hai hào là tám. Thế nào ta cũng nài thêm bà ấy mở hàng cho một hào nữa là chín. Chín hào! Mở hàng ngay từ lúc năm mới vừa đến. Thật là may! Mới năm mới đã phát tài! Thôi, sang năm tất là làm ăn bằng mười ba (`ng trăm năm nay".
Rồi anh nghĩ đến vợ con anh, mà phấn chấn trong lòng, như có cái sức gì nó xúi giục anh quên khổ để vui lòng làm việc vậy.
"Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm. Nhưng ta sẽ làm ra dáng không mệt nhọc, để vợ chồng con cái ăn tết với nhau cho hể hả".
Anh vừa nghĩ thế, vừa kéo về phía nhà thương Phu? Doãn. Tới chỗ khi nẫy, anh dừng xe lại, nói:
- Bây giờ có lẽ mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền.
Bà khách có ý luống cuống, nói:
- Chết! Anh hỏi tiền tôi bây giờ à? Anh chịu khó kéo tôi một giờ nữa đi.
- Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà.
- Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Có anh biết đấy. Có gặp ai hỏi han gì đâu. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trước để giả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này, thì tôi biết làm thế nào?
- Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không giả tiền tôi à?
- Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?
- Tôi kéo cô lên Cẩm.
- Lên Cẩm thì tôi cũng đành lên với anh, chứ tôi biết làm thế nào!
- Thế mà cũng vác mặt mặc cả xe giờ, lại còn vay tiền người ta mà mua thuốc lá với hạt dưa!
- Nhà tôi ở ngay đầu ngõ Hàng Bún, khi nào anh đi qua, thì tôi giả tiền anh chứ gì!
- Chứ gì! Một trăm ngõ Hàng Bún, ai biết ngõ nào mà tìm!
- Tôi không có tiền đâu, chả tin anh khám mà xem.
- Tôi không khám, cô giả tiền tôi cho tôi về!
- Đây, hay là phu la, áo, đồng hồ đây, anh muốn lấy thức gì thì lấy.
- Tôi lấy để làm ma mẹ tôi à?
- Thôi này, đừng cáu làm gì. Tôi bảo, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?
- Thế sao cô không bảo thực tôi từ trước, để tôi kéo cô qua các nhà săm để hỏi, cô còn sĩ diện mãi.
- Nào ai biết cơ sự nó ra thế này. Thôi, này, tôi nói thế này thì anh nghe. Nếu bây giờ anh bỏ tôi ở đây, thì tôi không có tiền giả anh, sự ấy đã đành rồi, nhưng mà anh thiệt. Vậy anh cố kéo tôi nữa, may tôi có khách thì tôi có tiền, mà anh cũng không phải phàn nàn nữa.
- Tôi thật là nợ nần gì cô kiếp trước hay sao, mà nay tôi khổ với cô như thế này. Đầu năm mà đã rấp! Rắc rối!
- Anh đừng nói thế, ai muốn thế này làm gì!
Bất đắc dĩ, con ngựa người lại phải kéo con người ngựa vậy.
Nhưng lần này thì thật là không buồn bước lên nữa. Chán quá!
Rõ số đâu mà số ăn mày thế này!
Anh xe vừa đi, vừa thở dài. Khách cũng vừa đi, vừa thở dài. Càng đi, càng thấy phố vắng tanh, vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới gặp một người tùm hum cái áo ba đờ xuy, mà đi có ý vội vàng.
Buồn thay! Đàn muỗi vo vo bay, đùa nhau xung quanh ngọn đèn. Lá cây sột soạt rụng, đuổi nhau ở trên đường nhựa.
Anh xe dắt xe đi diễu qua các cửa nhà săm để xin việc cho cô ả. Nhưng lúc ấy đã hai giờ sáng rồi cho nên ế! May sao, đến đầu phố Hàng Gai, thì gặp một người ăn mặc ra dáng ăn chơi, đang tất tả cúi đầu đi. Cô ả dử mồi, đánh liều gọi lại, vờ vĩnh hỏi thăm đường. Nhưng khốn nạn, anh chàng này lắc đầu, và cứ rảo cẳng bước đều:
- Tôi không biết, cô hỏi thăm anh xe này cũng được. Tôi còn vội đi mời đốc tờ cho vợ tôi ốm đây!
Hai cái thở dài thất vọng theo đuôi nhau, rồi không ai nói thêm một lời nàọ Anh xe lại từ từ tiến bước.
- Cô làm thế này thì tôi chết mất!
- Thôi anh bằng lòng vậy.
- ấy cũng may cho cô, vớ vẩn mãi ở ngoài phố thế này mà gặp mật thám hoặc đội con gái thì khốn!
- Mật thám tôi cũng chả sợ, đội con gái tôi cũng chả cần, vì tôi có "ba tăng".
Đi một lúc lâu, chẳng gặp một ai cả, cô ả bảo anh xe:
- Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế mà thôi. Tôi thì thực không có tiền giả anh đâu. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng, anh muốn bắt tôi gì tôi xin chịu.
- Tôi bắt gì cô mà tôi bắt!
Cô ả nắm lấy tay, vỗ vào vai anh xe, nhăn nhở cười:
- Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh với tôi thôi, thì người tôi đây, anh muốn làm gì tôi cũng bằng lòng.
- ối thôi! Tôi lạy cô. Nhỡ cô đổ bệnh cho tôi thì tôi bỏ mẹ tôi.
- Không sợ, tôi mới khám bệnh hôm qua.
- Thôi, tôi chắp tay tôi van cô, cô có thương tôi thì mời cô xuống xe cho tôi về, và xin cô tiền xe!
- Thế thì anh cứ kéo tôi về nhà tôi, xem có đồ đạc gì đáng giá, thì anh cứ việc lấy.
Anh xe bụng bảo dạ, thôi thì cầm bằng như mất tất cả buổi đêm nay là cùng. Nhưng ta chịu khó kéo nó về, may xem có cái gì thì ta lấy, còn hơn về không. Thật là đò nát đụng nhau.
- Nhà cô ở đâu?
- Trên Hàng Bún.
Anh xe vừa kéo, vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Không có tiền, cũng leo lên xe mà ngồi, chỉ sĩ diện hão thôi, lại còn tí tách hạt dưa, với phì phèo thuốc lá mà không biết ngượng!
Cô ả đành chịu mặt dày cho anh xe mắng một ít câu cho bõ hờn, cứ ngồi im như phỗng.
Lúc ấy, gió bấc thổi căm căm, buốt đến tận xương. Nhà hàng phố đã thấy có người dậy. Nhưng họ dậy có phải để đi tìm gái đâu!
Đến cửa một nhà săm, cô ả bảo:
- Anh hãy ghé vào đây một tý cho tôi hỏi vay tiền người này xem có được không.
Anh xe hơi có hy vọng, đỗ lại để cho cô ả vào. Rồi vì mệt lử, anh ngồi phịch xuống sân xe, tựa lưng vào thành, vừa chờ, vừa nghĩ vơ nghĩ vẩn.
Một lúc lâu, một tràng pháo nổ vang trời, làm anh giật mình. Anh sực nghĩ đến cô ả, không biết cô ta vào đấy làm gì mà lâu thế. Hay có lẽ đã có món khách nào chăng. Nhưng thế nào cũng phải trả tiền cho mình về đã chứ, lại bắt mình chờ đến sáng hay sao? Anh gõ cửa gọi.
Người bồi săm ra.
- Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở buồng nào?
- Chả có buồng nào có khách cả.
- Thế người con gái ấy đâu?
- Ra ngay từ bao giờ rồi, còn đâu mà hỏi?
- Thôi chết tôi rồi, ra cửa nào?
Người bồi lấy ngón tay cái, hất ngang về phía cổng sau. Anh xe choáng người như nghe tiếng sét đánh. Anh bàng hoàng như chợt tỉnh giấc chiêm bao.
Người bồi săm nói xẵng:
- Đi cho người ta đóng cửa. Ai bảo anh xông nhà cho tôi? Năm mới đừng bí beng!
- Ông ơi!...
Người bồi giúi vai anh xe, đẩy ra, rồi đóng ập cửa lại. Anh xe nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng dắt xe đi.
Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng toạch toạch...
11-2-1931

Hai cái bụng


hôm nay thì nó lả đi rồi. tai nó ù. mắt nó loá. nó nằm vật ở lề đường. miệng nó há hốc ra mà thở.
bởi vì, cũng như hôm qua, và cũng như hôm kia, hôm kìa, nó đã đi lang thang hết chỗ này đến chỗ nọ, mà chẳng kiếm được tí cháo lưng hồ.
nó?
nó là sự đói khát, kinh tởm, kết thành hình.
nó có cái sọ đếm được tóc. không biết một thứ bệnh gì hương hỏa của cha mẹ đã làm cho cả da chỗ ấy nhẵn thín, bóng lộn, đỏ đòng đọc như cái mụn đương loét, khiến tóc nó chỉ có thể mọc lơ thơ, như vầng cỏ trên tảng đá cằn.
nó có một cái mặt - mẹ ơi! không biết có gọi được là mặt không đấy! - mặt gì mà mắt lại thế kia, và miệng lại vô dụng thế được. phải, mắt đâu có thứ mắt xung quanh là một hình bầu dục, vẽ bằng vành thịt trơ đỏ lầy nhầy, lúc nào cũng ứa ra một dòng nước vàng và giữa thì lờ đờ một hột nhãn, thứ hột nhãn non choèn, vàng ễnh. còn cái miệng nó thì dô ra như miệng khỉ, hai hàm răng to tướng, lúc nào cũng cầm cập hục hặc với nhau. nhưng thế không phải để nhai, mà để run. vì trời rét.
những quần áo nó mang vào người chỉ có một mục đích là che cho thân nó không kín. chắc là những thứ giẻ khươm mươi niên, người ta vứt đi, vì bợt quá. nhưng nay nó buộc miếng nọ với miếng kia, díu mảnh này vào mảnh khác, và vì dùng lâu ngày, nên cũng dày thêm bằng tầng mồ hôi, quện với ghét, và bụi. Đố ai đếm nổi tất cả có bao nhiêu chỗ rách và những chỗ rách ấy hình gì. Đố họa sĩ nào pha đúng được màu quần áo ấy - và nếu có cởi những thứ ấy ra, đem treo lên cho công chúng đoán - đố ai dám nói đó là đồ mặc của người.
vậy thì, với bộ quần áo xơ mướp ấy, nó biến thành một cái bù nhìn. bù nhìn là cái khung có hai tay và hai chân làm bằng ống tre, thì nó cũng là cái khung có hai tay và hai chân chẳng to hơn mấy. bù nhìn có bộ mặt chẳng thành hình, thì nó có bộ mặt cũng dúm dó, xấu xí như con ma dại.
nhưng bù nhìn chỉ làm cho chim chóc phải sợ hãi, nhưng nó thì có thể làm cho người ta không dám đến gần. vì đến gần nó, trông thấy nước da đen sạm, dăn deo của nó, người ta tưởng như đó là cái thây ma chưa tiêu hết hiện về. và cũng có mùi hôi thối xông lên. và cũng có ruồi nhặng bám vào để hút chất bẩn.
thật thế, một đống rác, chưa đáng sợ, đáng tởm bằng nó. vậy mà nó phải đi hết chỗ này đến chỗ nọ, để kiếm cái nhét vào dạ dày.
Để nó sống.
vì nó chưa chết.
nó đã đi ăn mày. nhưng ai cũng đuổi nó quầy quầy. người ta quen cho những người sạch sẽ, có nét mặt đáng thương, có quần áo còn dính đôi chút mỹ thuật. người ta chỉ bố thí cho kẻ ăn xin "hạng nhất". còn nó, nó đi đến đâu, người ta đóng cửa, người ta chửi, hoặc người ta mặc kệ cho chờ chán thì phải cút.
cho nên nó phải làm lấy mà ăn. nó đến các chợ, vét những tí bánh còn dính trên lá, và gậm những mẩu khoai vứt còng queo trên đất sạn. nó lạy van đứa ăn xin khác bớt cho nó chút canh cặn cơm thừa.
nhưng mấy hôm, chỉ có ngần ấy thứ tọng vào bụng, nó sống làm sao được? nó phải ăn đến thịt nó. bởi thế, nó gầy hơn, nó còm hơn, nó đét lại, không đủ sức lê nổi tấm thân đã mòn. bởi thế, chân tay nó lúc nào cũng run rẩy như cầy sấy, mắt nó giương to tướng, nhưng vẫn lờ đờ. nó không bệnh tật gì, song nó ngây ngô như người ốm.
hôm nay thì nó lả đi rồi. tai nó ù. mắt nó loá. nó nằm vật ở lề đường. miệng nó há hốc ra vì đói.
nó chỉ thèm được ăn.
+
  • +
bà ấy thì đến một tháng nay, cứ phải uống thuốc mãi.
Đầu tiên, ông đốc tờ tây đi ôtô đến nhà, đem đủ các thứ đồ dùng để nghe ngực, thử máu. rồi ông bóp trán, kê cái đơn, mua mất ngót một chục đồng bạc thuốc.
nhưng uống thuốc, mà bà ấy vẫn thấy thế, bà bỏ dở không dùng.
có người mách một bác sĩ người nam chữa bệnh giỏi lắm. bà ấy cho mời liền. và cũng như bận trước, thuốc không công hiệu.
bà cho là thuốc tây không hợp với tạng bà. thuốc tây chỉ tài về khoa cấp cứu. chứ bà phải dùng thuốc bắc. thuốc bắc, tuy hiệu nghiệm chậm, nhưng khi đã ngấm vào trong tạng phủ người ta, thì nó chắc chắn lắm. nó hợp với bà hơn.
bà bèn mời một ông lang ta. quả nhiên, ông lang cũng đồng ý với bà, bảo rằng thuốc tây chữa người nam không được. vì nó chỉ làm để cho người tây dùng. vả lại, đốc tờ chỉ hay dọa dẫm, động một tí là lao, là đau dạ dày, là thương hàn, là đến một nghìn thứ bệnh nguy hiểm khác.
Ông lang rón hai ngón trên cổ tay bà, trầm ngâm. Ông lim dim đôi mắt. rồi lúc tóm trúng bệnh, ông lấy bút giấy kê đơn lập tức. Ông hẹn uống một chén, bà sẽ thấy khác ngay. uống đến ba chén, bà không còn một tí gì khó chịu trong người nữa. lúc đó, chỉ cần dăm thang thuốc bổ, là bà lại khỏe mạnh như thường.
bà cho người lên hiệu bào chế cân thuốc. bà yên trí thuốc có nhiều vị đắt tất là hay. bà chẳng tiếc tiền, bỏ ra hơn năm đồng, đổi lấy một bát nước sánh như mật.
nhưng nghe ngóng một hôm tròn, bà chẳng thấy bệnh chuyển. vẫn thế.
kiên tâm, bà lại cân chén nữa. và chén nữa. nhưng bà lắc đầu, chịu không thể tin được mấy ông lang ta chỉ khuyếch khoác cái mồm.
rồi bà mời đến ông thầy khách. thầy khoe nhà thầy đã ba đời làm thuốc ở bên an nam. thầy nói tiếng an nam sõi như người an nam, tuy thầy đã già và tứ đại đồng đường. nhìn bộ râu bạc dài dưới cằm thầy, con bệnh tín nhiệm ngay. vậy mà thầy cần làm khách hàng tín nhiệm hơn, nên hết gièm pha thuốc tây, đến chê bai các ông lang an nam. thầy rằng không ai biết gì hết. duy thầy mới khiến nổi bệnh này.
thầy cũng xem mạch, và xem cẩn thận lắm. thầy hỏi vặn từng tí, và sau hết, bảo bà cho người nhà theo về hiệu lấy thuốc. thầy cam đoan bà uống thuốc này không phí tiền.
nhưng chán chưa! thuốc ấy cũng chẳng ăn thua gì cả.
lạ quá. bệnh gì lại có bệnh thuốc không trị nổi bao giờ!
bà ấy có bệnh gì?
không biết.
vì mấy ông thầy thuốc không ông nào nói rõ.
nguyên là bà ấy béo quá - gớm! béo đâu có béo lạ béo lùng thế! - béo đến nỗi hai má chảy ra, cổ rụt lại. béo đến nỗi bụng sệ xuống. béo đến nỗi trông phát ngấy lên!
mà bà ấy lại giàu nữa mới rầy rà chứ! nhà, bà ấy có hàng dãy ở khắp các phố. ruộng, bà ấy có hàng trăm mẫu ở nhà quê. tiền, cạnh tường buồng ngủ, cái két khổng lồ, lúc nào cũng chứa hàng tập giấy trăm lớn.
bà ấy có đủ điều kiện để sung sướng.
nhưng chỉ có một tí xíu mà trời chẳng chiều cho ai được hoàn toàn. là bà ấy yếu dạ lắm.
bà ấy chỉ phiền về mỗi chỗ ấy.
thế mà hôm cuối tháng trước, một bà bạn mời bà ấy đến ăn cỗ cưới con gái. bà ấy đã tính chối từ, song lại sợ bị trách.
cho nên bà ấy phải dằn lòng đến ngồi vào mâm cơm.
bà bạn gắp tiếp, ép ăn những bóng, những mực, những long tu, những vây cá, và đến trăm thứ khác nữa.
nể bạn, bà ấy ngắc lên đến cổ. và lo quá, vì biết rằng xong bữa cỗ này, rồi thế nào cũng có chuyện lôi thôi to đây.
quả nhiên, từ hôm ấy đến nay, bà ấy cứ thấy bình bịch cái bụng, lúc nào cũng đầy đầy, không tiêu, khó chịu quá.
khổ thật! thuốc thang chịu, uống đến thế mà bà ấy không đói cho!
bà ấy chỉ thèm ăn được.

Đồng hào có ma


Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. thuyết ấy sai. trăm lần sai! nghìn lần sai! vì tôi thấy sự thực, ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả. thì đấy, các ngài cứ hãy nhìn ông huyện hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa.
chà! chà! béo ơi là béo! béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: "nhờ bóng quan lớn", là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp. mà rồi thằng khốn nạn ấy, ông truy cho đến kỳ cùng, không còn có thể làm ăn mở mày mở mặt ra được. bởi vì ông có sẵn trong tay hàng mớ pháp luật, thì ông ngại gì không khép thằng bảo quan béo vào tội "làm rối cuộc trị an". thế là việc công việc tư, ông đều được trọn vẹn. vì không những ông được hả giận, lại còn được tiếng mẫn cán là khác nữa.
nhưng cớ sao từ ngày xuất chính tới nay, hai mươi năm trời rồi, ông vẫn còn lẹt đẹt tri huyện mãi. cái đó không quan hệ. các bạn học cùng ông, họ đều thăng đường quan cả, vẫn thường phàn nàn hoạn lộ quá chậm chạp của ông. trước mặt họ, nghe câu nói thành thực ấy, ông chắp tay, cúi đầu, làm ra vẻ buồn rầu. nhưng lúc quay lưng đi, ông bĩu môi, chửi thầm một câu, bụng bảo dạ:
- làm bố chánh có vặn xỉ ra mà ăn!
lý lịch của ông huyện hinh cũng xấu thật. bởi vì ngồi huyện nào, ông cũng bị dân kiện. mà quan trên xét ra ông lại trễ nải việc quan. Đời làm quan của ông chỉ có hai việc chính: đánh bạc và chơi gái.
năm nay, ông đã ngoại tứ tuần. Ông vẫn lấy cái tuổi của ông để lên mặt tiền bối, khinh những ông huyện trẻ khác, nếu tụi này dám chỉ coi ông là bậc ngang hàng. Ông liền khoe thằng cả nhà ông đã hai mươi nhăm, rồi ông cặp ngón tay trỏ và ngón tay cái với nhau, vê vê trên mép. trên mép ông, ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu. Ông để râu, cho khác hẳn với tụi huyện trẻ nhãi. nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Đến nỗi năm bốn mươi tuổi, mà mặt ông nó cứ nhẵn thín như thường. Ông bực mình, bèn ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông một dao, để ông nuôi râu. thì sau hết, những lông tơ nó cũng dài ra, và trông rõ hơn. và đến bây giờ, đứng ở hai bên miệng ông, nó thành hai cái dấu chua nghĩa (...).
buổi hầu sáng hôm ấy.
con mẹ nuôi, tay cầm lá đơn, đứng ở sân công đường. nó hớt hơ hớt hải qua cổng chòi, rồi sợ sệt bỡ ngỡ, không biết quan ngồi buồng nào. bỗng một người mặc áo cánh nái nhuộm vỏ già chạy xồng xộc đến trước mặt nó, và hỏi:
- Đi đâu?
con mẹ biết ngay rằng đó là cậu lính lệ. và như hiểu rõ phép vào quan, nó giúi đưa cậu lệ hai hào đã cầm sẵn ở trong tay, rồi nói nhỏ:
- nhờ cậu bẩm quan cho tôi vào hầu.
cậu lệ tuy đã cầm tiền, nhưng làm như ta không để ý đến việc nhỏ nhen ấy, bèn vừa thò tay, vừa nói to:
- Đưa xem đơn, việc gì?
rồi trong khi nhà nuôi kể lể, thì cậu lệ đánh vần để đọc lá đơn. Đoạn cậu lắc đầu, nhăn mặt bảo:
- vào kia, nhờ bác nho quý bác ấy làm hộ cho. Đơn này không được.
con mẹ tái mặt, hỏi:
- không được thế nào, thưa cậu?
cậu lệ giơ hai tay ra giảng:
- nghĩa là nếu nhà chị muốn việc chóng xong, nghe chưa?
- thưa cậu, cậu cứ vào trình quan hộ. chả nói giấu gì cậu, nhà tôi bị mất trộm hết sạch cả đồ đạc lẫn tiền nong. sáng nay, vay mãi mới được đống hai bạc, để đi trình quan, cậu làm ơn thương hộ cho.
cậu lệ nhìn nét mặt nằn nì của nhà nuôi, song vẫn thản nhiên:
- tôi bảo nhà chị không nghe thì tôi mặc kệ. tôi thấy nhà chị ăn mặc thế này, lại bị lúc vận hạn đen đủi, tôi lại chẳng động lòng hay sao? nhưng ở đây, cái lệ nó thế. tôi tử tế, nên bảo trước. nếu nhà chị không theo, thì quan quở, chớ có trách tôi đấy.
muốn chứng thực lời nói của mình, mẹ nuôi cởi nút dải yếm ra, rồi xỉa năm đồng hào đôi còn lại lên gan bàn tay, và nói:
- Đây này, chẳng tin, cậu đếm mà xem, chỉ còn vừa vặn tiền trình thôi.
cậu lệ lắc đầu. con mẹ vừa buộc lại tiền, vừa nhăn nhó, van lơn:
- lạy cậu, thương cháu, cho cháu được nhờ. cậu cứ vào bẩm quan hộ. hễ quan bắt làm lại đơn, thì cháu xin ra nhờ bác nho quý ngay.
bỗng một tiếng chuông gọi. cậu lệ dạ giật một tiếng, rồi ù té chạy. con mẹ nuôi nhìn theo, biết rằng buồng quan ngồi ở chỗ ấy. nó đánh liều tiến đến, vừa tiến, vừa lo. nó bước chân lên thềm, trống ngực bắt đầu nổi mạnh. nó đã trông thấy quan. nó lại sợ nữa. vì lo sợ quá, nên quên đứt rằng chính nó đi trình việc mất trộm. nó lại tưởng như nó là đứa trộm vậy. nó rón rén, đứng nép vào cạnh cửa, thập thò, ghé vào trong, và lắng tai nghe. nó thấy quan đang dặn cậu lệ xuống bảo nhà bếp ninh cho thật dừ cái chân giò.
và đến khi cậu lệ dạ tiếng cuối cùng và đi vào sân sau, mé cửa trong, thì nó hiểu ngay rằng đã mất toi hai hào cho thằng xỏ lá nó chẳng bẩm cho mình một tiếng nào.
bỗng hai con gà tây béo sù quàng quạc kêu ở sân trước. nó thốt giật nảy mình. quan đang ngồi, choàng một cái, ngài đứng dậy, chạy vội ra hiên, đứng ngay cạnh nhà nuôi, và gọi váng:
- có đứa nào đấy, lừa hai con gà vào cho tao!
tức thì, người ta chạy tán loạn để xua gà, và nhà nuôi thì chắp hai tay, quỳ ngay xuống gạch, và nâng ngang đầu cái lá đơn.
khi đôi gà đã chạy về, quan bèn nhìn con mẹ và bảo:
- vào đây.
nó mừng quá, lóp ngóp đứng dậy, vội vã theo vào trong buồng giấy.
nó đứng ở cạnh bàn, run lên bần bật. nó liếc nhìn quan. ngài oai vệ quá. nó lại sợ hơn nữa. nhưng dù run hay sợ, nó cũng không quên được việc vi thiềng quan.
nhưng tiền trình diện quan, nó lại buộc vào trong dải yếm. nó cởi ra mới lấy được.
nó mới lúi húi rút cái nút buộc ra. nó sợ quan chờ lâu, nên phải vội vàng. mà vì vội vàng, lại lo quan gắt, nên nó lóng cóng. cái nút vừa xổ ra, thì loẻng xoẻng, cả món tiền rơi tiệt cả xuống gạch.
năm đồng hào đôi nảy lên mấy cái, và từng ấy tiếng kêu làm nó giật mình. tự nhiên, nó choáng cả người và hoa cả mắt. nó cúi nhìn chỗ nhiều hào rơi nhất, ngay bên cạnh nó. Đồng thì chui nằm ẹp gần chân nó, đồng thì xoay tít mấy vòng, đồng thì bắn ra góc buồng. mấy đồng nữa thì thi nhau lăn ra tận chỗ xa.
nó không thấy quan nói gì, nên cũng hơi tĩnh tâm. nó bèn cúi xuống để nhặt tiền. một đồng, hai đồng. Đồng thứ ba nghiêng ở mé tường. nó tìm đồng thứ tư. mãi nó mới thấy ở tận gần chân bàn giấy của quan. nó tìm đồng thứ năm. quái, nó tìm mãi, mà không thấy đâu cả.
nó phải có năm hào đôi. năm hào đôi mới thành đồng bạc được. vừa ban nãy, nó giở ra cho cậu lệ xem, và lại buộc cẩn thận vào dải yếm. không lẽ đồng hào ấy có ma, đã biến đi đâu mất chóng thế được. vậy chỉ quanh quẩn ở trong buồng này mà thôi. nhưng nó đã tìm kỹ lắm rồi. mà trình đơn tám hào, tất nó bị quan chửi. không biết làm thế nào được, nó tần ngần chắp hai tay, vái:
- lạy quan lớn ạ.
rồi nó lùi lùi bước ra cửa. rồi nó đi về...
Ông huyện hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. rồi khi thấy nó đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giầy bám vào, rồi bỏ tọt vào túi.


    Một bữa no - Nam Cao

    Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ đưọc một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi.
    Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã vội vàng đi lấy chồng ngay, nó đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải làm còm cọm, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?
    Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.
    Tuy vậy mà bà vẫn phải ăn. Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có làm thì mới có. Nhưng bây giờ yếu đuối rồi, bà không còn kham được những việc nặng nề, cũng không còn chịu đựng được nắng sương. Bà phải kiếm việc nhà, việc ở trong nhà. Ở làng này, chỉ có việc bế em, như một con bé mười một, mười hai tuổi. Mới đầu còn có nhiều người muốn thuê. Ai cũng nghĩ rằng: những bà già tính cẩn thận và chẳng bao nhiêu, bữa lưng bữa vực thế nào cũng đủ no; mà đã không no các cụ cũng chỉ lặng im, không ấm ức như những đồ trẻ nhãi, hơi một tí cũng đem chuyện nhà chủ đi kể với đủ mọi người hàng xóm… Nhưng thuê bà được ít lâu, tự nhiên người ta chán. Người ta nhận ra rằng: thuê một đứa trẻ con lại có phần thích hơn. Trẻ con cạo trọc đầu. Những lúc tức lên, có muốn cốc nó dăm ba cái thì cứ cốc. Chẳng ai kêu: ác! Nhưng bà lão đầu đã bạc. Người ta tức bà đến gần sặc tiết ra đằng mũi cũng không thể giúi đầu bà xuống mà cốc. Cũng không thể chửi. Mắng một câu, đã đủ mang tiếng là con người tệ. Mà bà thì lẩm cẩm, chậm chạp, lì rì. Bà rờ như thể xẩm rờ. Tay bà, đưa bát cơm lên miệng cũng run run. Cơm vương vãi. Tương mắm rớt ra mâm, rớt xuống yếm bà, rớt cả vào đầu tóc, mặt mũi, quần áo đứa bé nằm ở lòng bà. Rồi hơi trái gió, trở trời, bà lại đau mình. Suốt đêm bà thở dài với rên rẩm kêu trời. Có khi bà lại khóc lóc, hờ con. Nghe rợn cả người. Như vậy thì chịu làm sao được? Ấy thế là người ta lại phải tìm cớ tống bà đi. Bà lại phải gạ gẫm ở cho nhà khác… Không đầy một năm trời bà thay đổi đến năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào. Rồi cơm nuôi, một năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào. Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bào: bà chỉ có thể mang một lọ. Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ cũng không xong. Bà xách một lọ nước đầy, ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không ai có thừa cơm nuôi báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào cho bà về hưu trí. Từ ngày ấy đến nay tính ra đã hơn ba tháng rồi.
    *
    * *
    Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn đuợc ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói. Bởi thế bà lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói: những lúc đói, trí người ta sáng suốt. Có lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi.
    *
    * *
    Cứ đi được một quãng ngắn, bà lại phải ngồi xuống nghỉ. Nghỉ một lúc lâu, trống ngực bà mới hết đánh, tai bà bớt lùng bùng, mắt bà bớt tối tăm, người tàm tạm thôi quay quắt. Bà nghỉ tất cả năm sáu quãng. Thành thử đến tận non trưa, bà mới tới nhà mình định tới: ấy là nhà bà phó Thụ, nuôi cái đĩ. Bà quen gọi như vậy, ngay từ khi nó còn nhỏ; cái đĩ tức là đứa con của anh con trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân mà mặc tất cả những gì còn lại. Anh con trai chẳng còn phải khổ sở như bà ngày nay.
    Bà nghĩ đến con, để mà ghen với nó thêm lần nữa, trong khi ngồi nghỉ ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ. Ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ, có một cây sung lớn. Bà tựa lưng vào gốc. Từ đầu ngõ vào đến nhà, còn những hai lần cổng. Có gọi thật to, ở trong nhà mới nghe tiếng. Mà bà thì còn hơi sức đâu mà gọi? Tiếng bà bải hải. Hơi nói to một chút, nó đã ra đằng lỗ tai. Vả lại, chó nhà giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những hai con chó đẫy đà, lực lưỡng. Lúc thiến, người ta rắc mảnh chai tán nhỏ vào. Vết thiến lành dúm mảnh chai ở bên trong gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời không khỏi. Nỗi đau làm tội nó. Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh, nên bạ thấy người nào lại nào cũng lăn xả vào chân, hoặp một miếng, ray thịt người ta cho hả giận. Trời ơi! Những con chó nhà bà phó Thụ, chúng dữ ghê gớm lắm. Bà lão nghĩ đến chúng còn chết khiếp. Cái lần bà đưa cái đĩ vào, một người nhà phải cầm một cái gậy to tướng ra đe. Ấy thế mà cả ba con cũng hồng hộc chạy ra. Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn cong cái lưng xuống, hếch cái mõm đen thui lên, nhe ra những chiếc răng trắng hơn hớn và nhọn sắc. Bị cái gậy của người nhà cản lại, chúng càng tức tối. Chúng lồng lộn chung quanh. Chúng nhảy chồm lên. Chúng ngoạm những cái cột giậu, kêu sồn sột. Chúng lay thật mạnh, hục hặc như muốn bẻ gãy cái cột, để lao vào đầu nguời ta… Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả tay chân lại. Cháu nép vào bà, bà nép vào người bà phó Thụ. Chị người nhà thì luôn tay vụt cái gậy bên này, bên nọ, đằng sau, đằng trước, và quát mắng. Ấy thế mà một con chó còn xông vào được, và chỉ một tí nữa nó xơi chân bà một miếng. Nhưng chị người nhà đánh kịp. Nó mới đấm được mõm vào cái bắp chân gầy đét của bà lão thôi. Hú hồn!… Bây giờ dám gọi sao? Chó thính tai mà lại rất mau chân. Chúng xộc cả ra thì khốn. Ấy thế là bà lão đành ngồi đợi dịp. Cái đĩ bế em ra ngõ chơi chẳng hạn… Hay là có người nào trong nhà đi đâu… Hay là có người đàn ông khoẻ mạnh nào đến nhà bà phó Thụ, để cho bà đi ghẹ… Bà ngồi rỗi, tưởng tượng ra đủ mọi cái may mắn tương tự thế. Chỉ còn mỗi một cái bà chưa nghĩ đến: ấy là lúc chính bà phó Thụ ra, hoặc đi đâu về. Thì chính bà phó Thụ đi chợ về. Mới thoạt trông thấy bà lão, bà tưởng là một con mẹ ăn mày. Bà hơi cau mặt:
    - Ai kia? Ai ngồi làm gì kia? Chó nó ra, nó lôi mỡ ra cho đấy. Sao mà bạo thế?
    Bà lão quay lại mỉm cười móm mém:
    - Bẩm bà đi chợ về!…
    Bà phó Thụ mở to đôi mắt đỏ ngầu, nhìn kĩ hơn một chút. Bà nhận ra bà cái đĩ ở. Tức thì mặt bà nguỷu xuống. Bà lão này còn muốn quấy quả gì nữa đây? Để vòi tiền thêm chăng? Bà lão rên một tiếng và chống tay lên đầu gối, bẩy rẩy đứng lên. Bà phó hỏi:
    - Bà đi đâu thế?
    Bà lão lại rên tiếng nữa để mở đầu câu nói (bà rên cũng như một vài người khác bạ lúc nào cũng thở dài. Cái ấy thành thói quen).
    - Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm, cháu không được về, con nhớ cháu quá!
    - Úi dào ôi! Vẽ cái con chuột chết! Nó phải làm chứ có rỗi đâu mà bà chơi với nó? Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng nỗng nó chơi. Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm cho nó ăn, bà cháu chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không giữ. Bà tưởng nó đã làm giàu làm có cho tôi rồi đấy, hẳn?
    Bà cần phải nói ráo riết ngay để chặn họng, không cho bà lão mở mồm vòi vĩnh. Bà lão bị những lời tàn nhẫn ấy hắt vào mặt quả nhiên không còn nói sao được nữa. Bà cúi đầu, như một con mẹ ăn cắp lúa, bị tuần sương tóm được. Bà phó chiếp chiếp mồm luôn mấy cái, rồi vác mặt lên trời mà bảo:
    - Chơi với bời! Cái lúc nó mới đến, trông như con giun chết, cạy gỉ mũi còn chưa sạch thì không thấy chơi với bời. Người ta nuôi mãi, bây giờ mới trơn lông đỏ da một tí, đã phải đến mà giở quẻ. Tưởng báu ngọc lắm đấy! Tưởng người ta đã phải giữ khư khư lấy đấy!… Úi chào! Có phải mả tổ nhà người ta đâu mà người ta giữ? Muốn bắt nó về, cho nhà nào nó nuôi làm bà cô tổ nhà nó nó thì cứ bắt. Ai người ta thiết? Cứ trả lại tiền người ta!…
    Bà lão rưng rưng nước mắt. Khốn nạn, bà có ý quắt quéo thế đâu? Bà lão mếu máo:
    - Bẩm bà, bà dạy thế thật oan cho con quá. Trời để con sống bằng này tuổi đầu, con còn dám lừa lọc hay sao? Thật có trời trên kia làm chứng, nếu con quả định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời cứ vật chết con đi! Con chỉ xin bà cho được trông thấy cháu, bà cháu chơi với nhau một lúc. Cũng chẳng còn mấy chốc nữa mà con chết, con cũng tưởng đi chơi dối già một bận…
    - Nó không đuợc rỗi mà chơi với bà. Chẳng chơi bời gì cả! Bà đã trót lên thì vào đây, tôi cho một bữa cơm. Bận sau thì đừng vẽ con khỉ nữa. Nhà tôi không có thói phép cho chúng nó như thế được. Con tôi đi học tận Hà Nội, dễ tôi cũng phải nay ra chơi, mai ra chơi với nó đấy! Đã đi ở mà còn không biết phận… Chơi với bời!…
    Môi bà lại chiệp chiệp và xìa ra…
    Cái đĩ vừa trông thấy bà, mừng rối rít. Nó cười rồi nó khóc chẳng biết vì sao cả. Nhưng đôi mắt khoằm khoặm của bà phó Thụ dội nước vào lòng nó. Nó tự nhiên ngượng nghịu. Nó không dám xoắn xuýt bà nó nữa. Nó cúi đầu, khẽ hỏi:
    - Bà đi đâu đấy?
    - Bà đến xin bà phó một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm.
    Câu nói rất thật thà ấy, bà lão dùng giọng đùa mà nói. Như thế người ta gọi là nửa đùa nửa thật. Một cách lấp liếm cái ý định của mình bằng cách nói toạc nó ra. Cái đĩ bế em, dắt bà ra đầu chái, để không bị ai nhìn nữa…
    - Da bà xấu quá! Sao bà gầy thế?
    - Chỉ đói đấy thôi, cháu ạ. Chẳng sao hết.
    - Lớp này bà ở cho nhà ai?
    - Chẳng ở với nhà ai.
    - Thế lại đi buôn à?
    - Vốn đâu mà đi buôn? Với lại có vốn cũng không đi được. Người nhọc lắm.
    - Thế thì lấy gì làm ăn?
    - Chỉ nhịn thôi chứ lấy gì mà ăn!
    Bà cháu mới kịp trao đổi với nhau từng ấy câu thì bà phó đã the thé hỏi:
    - Nó bế em đi đâu rồi?
    Ấy là dấu hiệu bà sắp gọi. Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo:
    - Bà giữ nó hộ con một tí.
    Nó cởi dải yếm lấy ra một cái túi rút con con. Trong túi xóc xách mấy đồng trinh. Nó rút ra, đếm lấy hai xu, giúi cho bà…
    - Con biếu bà để bà ăn bánh đúc. Bà về đi!
    Tiếng bà phó giục:
    - Cái đĩ đi đâu rồi? Đem em về đây, rồi quét nhà, dọn cơm.
    - Vâng!
    Nó tất tưởi bế em chạy về. Bà lão hãi chó, lẽo đẽo đi theo cháu. Bà phó trông thấy mà lộn ruột. Bà xa xả:
    - Bà đừng theo đít nó thế. Bà cứ ngồi một chỗ rồi mà ăn cơm, Khiếp thật thôi!
    - Vơơơng!…
    Bà lão “vâng” thành một tiếng rên. Bà vào nhà, ngồi xón vén vào một xó ngay xuống đất. Bà phó cất lấy con. Cái đĩ lụt cụt chạy xuống nhà dưới. Một lát sau, tiếng đũa bát bắt đầu lạch cạch… Bà phó bảo:
    - Bà xuống dưới này mà ăn cơm.
    Bà bế con ra. Bà lão theo sau. Tiếng khung cửi đã ngừng. Mấy cô dệt cửi đều là con gái hoặc con nuôi bà phó Thụ, đang tới tấp, cô xới cơm, cô bỏ rau, cô sẻ mắm, chung quanh cái mâm gỗ đặt ngay trên mặt đất. Cả nhà quây quần vào, chỉ ngồi có một mâm. Bà lão chẳng đợi ai phải bảo, ngồi ngay xuống cạnh cháu, tay run run so đũa. Trông bà so đũa mà ngứa mắt! Bà phó muốn giật xoét lấy làm thật nhanh cho đỡ bực. Nhưng bà nhịn đuợc. Bà chỉ chép miệng và lừ lừ đôi mắt, tỏ ý khó chịu. Cái đĩ hiểu nên chỉ nhìn xuống đất. Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo bà nó về đi mà bà nó không chịu về…
    Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hầm hầm. Lũ con gái, con nuôi, con ở, biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tí, bà chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:
    - Mời bà phó…
    Nhưng bà vừa mới há mồm ra thì bà phó đã cau mặt quát:
    - Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!
    Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại cau mặt, gắt:
    - Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy!
    Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi nguời khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất bằng nào cũng chưa thấm tháp. Nhưng người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá, duỗi cổ ra, trợn mắt, nuốt vội mấy miếng cơm còn lại như một con gà con nuốt nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:
    - Ăn nữa đi, con ạ. Nồi còn cơm đấy. Đưa bát bà xới cho.
    Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:
    - Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!
    À! Bây giờ thì bà lão hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:
    - Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?
    - Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nũa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?
    Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thoả thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!…
    Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết. Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:
    - Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!…

    Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

     “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...