Wednesday, September 13, 2017

Thuốc - Lỗ Tấn





Một đêm thu gần về sáng, trăng lặn rồi, nhưng mặt trời chưa mọc. Tầng không xanh thẳm. Ngoài những giống đi ăn đêm, còn thì ngủ say cả. Lão Hoa Thuyên bỗng ngồi dậy, đánh diêm thắp cái đèn nhầy nhụa những dầu là dầu. ánh đèn trắng xanh sáng khắp hai gian quán trà.

- Bố thằng Thuyên đi đấy à ?

Đó là tiếng một người đàn bà đã có tuổi. Ở buồng phía trong bỗng nổi lên một cơn ho.

- Ừ.

Lão vừa trả lời, vừa lắng tai nghe tiếng ho, vừa cài nút áo, rồi chìa tay ra, nói tiếp :

- Đưa đây tôi !

Bà Hoa sờ soạng một lúc lâu dưới gối, lấy ra một gói bạc đồng, đưa cho chồng. Lão cầm lấy, bỏ vào túi áo, tay run run, vuốt hai ba lần phía ngoài túi, rồi thắp cái đèn lồng, tắt ngọn đèn con, đi vào buồng phía trong. Buồng phía trong có tiếng động lạch cạch, tiếp theo là một cơn ho. Đợi cơn ho dứt, lão mới khẽ nói :

- Thuyên à ! Con cứ nằm đấy ! Công việc dọn hàng, để mẹ con lo cho.

Không nghe con nói gì, lão cho rằng nó đã yên tâm nằm ngủ lại rồi, bèn mở cửa đi ra. Bên ngoài, trời tối om, và hết sức vắng. Chỉ mặt đường xam xám là trông thấy rõ. Chiếc đèn lồng chiếu thẳng vào bàn chân lão bước đều đều. Thỉnh thoảng, gặp một vài con chó, nhưng chẳng con nào buồn sủa. Trời lạnh hơn trong nhà nhiều, nhưng lão cảm thấy sảng khoái, như bỗng dưng mình trẻ lại, và ai cho phép thần thông cải tử hoàn sinh. Lão bước những bước thật dài. Trời cũng sáng dần và đường cũng càng lâu càng rõ.

Đang chăm chú bước, bỗng lão giật mình nhìn thấy ngã ba đường đằng xa, trước mặt. Lão quay lại, đi mấy bước tìm một cửa hiệu còn đóng kín mít, rẽ vào dưới mái hiên, tựa lưng vào cửa. Một lúc lâu, lão thấy hơi lành lạnh.

- Hừ ! Một ông già !

- Thích nhé !...

Lão lại giật mình, trố mắt nhìn. Có mấy người đi qua. Một người còn quay lại nhìn lão. Lão không trông thấy rõ là ai, nhưng thấy ánh mắt cú vọ ngời lên, như người đói lâu ngày thấy cơm. Lão nhìn chiếc đèn lồng. Đèn tắt rồi. Lão đặt tay lên túi áo. Gói bạc vẫn cồm cộm ở đấy. Ngước đầu nhìn xung quanh, lão thấy bao nhiêu người kì dị hết sức, cứ hai ba người một, đi đi lại lại như những bóng ma.Nhưng nhìn kĩ thì lại chẳng lấy gì làm quái lạ nữa. Một lát, lại thấy mấy người lính đi đi lại lại. Đằng xa cũng thấy rõ miếng vải trắng ở vạt áo trước và vạt áo sau ; khi họ đi qua trước mắt thì thấy cả đường viền màu đỏ thẫm trên chiếu áo dấu. Tiếng chân bước ào ào. Trong nháy mắt bao nhiêu người đi qua. Những người tụm năm tụm ba lúc này cũng dồn lại một chỗ, rồi xô nhào tới như nước triều, gần đến ngã ba đường thì bỗng đứng dừng lại, quây thành một nửa vòng tròn.

Lão Thuyên cũng nhìn về phía đó, nhưng chỉ thấy lưng người mà thôi. Người nào, người nấy rướn cổ ra như cổ vịt bị một bàn tay vô hình nắm lấy xách lên. Im lặng một lát. Bỗng hình như có tiếng động. Rồi cả đám xô đẩy nhau ào ào, lui về phía sau đến chỗ lão đứng, chen lão suýt nữa ngã.

- Này ! Tiền trao cháo múc, đưa đây !

Một người áo quần đen ngòm đứng trước mặt lão, mắt sắc như hai lưỡi dao chọc thẳng vào lão khiến lão co rúm lại. Hắn xòe về phía lão một bàn tay to tướng, tay kia cầm một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt. Lão vội vàng móc gói bạc trong túi ra, run run đưa cho hắn, nhưng lại ngai không dám cầm chiếc bánh. Hắn sốt ruột, nói to :

- Sợ cái gì ? Sao không cầm lấy ?

Lão còn trù trừ, người mặc đồ đen giật lấy chiếc đèn lồng, xé toạc tờ giấy dán bên ngoài, bọc chiếc bánh lại, rồi nhét vào tay lão, tay kia thì giật lấy gói bạc, nắn nắn, rồi quay đi, miệng càu nhàu :

- Cái lão này ?

- Chữa cho ai đấy ?

Lão Thuyên nghe hình như có người nào hỏi, nhưng lão không trả lời. Lúc này, lão còn để hết tinh thần vào cái gói bánh như nhà mười đời độc đinh năng niu con, không chú ý đến gì nữa. Lão sẽ mang cái gói này về nhà, đem sinh mệnh lại cho con lão, và lão sung sướng biết bao ! Mặt trời đã mọc, chiếu sáng con đường lớn đi về nhà lão, và cũng chiếu sáng cái bảng mục nát trên cái nhà bia ở ngã ba đường sau lưng lão, có đề bốn chữ nhiếp vàng đã bạc màu : Cổ… Đình Khẩu.



II

Lão Thuyên về đến nhà thì quán đã bày biện sạch sẽ, các dãy bàn trơn bóng sắp đặt ngăn nắp. Nhưng không có khách, chỉ có thằng Thuyên đang ngồi ăn cơm ở cái bàn dãy phía trong, mồ hôi trán nhỏ từng giọt to tướng, chiếc áo kép dính vào xương sống, hai xương vai gồ lên thành hình chữ "bát” in nổi. Thấy vậy, lão không khỏi chau mày. Bà Hoa từ trong bếp vội vã chạy ra chạy ra, giương to mắt nói, đôi môi run run :

- Có được không ?

- Được rồi !

Hai người cùng trở vào bếp, bàn bạc một hồi. Bà Hoa lại đi ra, một lát cầm về một cánh lá sen già, trải lên mặt bàn. Lão cũng mở cái chao đèn, cầm chiếc bánh đẫm máu, lấy lá sen bọc lại. Thằng Thuyên đã ăn xong. Bà Hoa vội nói :

- Thuyên, con cứ ngồi đấy, đừng vào trong này !

Lão Thuyên vừa thổi lửa trong bếp, vừa cầm cái gói lá xanh và cái chao đèn loang lổ máu, dúi vào bếp. Ngọn lửa đỏ thẫm bốc lên. Một mùi thơm quái lạ tràn ngập cả quán trà.

- Thơm ghê nhỉ ! Hai bác ăn quà sáng gì đấy ?

 Cậu Năm gù đi vào. Cậu ta ngày nào cũng lê la ở cái quán này, thường đến sớm nhất mà cũng về muộn hơn ai hết. Vừa đi vào, cậu ta liền ngồi vào cái bàn ở góc tường phía gần đường cái, hỏi ngay. Nhưng không ai trả lời.

- Rang cơm đấy à ?

Vẫn không ai trả lời. lão Thuyên vội vàng chạy ra, pha trà cho cậu.

- Thuyên ơi ! Vào đây con !

Bà Hoa gọi con vào nhà trong, giữa nhà đặt sẵn một chiếc ghế đẩu. Thuyên ngồi xuống, bà ta bưng một cái đĩa lại, trên đĩa có vật gì tròn tròn, đen thui, nói rất khẽ :

- Ăn đi con ! Sẽ khỏi ngay thôi !...

Thuyên cầm lấy vật đen thui, cầm trên tay, có cảm giác rất lạ không biết thế nào mà nói, như đang cầm tính mệnh của chính mình trong tay. Y bẻ đôi ra, rất cẩn thận. Một làn hơi trắng bốc ra từ lần vỏ cháy sém. Làn hơi tan dần, mới thấy đó là hai miếng bánh bao bằng bột mì trắng. Không bao lâu, chiếc bánh đã mằn gọn trong bụng, mùi vị như thế nào cũng đã quen rồi. Trước mắt chỉ còm trơ lại chiếc đĩa không. Lão Thuyên đứng một bên, bà Hoa đứng một bên, trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì, đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì. Thuyên nghe tim mình đập mạnh không sao cầm nổi, đưa tay vuốt ngực. Lại một cơn ho.

- Thôi con đi ngủ một giấc, sẽ khỏi ngay !

Thuyên nghe lời mẹ, vừa ho vừa nằm xuống. Đợi nghe tiếng thở dìu dịu, bà Hoa mới nhẹ nhàng lấy chiếc mền kép vá chằng chịt đắp cho con.



III



Quán trà đã đông khách. Lão Thuyên cũng bận, tay xách chiếc ấm đồng lớn, đi đi lại lại, pha trà. Hai mắt lão thâm quầng. một người râu hoa râm nói :

- Ông Thuyên à ! Mệt phải không ? Hay là ốm đấy ?

- Có làm sao đâu !

Người râu hoa râm chữa lời :

- Không sao à ? Ừ, nghe tiếng cười thì không ra người ốm.

- Chỉ vì ông ta lận đận quá ! giá thằng con…

Cậu Năm chưa dứt lời thì một người mặt thịt ngang phè từ ngoài đâm sầm vào. Hắn mặc một chiếc áo vải màu huyền không gài khuy, dải thắt lưng cũng màu huyền quấn ở ngoài, xộc xêch. Vừa vào, đã nói oang oang :

- Đã ăn chưa ? Đỡ rồi chứ ? Ông Thuyên này ! May phúc cho ông đấy nhé ! Phúc nhà ông, đấy là nhờ tôi biết tin sớm…

Lão Thuyên một tay xách ấm trà, một tay buông xuống, vẻ cung kính, cười hề hề, lắng tai nghe hắn nói. Cả quán cũng cung kính lắng tai nghe hắn nói. Bà hoa mắt cũng thâm quầng, tươi cười, mang đến trước mặt hắn một cái chén, bỏ một nhúm trà và thêm một quả trám. Lão Thuyên liền đem nước sôi lại pha.

Người mặt thịt ngang phè vẫn nói oang oang ;

- Cam đoan thế nào cũng khỏi. Thứ thuốc này đặc biệt lắm. Ông tính lấy về còn nóng hôi hổi, và ăn cũng nóng hôi hổi.

Bà Hoa cám ơn hắn hết lời :

- Thật đấy ! Không có bác Cả Khang đây giúp thì đứng có hòng…

- Cam đoan thế nào cũng khỏi. Ăn còn nóng hôi hổi thế kia mà ! Bánh bao tẩm máu người như thế, lao gì ăn mà chẳng khỏi !

Bà Hoa nghe nói "lao”, sắc mặt hơi đổi khác, ý không được vui, có điều cũng gượng cười, bỏ đi, ngượng nghịu. Nhưng bác Cả Khang không để ý đến, cứ giương cổ nói oang oang đến nỗi thằng Thuyên nằm ngủ trong nhà cũng phải ho lên như phụ họa theo.

- Ừ thằng Thuyên nhà ông may phúc thật ! Nhất định khỏi thôi mà ! Chẳng trách ông cứ cười cả ngày !

Người râu hoa râm vừa nói vừa đi lại trước mặt bác Cả Khang, hạ thấp giọng nói :

- Bác Cả này ! Nghe nói tên phạm chém hôm nay là người họ Hạ. Con nhà ai đấy nhỉ ? Tội gì thế hở bác ?

- Con nhà ai nữa ? Con nhà bác Tứ chứ con nhà ai ? Thằng quỷ sứ !

Bác Cả Khang thấy mọi người vểnh tai nghe, lấy làm thú lắm, những thớ thịt trên mặt nổi từng cục. Bác ta cao hứng nói to :

- Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi. Lần này tớ chẳng nước mẹ gì. Đến cái áo nó cởi ra, cũng lão Nghĩa, cái lão đề lao, mắt đỏ như mắt cá chép ấy, lấy mất. may nhất có thể nói là ông Thuyên nhà này, thứ đến là cụ Ba. Cụ ta được thưởng hai mươi lạng bạc trắng xóa, một mình bỏ túi tất chẳng mất cho ai một đồng kẽm ! 
Thằng Thuyên từ trong nhà đi ra, bước chậm chạp, hai tay ôm ngực, ho lấy ho để. Y vào bếp, xúc một bát cơm nguội, chan ít nước nóng, ngồi ăn. Bà Hoa bước theo con, khẽ hỏi :

- Thuyên ! Con có đỡ tí nào không, con ? Con vẫn cứ hay đói bụng thế à ?
- Cam đoan khỏi mà !

Bác Cả Khang liếc nhìn thằng Thuyên một cái, rồi quay lại tiếp tục câu chuyên với mọi người :

- Cụ ba đến là khôn ! Giá cụ ta không đem thằng cháu ra thú thì cả nhà mất đầu hết. Nay thì được bao nhiêu là bạc ! Còn cái thằng nhãi con ấy thì chẳng ra cái thá gì hết. Nằm trong tù rồi còn dám rủ lão đề lao làm giặc !

Một anh chàng trạc hơn hai mươi tuổi ngồi dãy bàn sau, nghe nói tức máu :
- Ái chà chà ! ghê nhỉ ?

- Anh có biết không, lão Nghĩa mắt cá chép đến lân la hỏi dò hắn thì hắn bắt chuyện ngay. Hắn nói : Thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta. Thử nghĩ xem, nói thế mà nói được à ? Lão Nghĩa mắt cá chép cũng biết nhà hắn chỉ có mụ mẹ già, nhưng không ngờ hắn lại nghèo gặm không ra đến như thế, đã tức anh ách rồi, thế  mà hắn lại vuốt râu cọp, nên lão ta liền đánh cho hai bạt tai.
Cậu Năm Gù ngồi ở góc tường, nghe nói, thú quá :

- Lão Nghĩa là tay võ rất cừ, hai cái tát ấy cũng đủ để cho hắn xài đấy nhỉ ! 
- Cái thằng khốn nại ! Đánh, có sợ đâu ! Lại còn nói : Thật đáng thương hại, thật đáng thương hại !

Người râu hoa râm nói :

- Đánh cái đồ ấy thương hại cái gì ?

Bác Cả Khang tỏ vẻ khinh bỉ, cười nhạt :

- Ông chưa nghe ra, xem bộ hắn lúc đó, thì hắn muốn nói : đáng thương hại , là lão Nghĩa đáng thương hại kia !

Mặt ai nấy bỗng ngơ ngác. Không ai nói gì cả.

Thằng Thuyên đã ăn cơm xong, mồ hôi ướt đầm, trên đầu hơi bốc phừng phừng.

Người râu hoa râm bỗng vỡ nhẽ, nói :

- Lão Nghĩa mà đáng thương hại à ? Điên ! Hắn điên thật rồi ! 
Anh chàng hai mươi tuổi cũng vỡ nhẽ :

- Điên thật rồi !

Khách trong quán lại nhao nhao, nói nói cười cười.

Thằng Thuyên lại thừa dịp ho cố mạng. Bác Cả Khang chạy lại, vỗ vai, nói :

- Thuyên à ! Cam đoan thế nào mày cũng khỏi. Mày đừng ho như thế. Cam đoan thế nào cũng khỏi.

Cậu Năm gù nói :

- Điên thật rồi !

IV

Miếng đất dọc chân thành phía ngoài cửa Tây vốn là đất công. Ở giữa có con đường mòn nhỏ hẹp, cong queo, do những người hay đi tắt giẫm mãi thành đường. Đó cũng là cái danh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù, ở về phía tay trái, và nghĩa địa những người chết nghèo ở về phía tay phải. Cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ.

Tiết Thanh minh năm ấy, trời lạnh lắm. Những cây dương liễu mới đâm ra những mầm non bằng nửa hạt gạo. Trời vừa dạng đã thấy bà Hoa bày ra trước nấm mộ mới đắp, bên phải đường mòn, một bát cơm, bốn đĩa thức ăn, ngồi khóc một hồi. Đốt xong thiếp vàng giấy, bà ta ngồi bệt xuống đất, ngẩn ngơ như đang chờ đợi cái gì. Chính bà ta cũng chẳng biết bà ta chờ đợi cái gì nữa. Gió hiu hiu thổi vào mớ tóc cắt ngắn của bà ta, so với năm ngoái chắc là bạc nhiều lắm rồi.

Lại một người đàn bà khác đi dọc đường mòn, tóc cũng bạc già nửa, áo quần rách rưới, tay xách chiếc giỏ tròn sơn đỏ, mũ nát, phía ngòai giắt thiếp vàng giấy, cứ đi ba bước, lại đứng dừng lại. Chợt thấy bà Hoa ngồi bệt giữa đất đang nhìn mình thì bà kia ngập ngừng không dám bước tới nữa, sắc mặt xanh xao bỗng hơi đỏ lên vì xấu hổ, nhưng rồi cũng đánh liều đi tới trước nấm mộ bên trái đường mòn, đặt chiếc giỏ xuống.

Nấm mộ này với nấm mộ thằng Thuyên nằm cùng một hàng, chỉ cách con đường mòn ở giữa. Thấy bà kia cũng bày ra một bát cơm, bốn đĩa thức ăn , đứng khóc một hồi, rồi đốt vàng, thì bà Hoa trong bụng nghĩ thầm : "Chắc cũng là con chết”. Bà kia nhìn vơ vẩn xung quanh một lát, bỗng tay chân hơi run lên, rồi loạng choạng lùi lại mấy bước, mắt trợn trừng ngơ ngác.

Thấy thế, bà Hoa sợ bà kia thương con quá phát điên chăng, cầm lòng không đậu, bèn đứng dậy, bước sang bên kia đường mòn, khẽ nói :

- Bà ơi ! Thôi mà, thương xót làm chi nữa ! Ta đi về thôi !

Bà kia hơi gật đầu, nhưng mắt vẫn trừng trừng rồi ấp úng nói khe khẽ :

- Kìa… bà trông kia kìa, cái gì thế này ?

Bà Hoa nhìn theo ngòn tay chỉ, thấy nấm mộ trước mặt cỏ chưa xanh khắp, còn loang lổ những mẩu đất vàng khè, rất khó coi ; lại nhìn kĩ phía trên bất giác giật mình. Rõ ràng có một vòng hoa, hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum.

Cả hai bà, mắt lòa từ lâu rồi, nhưng nhìn những cánh hoa trắng hoa hồng kia thì còn thấy rõ. Hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề. Bà Hoa vội nhìn về phía mộ con mình và những nấm mộ khác xung quanh, chỉ thấy lác đác vài nụ hoa bé tí, trăng trắng, xanh xanh, tuy trời giá lạnh nhưng cũng chưa tàn. Bà ta bỗng thấy lòng trống trải, không thỏa, nhưng rồi cũng không muốn suy nghĩ thêm. Bà kia bước lại gần mộ con mình : "Hoa không có gốc, không phải từ dưới đất mọc lên ! Ai đã đến đây ! Trẻ con không thể đến chơi. Bà con họ hàng nhất định là không ai đến rồi !... thế này là thế nào ?”. Nghĩ rồi lại nghĩ, bỗng nước mắt trào ra, bà ta khóc to :

- Du ơi ! Oan con lắm, Du ơi ! Chắc con không quên được, và con đau lòng lắm, phải không con ? Con hiển hiện lên cho mẹ biết, con ơi !

Bà ta nhìn xung quanh, chỉ thấy một con quạ đen đậu trên cành khô trụi lá. Rồi lại khóc :

- Mẹ biết rồi ! Du ơi ! Trời còn có mắt, chúng nó giết con thì rồi trời báo hại chúng nó thôi ! Du ơi ! Con nhắm mắt thế cũng yên phận con. Hồn con còn ở đâu đây thì hẵng nghe lời mẹ nói. Con ứng vào con quạ kia, đến đậu vào nấm mộ con cho mẹ xem, con ơi !

Gió đã tắt. Những ngọn cỏ khô đứng thẳng tắp như những sợi dây đồng. Một tiếng rên rỉ run run đưa lên giữ không trung, nhỏ dần, rồi tắt hẳn. Xung quanh vắng lặng như tờ. Hai bà già đứng giữa đám cỏ khô, ngước mắt nhìn con quạ. Con quạ vẫn đậu trên cành khô trụi lá, rụt cổ lại, im lìm như đúc bằng sắt.

Một lúc lâu, người đi viếng càng đông. Bóng kẻ già người trẻ thấp thoáng giữa các nấm mộ.

Không hiểu sao, bà Hoa cảm thấy người nhẹ đi như cất được gánh nặng. Bà ta nghĩ đến chuyện về, khuyên giải bà già kia :

- Ta về đi thôi !

 Bà kia thở dài một cái, uể oải thu dọn bát đĩa, lại chần chừ một lúc, rồi cũng chậm rãi bước đi, lẩm bẩm nói một mình :

- Thế này là thế nào nhỉ ?

Hai bà đi, chưa được vài ba chục bước, bỗng nghe sau lưng một tiếng "Coa... ạ” rất to. Hai bà giật mình ngoảnh lại, thì thấy con quạ xòe đôi cánh, nhún mình, rồi như một mũi tên, vút bay thẳng về phía chân trời xa.


                                                                    Tháng 4 năm 1919

ĐÔN KIHÔTÊ - NHÀ QUÝ TỘC TÀI BA XỨ MANTRA Chương 3


Đôn Kihôtê được phong tước hiệp sĩ như thế nào?


Ý nghĩ đó làm Đôn Kihôtê thấy bứt rứt, chàng ăn qua loa cho xong bữa rồi mời chủ quán vào chuồng ngựa, phục xuống trước mặt hắn và nói:

- Thưa hiệp sĩ dũng cảm, tôi sẽ không đứng dậy chừng nào ngài chưa chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi. Việc làm của ngài sẽ được ca tụng và mang lại lợi ích cho người đời.

Nhìn Đôn Kihôtê quỳ dưới chân và trước những lời lẽ như vậy, chủ quán lúng túng không biết ăn nói ra sao. Một bên năn nỉ mời đứng dậy, một bên khăng khăng không nghe, cuối cùng chủ quán đành phải nhận lời.

- Thưa ngài, tôi biết có thể trông cậy vào tính hào hiệp của ngài, Đôn Kihôtê nói tiếp; điều thỉnh cầu của tôi, mà ngài đã vui lòng chấp nhận, như sau: xin ngài cho phép tôi được thức cả đêm trong tiểu giáo đường của quý lâu đài để chờ thụ phong và sáng sớm mai, xin ngài phong tước hiệp sĩ cho, điều mà tôi vẫn mong mỏi để tôi có thể đi chu du thiên hạ, tìm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm, cứu khốn phò nguy, làm nhiệm vụ của những người hiệp sĩ giang hồ mà tôi hằng mong ước.

Như trên đã nói, lão chủ quán là một tay bợm già. Mới đầu, hắn chưa tin hẳn là Đôn Kihôtê mất trí, nhưng sau khi nghe chàng nói, hắn không còn nghi ngờ gì nữa. Và để trêu Đôn Kihôtê một mẻ cho vui, hắn làm ra vẻ tán thành. Hắn bảo Đôn Kihôtê rằng ước mong thỉnh cầu của chàng là chính đáng, rằng những hiệp sĩ chân chính, diện mạo khôi ngô như chàng, đương nhiên phải có những hoài bão lớn như vậy. Hắn huyênh hoang rằng thời trẻ, hắn cũng đã từng làm cái nghề vinh quang này, đi khắp đó đây tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm: hắn đã tới vùng Perchen ở Malaga, các hòn đảo Riaran, Compax ở Xêviia, máng dẫn nước ở Xêgôvia, vườn Ôliu ở Valenxia, Rônđiia ở Granađa, bãi biển Xanlucar, sở nuôi ngựa ở Corđôba, các quán rượu ở Tôlêđô 1, và còn nhiều nơi khác nữa, đấy là hắn cũng gây ra những chuyện rắc rối như đi mò đàn bà góa, tán tỉnh gái tân, lừa dối trẻ thơ, khiến hầu hết các tòa án ở Tây Ban Nha đều nhẵn mặt hắn; cuối cùng, hắn trở về tòa lâu đài này, sống bằng tài sản của mình và của người khác, tiếp đón tất cả các hiệp sĩ giang hồ, bất kể phẩm giá và hoàn cảnh của họ, vì hắn quý mến họ và cũng vì họ chia sẻ tiền nong với hắn để đền bù tấm lòng tốt của hắn.

Hắn nói thêm rằng trong tòa lâu đài này không có tiểu giáo đường để thức đêm chờ thụ phong vì hắn đã phá đi chờ xây lại cho to đẹp hơn, nhưng hắn biết rằng khi cần, có thể thức ở đâu cũng được và đêm nay, Đôn Kihôtê làm việc đó ngay trong sân lâu đài chờ sáng mai sẽ tiến hành những nghi lễ cần thiết. Chàng sẽ được phong tước và trở thành hiệp sĩ như bao hiệp sĩ khác trên đời này.

Hắn lại hỏi Đôn Kihôtê có tiền không. Đôn Kihôtê trả lời là không vì chưa thấy sách nào nói hiệp sĩ giang hồ phải mang theo lệ phí cả.

- Ngài lầm rồi, chủ quán nói, sở dĩ sách không đề cập tới vì tác giả cho rằng không cần thiết phải nói lên một điều quá hiển nhiên là phải mang theo tiền và áo sơmi. Chớ nên vì thế mà nghĩ rằng các hiệp sĩ không mang. Ngài có thể chắc chắn rằng tất cả những hiệp sĩ giang hồ có tên tuổi trong sử sách đều mang rất nhiều tiền phòng khi hữu sự: họ còn mang theo cả sơmi và một hộp thuốc để rịt vào các vết thương, vì một khi đánh nhau bị thương giữa nơi đồng không mông quạnh, hỏi rằng tìm đâu ra người chữa chạy, trừ phi có một ông bạn là pháp sư phái một thị nữ hay một chú lùn nào đó cưỡi mây đạp gió mang đến cho một lọ nước thần, uống một giọt là vết thương lành ngay tức khắc như không hề xảy ra đau đớn bao giờ. Nhưng vì việc đó không xảy ra nên các hiệp sĩ vẫn phải bảo giám mã của họ mang theo tiền và các thứ cần thiết khác như bông cuốn và thuốc cao. Còn hiệp sĩ nào không có giám mã theo hầu - điều này cũng hiếm thôi - thì bản thân họ có một cái túi hai ngăn trong có đầy đủ những thứ đó, đeo một cách kín đáo ở hông ngựa, như thể túi để vật gì quan trọng lắm.Ngoài trường hợp này ra, các hiệp sĩ giang hồ không được đeo túi. Bởi vậy, tôi khuyên ngài, hơn nữa, tôi ra lệnh cho ngài như ra lệnh cho đứa con đỡ đầu, phải làm ngay và không được đi đâu nếu không có tiền và không có sự chuẩn bị phòng thân. Ngài sẽ thấy điều đó hay vô cùng.

Đôn Kihôtê hứa làm ngay. Tới đây chủ quán bảo chàng vào trong sân quán trọ để chờ phong tước. Đôn Kihôtê thu nhặt vũ khí xếp thành một đống trong cái hang cho súc vật ăn ở gần giếng, rồi tay khiên, tay giáo, với một vẻ hiên ngang, chàng bắt đầu đi đi lại lại trước cái ang. Lúc này trời đã tối hẳn.

Chủ quán vào nhà kể với đám khách trọ sự điên rồ của Đôn Kihôtê, về đêm chờ thụ phong của chàng và lễ phong tước mà chàng hiệp sĩ đang mong đợi. Mọi người lấy làm lạ kéo nhau ra xem. Họ đứng từ xa nhìn lại, thấy chàng tư thế ung dung, khi đi bách bộ, lúc tựa vào ngọn giáo, đứng nhìn đăm đăm đống vũ khí. Đêm đó, trăng sáng vằng vặc khiến mọi cử chỉ của Đôn Kihôtê đều trông rõ mồn một.

Lát sau, có một bác lái la từ trong quán ra sân định cho la uống nước, muốn vậy, phải bỏ đống vũ khí xếp trong cái ang. Thấy có người tới, Đôn Kihôtê thét to:

- Hỡi hiệp sĩ liều lĩnh định tới gần những vũ khí của con người dũng cảm nhất trong số những người mang gươm! Bất kể người là ai, hãy coi chừng việc làm của mình và chớ đụng vào nếu không muốn mất mạng vì sự liều lĩnh đó.
Bác lái la nào có để ý đến lời nói của Đôn Kihôtê. Kể ra bác ta cũng không nên cưỡng thì hơn vì điều đó chỉ có lợi cho bản thân. Trái lại, bác ta bê cả đống vũ khí quẳng ra xa. Thấy vậy, Đôn Kihôtê ngước mắt lên trời, tập trung suy nghĩ vào nàng Đulxinêa và nói:

- Nương tử ơi, nàng hãy hỗ trợ cho kẻ nô lệ này trong cuộc đọ sức đầu tiên; xin nàng hãy ủng hộ và che chở cho trong giây phút nghiêm trọng đầu tiên này 2.

Nói rồi, chàng bỏ chiếc khiên xuống, hai tay cầm giáo phang vào đầu bác lái la một nhát mạnh đến nỗi bác ta lăn kềnh ra đất, và nếu Đôn Kihôtê bồi thêm một nhát nữa, chắc chắn chẳng cần mời thầy thuốc đến làm gì. Xong việc, Đôn Kihôtê khuân đống vũ khí xếp lại tử tế trong cái ang, tiếp tục đi bách bộ bình thản như trước. Lát sau, có một người khác ra sân định cho lừa uống nước, không biết chuyện đã xảy ra vì bác lái la bị đòn vẫn nằm chết giấc. Thấy có người đến bê đống vũ khí của mình đi, chẳng nói chẳng rằng và cũng chẳng cầu cứu ai nữa, Đôn Kihôtê bỏ chiếc khiên xuống như lần trước, giơ cao ngọn giáo phang luôn mấy cái, khiến cho cái đầu của anh chàng này vỡ bốn chỗ. Nghe tiếng kêu cứu, chủ quán và mọi người chạy ùa tới. Trước tình hình đó, Đôn Kihôtê một tay ôm khiên, tay kia nắm đốc gươm, nói:

- Hỡi nương tử xinh đẹp, nguồn sức mạnh cho trái tim yếu đuối của ta. Đã đến lúc nàng phải tiếp sức cho vì kẻ hiệp sĩ si tình này đang gặp một chuyện quá lớn lao.

Nói xong, Đôn Kihôtê cảm thấy mình có một sức mạnh ghê gớm, giả sử tất cả các lái la trên đời xông tới, chàng cũng không lùi nửa bước. Bạn bè của hai bác lái la thấy cảnh tượng như vậy bèn ném đá như mưa vào người Đôn Kihôtê. Chàng hiệp sĩ cứ đứng yên dùng cái khiên che thân, không dám rời cái ang và đống vũ khí nửa bước. Chủ quán cố hét to bảo họ dừng tay vì, như y đã nói, Đôn Kihôtê là một kẻ điên rồ, mà đã điên thì có thể giết người nhưng không bị tội. Đôn Kihôtê còn hét to hơn, gọi cả bọn là lũ hèn nhát, phản phúc, còn lão quan trấn thành là một tên đê tiện, một hiệp sĩ bẩm sinh xấu xa để cho người ta đối xử tồi tệ với các hiệp sĩ giang hồ, và nếu như chàng được phong tước hiệp sĩ rồi chàng sẽ cho biết tay.

- Nhưng thôi, Đôn Kihôtê nói, ta cũng không thèm chấp những kẻ thô bạo ********. Có giỏi thì cứ lại đây ném đá và đánh ta đi. Các ngươi sẽ phải trả giá đắt vì đã tỏ ra ngu xuẩn và láo xược.

Câu nói cứng cỏi và hiên ngang của Đôn Kihôtê khiến mọi người phải chùn, thêm vào đó là những lời khuyên can của chủ quán khiến cả bọn dừng tay, không ném đã nữa. Đôn Kihôtê mặc cho họ khiêng hai người bị thương đi, tiếp tục canh gác đống vũ khí bình thản và ung dung như trước.

Lão chủ quán thấy ngại những trò của Đôn Kihôtê và muốn rút ngắn lại bằng cách sớm phong tước cho chàng để tránh những chuyện lôi thôi khác. Hắn bèn tiến lại gần Đôn Kihôtê, xin lỗi về sự láo xược của đám người thấp hèn mà hắn không hề biết, rằng những kẻ đó đã bị trừng trị thích đáng về sự liều lĩnh đã gây ra. Hắn nhắc lại rằng trong lâu đài không có tiểu giáo đường nhưng điều đó cũng không cần thiết. Theo chỗ hắn biết, tất cả nghi lễ phong tước hiệp sĩ chỉ bao gồm việc đập mấy nhát vào gáy và lưng người được thụ phong bằng sống gươm, và việc đó có thể tiến hành ngay giữa cánh đồng. Hắn nói thêm là đêm chờ thụ phong đã kết thúc vì Đôn Kihôtê đã thức quá bốn tiếng đồng hồ trong lúc chỉ cần có hai tiếng. Nghe chủ quán nói, Đôn Kihôtê tin ngay; chàng tỏ ra sẵn sàng tuân theo và yêu cầu quan trấn thành làm càng nhanh càng tốt. Một khi đã được phong tước hiệp sĩ, nếu còn bị tấn công, chàng sẽ tiêu diệt hết cả lũ trong lâu đài trừ những người mà quan trấn thành yêu cầu tha cho.

Biết thân biết phận, quan trấn thành vội vã đi lấy cuốn sổ ghi tiền rơm và lúa mạch bán cho đám lái la, bảo một chú bé cầm mẩu nến rồi gọi hai cô gái đã nói ở trên cùng tiến lại chỗ Đôn Kihôtê; hắn ra lệnh cho chàng quỳ xuống, rồi lẩm nhẩm đọc cuốn sổ như thể người ta cầu kinh, hắn vung tay dùng sống kiếm nện hai nhát khá mạnh vào gáy và lưng Đôn Kihôtê, mồm vẫn lẩm nhẩm. Xong việc, chủ quán bảo một cô đeo gươm cho Đôn Kihôtê. Cô này vừa làm vừa cố giữ vẻ nghiêm nghị vì quả thật lễ phong tước này đáng nực cười; tuy nhiên đã được mục kích những chiến công của chàng hiệp sĩ mới này nên mọi người đâm chùn. Đeo gươm cho Đôn Kihôtê, cô nói với chàng:

- Cầu Chúa phù hộ cho chàng gặp nhiều may mắn trong những cuộc đọ sức. Đôn Kihôtê hỏi tên cô nàng để biết được người mình hàm ơn là ai và để sau này, khi lập được chiến công bằng cánh tay dũng cảm của mình, sẽ dành cho cô một phàn vinh quang. Cô khiêm tốn nói rằng tên cô là Tôlôxa, con một bác chữa giày ở phố Xantrô Biênaia, tỉnh Tôlôxa, rằng ở bất cứ đâu, cô cũng sẵn sàng hầu hạ chàng. Đôn Kihôtê cảm động nói:

- Xin nàng hãy vì tôi mà vui lòng lấy tên là Đônha 3 Tôlôxa.

Cô gái nhận lời. Đến lượt cô kia xỏ đinh thúc ngựa. Đôn Kihôtê cũng lại hỏi tên. Cô đáp là Môlinêra, con một người xay bột lương thiện ở Antêkêra. Đôn Kihôtê cũng lại yêu cầu nàng lấy tên là Đônha Môlinêra và hứa sẽ đền ơn nàng.

Sau những nghi lễ có một không hai được cử hành một cách nhanh chóng, Đôn Kihôtê muốn ra đi ngay tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Chàng vội thắng yên cương cho con Rôxinantê, nhảy phắt lên rồi ôm lấy chủ nhân tòa lâu đài, cảm ơn vì đã được phong tước và còn nói nhiều câu lạ lùng không sao kể siết. Thấy chàng ra đi, chủ quán mừng rơn, và đáp lễ đôi lời ngắn ngủi nhưng cũng rất vui vẻ, và chẳng buồn hỏi tiền trọ nữa, lão mời chàng đi ngay.

ĐÔN KIHÔTÊ - NHÀ QUÝ TỘC TÀI BA XỨ MANTRA Chương 2


Cuộc xuất hành đầu tiên của chàng Đôn Kihôtê tài ba


Sau khi chuẩn bị xong, Đôn Kihôtê bắt tay ngay vào hành động. Chàng nghĩ mình sẽ có tội với đời nếu trì hoãn việc trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng bất công. Thế rồi vào một trong những ngày tháng bảy nóng nực nhất, trời chưa tỏ, chẳng nói với ai mà cũng chẳng ai hay, Đôn Kihôtê khoác vũ khí vào người, nhảy lên con Rôxinantê, đầu đội mũ sắt, một tay ôm khiên, một tay vác ngọn giáo, lên cổng sau ra thẳng ngoài đồng, vô cùng sung sướng thấy bước đầu thuận lợi. Nhưng vừa mới lên đường, chàng chợt nảy ra một ý nghĩ khủng khiếp khiến chàng suýt bỏ dở sự nghiệp mới bắt đầu. Chàng nhớ là mình chưa được phong tước hiệp sĩ và, chiểu theo luật lệ của giới hiệp sĩ giang hồ, chàng chưa thể và cũng chưa được đọ sức với bất kỳ một hiệp sĩ nào khác. Vả lại, dù có được phong tước rồi, chàng vẫn là lính mới, chưa có một biểu tượng nào trên khiên khi chàng còn chưa lập được chiến công hiển hách. Những ý nghĩ đó khiến chàng trở nên do dự. Song, tính điên rồ đã giúp chàng thắng mọi trở ngại. Chàng định bụng khi gặp người đầu tiên, chàng sẽ nhờ phong tước hiệp sĩ cho, giống như các hiệp sĩ khác làm như kể trong sách. Còn về vũ khí, chàng sẽ lau chùi thật bóng chờ dịp. Nghĩ vậy càng thấy yên tâm và lại tiếp tục lên đường. Chàng để mặc con ngựa tự do chọn hướng, nghĩ rằng phải đi như thế mới đúng là tìm những chuyện phiêu lưu.

Chàng hiệp sĩ mới mẻ của chúng ta vừa đi vừa nói một mình:

- Chắc là sau đây, lúc ra sách nói về các chiến công của ta, tác giả sẽ viết như sau trong đoạn kể về buổi sớm đầu tiên ta xuất hành: "Khi vầng hồng vừa mới chăng những sợi tơ vàng tuyệt đẹp lên mặt đất bao la, khi những con chim non có những bộ lông sặc sỡ vừa cất tiếng hót véo von chào mừng nàng Rạng đông dời bỏ chiếc giường của Đức lang quân hay ghen để hiện ra ở chân trời xứ C, khi đó hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê xứ Mantra dời bỏ chăn ấm đệm êm, cưỡi con tuấn mã trứ danh Rôxinantê băng qua cánh đồng Môntiel xa xưa nổi tiếng".

Quả thật lúc này Đôn Kihôtê đang đi trên cánh đồng Môntiel. Chàng nói tiếp: "Ôi! Thời đại hạnh phúc, thế kỷ hạnh phúc sẽ được biết tới những chiến công huy hoàng của ta, những chiến công đáng được khắc vào những biển đồng bia đá cho muôn đời sau ghi nhớ. Hỡi những nhà chép sử uyên bác, hãy viết về cuộc đời thần kỳ của ta! Dù người là ai đi chăng nữa, xin chớ quên Rôxinantê tuyệt vời, người bạn đồng hành mãi mãi trung thành của ta". Rồi như một người thực sự si tình, Đôn Kihôtê lại nói: "Ôi! Công chúa Đulxinêa, chủ nhân của trái tim nô lệ này! Ta rất đau lòng vì nàng đã xua đuổi ta, không cho ta đến trình diện trước sắc đẹp của nàng. Xin nàng hãy đoái hoài kẻ vì nàng đã phải chịu bao nỗi đắng cay".

Chàng vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ hết chuyện này sang chuyện khác, theo đúng kiểu cách, lời lẽ đã học trong sách. Chàng cứ thủng thẳng bước một trong khi trời nắng như thiêu như đốt đến mức đủ làm cho bộ óc chàng tan ra thành nước nếu như nó còn chút ít nào trong sọ.

Hầu như suốt ngày hôm đó, không xảy ra chuyện gì đáng kể trên đường đi. Đôn Kihôtê tức giận vì chàng muốn gặp ngay lập tức đối thủ để thử cánh tay dũng mãnh của mình. Có tác giả viết chuyện phiêu lưu đầu tiên của chàng đã xảy ra ở cảng Lapixê, có tác giả lại cho rằng cuộc mạo hiểm của chang bắt đầu từ những cối xay gió. Theo chỗ chúng tôi xác minh và tìm thấy trong biên niên sử của xứ Mantra, thì vào lúc hoàng hôn ngày đó, cả chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê lẫn con tuấn mã Rôxinantê đều mệt nhoài và đói lả, Đôn Kihôtê bèn nhìn quanh xem có tòa lâu đài hoặc túp lều nào của những người chăn cừu không để nghỉ chân và kiếm cái ăn cho no bụng thì thấy cách đường cái không xa có một quán trọ;chàng tưởng đâu nhìn thấy một ngôi sao dẫn chàng chẳng những tới trước cổng mà vào tận lâu đài của đáng Cứu thế. Chàng vội thúc ngựa, và tới nơi lúc trời vừa xẩm tối.

Tình cờ lúc đó có hai cô gái đứng chơi trước quán trọ. Hai ả này nom ra chẳng phải thiện nhân. Họ đi Xêviia cùng một đám người lái la và nghỉ trọ tại đây. Đối với chàng hiệp sĩ giang hồ của chúng ta, tất cả những điều suy nghĩ hay những cảnh nhìn thấy đều diễn ra như trong sách chàng đọc. Nhìn cái quán trọ, chàng tưởng tượng ngay ra một tòa lâu đài với bốn ngọn tháp và những mái gác chuông bằng bạc sáng loáng, với cầu rút và hào sâu, với tất cả những cái người ta thường tả. Tới gần quán trọ, mà chàng đinh ninh là một tòa lâu đài, Đôn Kihôtê dừng ngựa lại, chờ xem trên thành có chú lùn nào đứng trên thành thổi kèn báo hiệu có hiệp sĩ đến không. Chờ mãi chẳng thấy, mà con Rôxinantê có vẻ muốn rúc vào tàu ngựa, chàng bèn đi lại và bắt gặp hai cô ả nói trên. Chàng nghĩ ngay đó là hai tiểu thư xinh đẹp hoặc hai phu nhân khuê các đang đứng chơi trước cổng lâu đài. Lúc đó có một anh chàng chăn lợn thổi tù và gọi đàn gia súc về. Đôn Kihôtê lại tưởng đó là một chú lùn báo tin chàng tới và, rất lấy làm hài lòng, chàng tiến lại gần hai cô gái nọ. Thấy Đôn Kihôtê mặc áo giáp, tay giáo, tay khiên, hai ả sợ quá liền chạy vào trong quán trọ. Đôn Kihôtê thấy thế lại nghĩ rằng họ muốn lánh mặt; chàng bèn nhấc lái lưỡi trai bằng bìa cứng để lộ khuôn mặt khô khẳng đầy bụi, rồi nói với một vẻ hòa nhã và bằng một giọng ôn tồn:

- Xin hai tiểu thư chớ lảng tránh và ngại ngùng chi. Những người thuộc dòng hiệp sĩ như tôi không được phép xúc phạm tới bất kỳ ai, nhất là đối với những tiểu thư khuê các như hai nàng.

Trong khi Đôn Kihôtê nói, hai ả cố nhìn vào khuôn mặt bị cái lưỡi trai che lấp. Đến khi thấy gọi mình là tiểu thư, một danh từ thật xa lạ với nghề nghiệp của họ, hai người không nín được cười khiến Đôn Kihôtê phải phát cáu. Chàng nói:

- Tôi thiết tưởng sắc đẹp chưa đủ mà còn cần phải có ý tứ; vô cớ mà cười là vô duyên. Nhưng tôi nói vậy không phải để cho hai nàng phiền lòng, phật ý đâu mà tôi chỉ có một mong ước là được phụng sự hai nàng thôi.

Ngôn ngữ khó hiểu và thái độ của chàng hiệp sĩ khiến hai nàng càng cười dữ và Đôn Kihôtê càng thêm bực mình. Giữa lúc đó, chủ quán bước ra. Đó là một con người đẫy đà. tính tình dĩ hòa vi quý. Nhìn thấy hình thù xấu xí của Đôn Kihôtê và những vũ khí kỳ dị của chàng, nào yên cương, giá, khiên, áo giáp, lão ta cũng muốn cười quá. Nhưng lão lại sợ cái bộ máy chiến tranh đó hơn nên lão vội lấy giọng lễ phép hỏi:

- Nếu hiệp sĩ cần tìm chỗ nghỉ ngơi mà không cần tìm giường ngủ (quả thật trong quán trọ này không có lấy một cái nào cả), chúng tôi xin tươm tất.
Thái độ nhũn nhặn của quan trấn thành (Đôn Kihôtê trông chủ quán hóa ra quan trấn thành), Đôn Kihôtê đáp:

- Thưa quan trấn thành, đối với tôi thế nào cũng được vì rằng "đồ trang sức của tôi là vũ khí, và nghỉ ngơi là chiến đấu không ngừng" 1.

Thấy Đôn Kihôtê xưng hô như vậy, chủ quán nghĩ rằng chàng tưởng mình là người Caxtiia 2. Lão vốn sinh trưởng ở Anđaluxia, tại vùng biển Xanlucar, là một tay giảo quyệt không kém gì Cacô và tinh nghịch như một chú học trò hay một thị đồng, lão bèn trả lời:

- Nếu vậy, "giường ngủ của ngài phải là đá cứng, giấc ngủ của ngài là thức thâu đêm" 3. Nếu quả như thế xin mời ngài xuống ngựa. Trong túp lều tranh này, chắc chắn ngài sẽ có dịp thức cả năm liền, chứ nói chi một tối.

Rồi lão tới giữ bàn đạp yên ngựa; Đôn Kihôtê bước xuống một cách khó khăn mệt nhọc, như một người từ sáng tới giờ chưa có hạt gì vào bụng. Chàng dặn chủ quán phải chăm sóc con Rôxinantê vì nó là con ngựa hay nhất trên đời này.

Lão chủ quán nhìn con vật thấy nó cũng không đến mức như chủ nhân nó khoe thậm chí không được nửa phần. Lão dắt nó vào chuồng rồi quay lại xem ông khách mới có cần gì không thì thấy hai cô gái đang giúp Đôn Kihôtê cởi bỏ bộ áo giápvà vũ khí - lúc này họ đã làm lành với chàng rồi. Sau khi đã cởi được hai tấm giáp che trước ngực và lưng, họ loay hoay mãi không sao rút được tấm giáp che cổ và cái mũ có những dải màu lục thít chặt vào đầu. Họ muốn cắt những dải đó vì không gỡ được nút nhưng Đôn Kihôtê không chịu; thế là cả đêm, chàng cứ đội sùm sụp chiếc mũ trên đầu, trông thật tức cười. Nhìn hai cô gái cởi giáp cho mình, chàng cữ ngỡ đó là hai phu nhân quý phái ở trong lâu đài, chàng bèn cất giọng, đọc mấy câu thơ duyên dáng trong bản tình ca:

- "Chưa có một hiệp sĩ nào được những người đẹp chăm sóc chu đáo như Đôn Kihôtê khi chàng từ quê nhà ra tới đây. Có các vị tiểu thư chăm sóc chàng và các nàng công chúa trông coi Rôxinantê của chàng". Thưa hai bà, chàng nói tiếp, Rôxinantê là tên con ngựa của tôi, còn Đôn Kihôtê xứ Mantra chính là tôi. Thực ra tôi không muốn xưng danh tước làm gì, để sau đây những chiến công của tôi sẽ giới thiệu tôi. Nhưng vì tức cảnh mà tôi đọc mấy câu tình ca của Lanxarôtê, do đó hai bà đã sớm biết tên tôi. Nhưng lúc đó hai bà sẽ truyền lệnh cho tôi và khi đó, cánh tay dũng mãnh này sẽ sẵn sàng làm đẹp lòng hai bà.

Hai cô gái nó sinh ra đâu phải để nghe những lời nói văn hoa đó nên cứ làm lặng thinh. Họ chỉ hỏi chàng có ăn gì không?

- Có gì tôi ăn nấy, Đôn Kihôtê đáp, thế nào cũng xong.

Hôm đó là ngày thứ sáu, trong quán chẳng có gì ngoài mấy con cá nhép. Chủ quán hỏi Đôn Kihôtê có ăn thứ đó không, vì chẳng còn loại nào khác.

- Nhiều cá nhỏ bằng một con cá lớn, Đôn Kihôtê đáp, cũng như mười tờ giấy một đồng bằng một tờ mười đồng. Vả chăng, có khi càng nhỏ lại càng ngon, ví như thịt bê mềm hơn thịt bò, thịt dê non ngon hơn dê già. Thôi, cứ có gì ngon mang ra đây kẻo làm cái nghề vác nặng này mà đói bụng thì chẳng kham nổi.

Lão chủ bày bàn ra trước quán trọ cho mát rồi bưng ra một đĩa cá kho không ra kho, nấu chẳng ra nấu, một cái bánh mì đen thui và rắn như vũ khí của chàng hiệp sĩ. Đôn Kihôtê ngồi vào bàn ăn. Đến lúc này thật không thể nhịn được cười: cái mũ sùm sụp trên đầu khiến chàng không sao đưa được thức ăn vào mồm, và hai cô gái phải ngồi bón cho chàng. Đến lúc uống thì chịu chết: cuối cùng chủ quán phải kiếm một cái cần cho Đôn Kihôtê ngậm một đầu, còn đầu kia lão đổ rượu vào. Chàng hiệp sĩ làm tất cả những việc đó một cách nhẫn nại, chỉ lo giữ những dải mũ khỏi đứt. Vừa lúc đó, một anh hoạn lợn tới, vừa đi vừa thổi ống trúc. Sự kiện này càng khiến Đôn Kihôtê tưởng rằng mình đang ở một tòa lâu đài nào đó, ngồi ăn có dàn nhạc. Và cá nhép đối với chàng là món hương ngư, bánh mì làm bằng tiểu mạch, hai cô gái là những phu nhân quý phái, chủ quán là chủ nhân lâu đài. Chàng lấy làm hài lòng về quyết định ra đi của mình. Duy còn điều này làm chàng áy náy là tới nay, chàng vẫn chưa được phong tước hiệp sĩ, mà chưa gia nhập giới hiệp sĩ thì chưa thể nói là chính thức đi phiêu lưu giang hồ được.

ĐÔN KIHÔTÊ - NHÀ QUÝ TỘC TÀI BA XỨ MANTRA Chương 1


Tính tình và công việc hàng ngày của nhà quý tộc trứ danh Đôn Kihôtê xứ Mantra


Cách đây không lâu, tại một làng nọ ở xứ Mantra mà ta chẳng cần nhớ tên, có một nhân vật thuộc lớp những nhà quý tộc có ngọn giáo treo trên giá làm cảnh, một cái khiên cũ kỹ, một con ngựa gầy và một con ***săn. Bữa ăn hàng ngày của chàng chỉ có xúp bò, họa hoằn mới được thịt cừu; bừa chiều: thịt hầm 7; thứ bảy: trứng tráng; thứ sáu: đậu; chủ nhật thêm một con chim câu nho nhỏ, thế là đã mất đứt ba phần tư số thu nhập. Khoản tiền còn lại dùng để may mặc: áo khoác ngoài bằng da nhẹ, quần bó và giày nhung dùng trong ngày dạ hội, ngày thường thi mặc quần áo may bằng loại vải cũng khá tốt. Trong nhà có một bà quản gia ngoại tứ tuần, một cô cháu gái chưa đầy đôi mươi và một anh chàng người hầu kiêm cả việc trông nom ruộng vườn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con ngựa. Nhà quý tộc của chúng ta sấp sỉ ngũ tuần, thể chất tráng kiện, da thịt sắt seo, mặt mũi xương xẩu; chàng có thói quen dậy sớm và rất thích săn bắn. Theo lời đồn, chàng mang biệt hiệu Kihađa hoặc Kêxađa. Về điểm này, mỗi tác giả nói một khác, song, theo sự ước đoán có thể đúng, tên chàng là Kihađa. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm tới câu chuyện, miễn sao khi kể ta không để sót một điểm nào của sự thật.

Những lúc nhàn cư - cả năm chẳng mấy khi chàng bận rộn - chàng quý tộc của chúng ta chỉ mải miết đọc sách kiếm hiệp, đến nỗi hầu như quên cả thú đi săn và công việc nhà. Chàng ham mê đến mức cuồng dại, bán cả một phần ruộng đất đang cày cấy để mua loại tiểu thuyết đó mang về chất đống trong nhà. Chàng thích nhất những tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Phêlixianô đê Xilva, coi những câu chữ sáng sủa và những lập luận lủng củng trong đó là những hàng châu ngọc, nhất là khi chàng đọc đến những lá thư tỏ tình hay thách thức đấu võ với nhiều đoạn như sau: Lý lẽ của sự phi lý mà nương nương đã viện ra để bác bỏ lý lẽ của tôi khiến cho lý lẽ của tôi không đứng vững nổi, tới mức tôi không thể không than phiền về sắc đẹp của nương nương, hoặc: Ông cao xanh kia, giai nhân tuyệt thế hỡi, cùng các vị tinh tú ban cho nàng phước lành và khiến nàng xứng đáng với những đức hạnh xứng đáng của nàng. Những câu chuyện như vậy đã làm cho chàng quý tộc khốn khổ bị mất trí. Chàng thức thâu đêm suốt sáng để cố tìm hiểu ý tứ của những câu mà giá như Arixtôtêlêx có sống lại để làm việc đó cũng đàng chịu. Chàng lấy làm thắc mắc về những vết thương của Đôn Bêlianix, nghĩ rằng dù có những ông thầy thuốc giỏi đến đâu đi chăng nữa, mặt và khắp người hiệp sĩ này cũng phải chằng chịt những vết sẹo và thương tích. Tuy nhiên, chàng khen tác giả đã khéo kết thúc cuốn sách, để câu chuyện bỏ dở. Lắm lúc, chàng có ý định cầm bút viết tiếp như tác giả đã hứa, và chắc chắn chàng đã làm và hoàn thành công việc đó nếu thường xuyên không bị những chuyện quan trọng hơn làm bận tâm.

Đã nhiều lần chàng tranh luận với Cha xứ là một người thông thái tốt nghiệp ở Xiguenđa về vấn đề ai hơn ai giữa hiệp sĩ Palmêrin nước Anh Cát Lợi và hiệp sĩ Amađix nước Gôlơ 8. Nhưng bác phó cạo trong làng lại cho rằng không ai bằng hiệp sĩ Mặt Trời, chỉ có anh của Amađix là Đôn Galaor mới có thể sánh kịp với chàng này vì có đủ các điều kiện, về mặt dũng cảm thì cũng chẳng kém ai, lại không làm nũng và mau nước mắt như em.

Tóm lại, nhà quý tộc của chúng ta chỉ biết mỗi việc là đọc sách, đọc từ tối đến sáng rồi lại từ sáng đến tối; do ngủ ít đọc nhiều, óc chàng teo đi đến nỗi mất cả trí khôn. Đầu chàng chứa toàn những chuyện hão huyền đọc trong sách, nào là yêu thuật, đánh nhau, chém giết, thách thức, nào là tán tỉnh, yêu đương, đau khổ cùng bao nhiêu chuyện nhảm nhí khác, nó ăn sâu vào đầu óc chàng đến nỗi chàng coi tất cả những điều bịa đặt trong sách là sự thật, tưởng không có gì thật hơn trên đời này. Chàng bảo đầu lãnh Ruc Điax là một hiệp sĩ giỏi, nhưng không thể đem so sánh với hiệp sĩ Gương Nóng Hổi đã chém đứt đôi hai gã khổng lồ dữ tợn và quái dị bằng một nhát kiếm. Chàng lại càng khâm phục Bernađô đel Carpiô đã mưu trí giết Rôlđan mặc dù hiệp sĩ này được pháp luật phù trợ, giống như Êrculêx 9 bóp chết tươi Antêô, con trai thần Đất. Chàng ca ngợi Morgantê tuy thuộc giống khổng lồ kiêu căng và thô bạo nhưng tính tình lại hòa nhã và lễ độ. Chàng khâm phục nhất Râynalđôx đê Môltaban, đặc biệt là khi anh chàng này rời khỏi lâu đài đi cướp bóc lung tung, thậm chí vượt biển đánh cắp pho tượng Môhama bằng vàng như kể trong sách. Còn đối với tên phản bội Galaon, giá như đá được nó mấy cái thì dù có phải đổi cả bà quản gia lẫn cô cháu gái, chàng cũng vui lòng.

Thế rồi, trong lúc đầu óc rối loạn như vậy, chàng quý tộc của chúng ta bỗng nảy ra một ý nghĩ vô cùng kỳ quái mà một kẻ điên rồ trên đời này cũng không bao giờ nghĩ ra. Chàng cho rằng muốn tên tuổi của mình được rạng rỡ và bản thân mình giúp ích được cho nước nhà, chàng phải làm một hiệp sĩ giang hồ, một thương một ngựa chu du thiên hạ, tìm kiếm những chuyện phiêu lưu, làm những việc mà các hiệp sĩ giang hồ đã làm như viết trong sách, bênh vực kẻ hèn yếu, đạp bằng mọi gian nguy, để tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. Chưa chi chàng quý tộc đáng thương của chúng ta đã mơ tưởng, bằng cánh tay dũng mãnh của mình, xoàng ra chàng cũng chinh phục được vương quốc Trapixônđa. Và say sưa trước những ý nghĩ say sưa đó, chàng vội vàng thực hiện điều mong ước. Thoạt đầu, chàng đánh bóng những vũ khí han gỉ của các cụ tổ để lại, vứt ở một xó từ hàng bao thế kỷ nay. Trong lúc hì hụi lau chùi và sửa sang lại chúng, chàng bỗng phái hiện ra một thiếu sót lớn là chiếc mũ sắt chỉ còn một nửa. Chàng bèn lấy một miếng bìa cứng, đem hết tài khéo léo ra cắt một miếng đắp và tạo ra một cái mũ nom cũng có vẻ đàng hoàng. Rồi muốn thử xem nó có đủ sức chịu đòn không, chàng tuốt gươm chém luôn hai nhát. Mới nhát đầu, cả công trình trong tuần lễ bỗng chốc tan tành. Thấy chiếc mũ vỡ toác một cách quá dễ dàng, chàng chẳng khỏi lo ngại, và muốn cho bảo đảm, chàng gia công làm lại. Lần này, chàng ghép một cái đai sắt ở bên trong và lấy làm hài lòng khi thấy chiếc mũ đã chắc chắn hơn. Tuy nhiên, chàng cũng chẳng thử lại làm gì, coi như chiếc mũ đã tốt lắm rồi.
Xong việc, chàng đi thăm con ngựa; mặc dù con vật nom thảm hại hơn cả con Gônêla, chỉ có da bọc xương, chàng cho rằng con Buxêphalô của Alêhanđrô hay con Babiêca của Đầu lãnh cũng không theo kịp nó. Trong bốn ngày liền, chàng suy nghĩ tìm cho nó một cái tên vì theo ý chàng , không có lý do gì ngựa của một hiệp sĩ tài ba lỗi lạc lại không có một cái biệt hiệu thật hay. Chàng muốn cái biệt hiệu đó phải nói lên sự thay đổi của nó từ một con ngựa tầm thường trở thành tuấn mã của một hiệp sĩ giang hồ; vả chăng một khi chủ nó đã đổi nghề thì tất nhiên nó cũng phải mang một cái tên thích hợp và làm công việc mới của nó. Sau bao lần đặt rồi lại bỏ, thêm rồi lại bớt, chàng quyết định gọi nó là Rôxinantê 10. Theo chàng, cái tên đó rất hay, kêu, lại có ý nghĩa giới thiệu được con ngựa trước kia là một con vật tầm thường và bây giờ đứng đầu tất cả những con ngựa trên đời.

Hài lòng về cái tên đặt cho ngựa, chàng cũng muốn đặt biệt hiệu cho mình. Thế là lại mất tám ngày nữa. Cuối cùng, chàng tự xưng là Đôn Kihôtê 11, do các tác giả viết về câu chuyện có thật này nói rằng chàng không phải là Kêxađa như nhiều người nói mà là Kêhađa 12. Nhưng chàng sực nhớ rằng trước kia hiệp sĩ ama dũng cảm không chịu mang cái biệt hiệu cộc lốc là ama mà lại ghép thêm tên tổ quốc vào thành ama nước Gôlơ với ý muốn làm cho nước mình trở nên lừng lẫy. Thế là chàng cũng ghép thêm tên xứ sở vào thành Đôn Kihôtê xứ Mantra để giới thiệu nơi sinh trưởng của mình, đồng thời làm rạng rỡ quê hương mình.

Sau khi lau chùi vũ khí, sửa chữa mũ mãng, đặt tên cho ngựa và cho mình một cái biệt hiệu khá oai, chàng thấy còn một việc nữa là tìm cho mình một tình nương, vì một trang hiệp sĩ giang hồ không có người yêu ví như cây không lá không quả, như xác không hồn. Chàng thầm nói:

- Nếu trời bắt tội hoặc nếu số phận ta may mắn, ta chạm trán với một gã khổng lồ - điều thường xảy ra với các hiệp sĩ giang hồ - ta quật ngã được nó hoặc chém nó đứt đôi, hoặc ta đánh bại nó và bắt nó quy hàng, mà ta lại có một tình nương dịu hiền để bắt nó tới trình diện thì thật hay biết mấy! Ta sẽ bắt nó quỳ trước mặt nàng và bắt nó nói với nàng bằng một giọng khúm núm, phục tùng: "Thưa phu nhân, tôi là khổng lồ Caracumliambrô, chúa đảo Malinđrania. Hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra mà người đời không đủ lời ca tụng, đã đánh bại tôi trong mộtcuộc độc chiến và ra lệnh cho tôi đến trình diện phu nhân đề tùy phu nhân định đoạt số phận của tôi".

Ôi, chàng hiệp sĩ của chúng ta sung sướng biết bao khi thốt lên những lời lẽ hùng hồn như vậy, và nhất là sau khi đã tìm được người đẹp để đặt tên. Theo lời đồn, đó là một cô thôn nữ xinh sắn ở làng bên, có một thời kỳ chàng đã phải lòng mặc dù cô này không hề biết chàng. Tên cô là Alđônxa 13 Lôrenxô. Chàng thấy cô ta xứng đáng để chàng thờ phụng. Muốn cho tên cô ta tương xứng với tên chàng và cũng na ná tên các công chúa, công nương, chàng bèn gọi cô là Đulxinêa làng Tôbôxô vì cô sinh ra ở Tôbôxô. Theo chàng, cái biệt hiệu đó nghe êm tai, hay tuyệt và cũng có nghĩa như cái biệt hiệu của chàng và của con ngựa.

Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

 “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...