Saturday, August 19, 2017

Tính đố kỵ

Tính đố kỵ

Sự ghen ghét luôn là một đặc tính của con người. Nó không phải phát sinh từ xã hội hiện đại, mà có từ rất xa xưa. Loài người là những con vật xã hội xây dựng hình ảnh cái tôi bằng cách phân biệt với người khác. “Chừng nào con người còn so sánh lẫn nhau thì còn có sự đố kỵ”. (S. Neckel) Tính đố kỵ, ganh ghét từ xa xưa đã có. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” Chu Du vì ghen tức Gia Cát Lượng tài trí hơn mình đã bao lần đang tâm hãm hại mà không được, cuối cùng vì uất hận hộc máu mồm mà chết. Đó chính là một điển hình về lòng ganh ghét, đố kỵ.
Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Tính đố kỵ là thù ghét những ai có điều gì đó hơn mình. Thói độ đố kỵ là tỏ ra khó chịu khi thấy người khác được hơn mình, ghen ghét với người giỏi hơn mình, trong lĩnh vực chuyên môn, đố kỵ với  người giỏi chuyên môn, hoặc trong cuộc sống thì đố kỵ với người được tín nhiệm hơn mình. Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy là nguyên nhân của sự đố kỵ. Trong công việc, khi có chút quyền lợi cũng là lúc nảy sinh thái độ hơn thiệt, đụng chạm quyền lợi với người này người kia. Nếu không phải là người có tâm trong sáng, lúc đó tâm đố kỵ sẽ xuất hiện. Sự nguy hiểm của tính  đố kỵ chính là ở chỗ ác tâm, mang lòng thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người khác để thỏa mãn thù hận của mình..
Thông thường, nếu yêu nhau, vun đắp cho nhau thì cuộc sống vô cùng êm ả, bình dị. Nhưng nếu rắp tâm hại người thì luôn phải vắt óc tinh toán mưu đồ, bộ dạng già nua, thần sắc thất kinh lo sợ bị lật tẩy. Cuộc sống trôi qua trong bức xúc, hậm hực, ngột ngạt, nặng nề chẳng khác nào giữa chốn địa ngục. Nhiều khi bộc lộ ra ngoài bằng đâm bị thóc, chọc bị gạo
Không hiểu sự đố kỵ có sức hấp dẫn thế nào, khiến nhiều người dễ dàng biến mình thành kẻ hèn kém, tiểu nhân, biến những mối quan hệ đang yên lành trở thành thù hận, ganh ghét như vậy. Có lẽ, người ta thích đạp người khác xuống để che đi sự kém cỏi của mình, để khỏa lấp những “thiệt thòi” mà họ cho rằng số phận không ưu ái đối với họ. Chúng ta vẫn biết “gieo tính cách, gặt số phận”. Không ai tin rằng số phận sẽ mỉm cười với những ai luôn đi gây mầm ghen ghét hận thù.
Thực chất đố kỵ không giúp ai tạo ra một kết quả nào. Khi đố kỵ ai đó, gièm pha hay kéo bầy đàn vào nhằm hạ uy tín, danh dự người khác, danh dự, uy tín của người đó không hề được tăng thêm. Cuộc sống của họ cũng  không hề tốt hơn. Mọi người cũng chẳng quý hơn khi chiến thắng trong cuộc chiến gièm pha đối thủ. Có chăng chỉ thỏa mãn nhất thời thói ích kỷ bản thân.
Sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ  mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Nguyên nhân của người có thói đố kị là do thiếu tự tin, mặc cảm, tự ti mà lại sẵn lòng tự cao, tự đại. Có thể còn do lối sống cô độc, ít giao tiếp và thói quen hay chỉ trích, đả kích người khác. Một số do cuộc sống thiếu tình cảm hoặc thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống. Hoặc cảm thấy người khác sung sướng, hạnh phúc, may mắn hơn mình. Những con người này không có nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng xung quanh. Do đó mù quáng, nặng nề, mất bình tĩnh, bất công với bản thân. Từ đó họ không có cơ hội nhân hậu với cuộc đời và với chính mình, dễ phát sinh kẻ thù trong cuộc sống. Những người này có thể dễ dàng trở thành tội phạm.

Những người bị hành hạ bởi tính đố kỵ đều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Nó không chỉ thúc đẩy con người thực hiện các hành vi dại dột, mà còn gặm nhấm sức khỏe của người đó. Là một người có tính đố kỵ sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trước hết, lòng ghen tị phá hoại mối quan hệ giữa người và người, cản trở con người phát triển tài năng, đồng thời sức mạnh đoàn kết và tinh thần hợp tác ngày càng suy yếu. Sau nữa, chính tinh thần và thể chất của bản thân người có tính ghen tị bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến bạn mệt mõi cả thể xác lẫn tinh thần.
Vậy nên, hãy tập cạnh tranh một cách lành mạnh, chính đáng. Nếu có thể so bì, ấm ức thì tại sao không biến những cái đó thành nghị lực để phấn đấu vươn lên? Tại sao không biết biến niềm kiêu hãnh của người khác thành liều thuốc kích thích cho chính mình?
Chúng ta đừng vì sự ganh ghét, đố kỵ mà chán nản,  buồn phiền, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Cũng không vì vậy mà thù oán, làm tổn thương, hại họa tới người khác. Như thế chỉ tỏ ra ta là người yếu thế và tổn hại đến nhân cách. Chúng ta cần tỏ ra là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và phấn đấu đạt cho kỳ được điều đó bằng các hành động đúng đắn.

Chiến thắng bản thân vẫn là chiến thắng hiển hách nhất.

Chiến thắng bản thân vẫn là chiến thắng hiển hách nhất.



Chúng ta thường rất khó khăn trong việc chiến thắng bản thân mình dù ai cũng biết chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất. Tại sao chúng ta trù trừ trước những thói quen xấu của mình như trễ hẹn, sợ hãi vì điều gì thậm chí chỉ mỗi việc rửa bát lau nhà, nhiều lúc chúng ta cũng cố gắng để dây dưa? Bạn sẽ làm thế nào để chiến thắng bản thân mình?
Ma lực của thói quen trì trệ là gì? Đó chẳng phải là khiến cho chúng ta tìm kiếm được những lý do để biện hộ cho cá nhân trước những việc gấp gáp cần phải làm, hay chỉ là những việc nhỏ nhặt nhưng không muốn thay đổi? Lý do cho việc này là gì nếu không phải là sự lười biếng và vô trách nhiệm? Đó chính nguyên nhân chính cản trở chúng ta đến với những thành công của mình. Bạn chưa từng nghe Lỗ Tấn nói sao: Trên bước đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng.
Khi đi học chúng ta thường tìm ra những lý do để bao biện cho việc đi trễ hay chưa làm bài tập, lớn lên những kế hoạch những công việc phải hoàn thành thường trễ hẹn, hay làm qua loa cho xong chuyện đã khiến cho chúng ta không ít lần điên đảo với sự giận dữ của thầy cô và cấp trên. Nhưng bạn không thay đổi, hay không thể thay đổi để có được kết quả tốt đẹp hơn? Sự trì trệ này chính là việc bạn đã hài lòng và đồng tình với chính bản thân mình.
Trước tiên, bạn phải biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân đế có hướng xử lý đúng đắn với sự lười biếng này. Nêu bạn thường trễ hẹn và dây dưa khi phải làm việc thì cách tốt nhất để châm dứt tình trạng trên là cố gắng làm đúng kế hoạch và hiệu quả công việc. Muốn có được điều này bạn phải quyết tâm và có ý chí mới hoàn thành được. Không quá khó khăn với những ai thực sự muốn thành công, vì thế hãy biết những thói quen xấu là gì và tìm ách tiêu diệt chúng.
Tiếp theo hãy hình thành cho mình những thói quen tích cực như dậy sớm, tập thể dục, nghỉ ngơi đúng lúc và làm việc đúng thời gian, dành thời gian cho những việc khác như trồng cây, tưới hoa hay nói chuyện cùng cha mẹ người thân. Những thói quen này sẽ giúp bạn thay đổi rất nhiều đấy. Mọi người ngạc nhiên khi bạn không còn lúc nào cũng than thở. Tôi không có thời trong khi bạn đang ôm chiếc gối trên giường. Hãy thay đổi chính mình những thói quen tích cực nếu như đến những việc này bạn cũng chần chừ bạn sẽ chẳng thể nào thay đổi được bản thân và chiến thắng chính mình Hãy cố gắng lên nào, chúng ta sẽ vượt qua được chính bản thân mình.
Cuối cùng, muốn chiến thắng được bản thân bạn cần có ý chí và sự tâm thật lớn, tập trung ý chí và sự quyết tâm cho một mục tiêu đã đặt ra cách để bạn rèn luyện ý chí của mình. Bạn biết đây nếu chúng ta thiếu đi quyết tâm thì chẳng có việc gì chúng ta có thể hoàn thành được. Thế nên, vì ngồi chờ mọi sự tự thay đổi thì bạn hãy làm gì đó để thay đổi chúng.
Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất mà chúng ta ai cũng cần đạt được. Bạn đừng bao giờ hòa hoãn với bản thân để duy trì những quen xấu, chính những thói quen này níu giữ bạn trước những thành công. Bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình muốn nếu như không cố gắng không quyết tâm và không thực sự muốn thành công. Hãy chiến thắng bản thân để có được sức mạnh vươn tới những vì sao.
Bài tham khảo 2
Cuộc đời của mỗi người từ khi sinh ra cho tới lúc trưởng thành rồi nhắm mắt xuôi tay đều phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhưng thực chất, thứ đáng sợ nhất ngăn cản bước chân của bạn tiến đến thành công chính là nỗi sợ hãi, sự tự ti ẩn sâu bên trong con người bạn, khiến bạn không dám đối mặt và vượt qua chông gai chứ không phải là những khó khăn bên ngoài. Chính vì thế, điều quan trọng là bạn có dám đương đầu với những trở ngại của chính mình hay không, bởi "Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất".
Chiến thắng là từ dùng để chỉ một kết quả tốt đẹp mà ta đạt được sau quãng thời gian vất vả đấu tranh, vượt qua thử thách. Bởi vậy, chiến thắng bản thân, thực chất chính là vượt lên nỗi sợ hãi, sự tự ti, yếu đuối và những cái xấu bên trong con người bạn, cản trở bạn đến với thành công, đến với những điều tốt đẹp. Câu nói "Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất" cũng nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của việc mỗi người có thể thoát khỏi lớp vỏ bọc yếu kém của bản thân để dũng cảm đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Có thể, bạn sẽ vượt qua được khó khăn, thử thách, nhưng cũng có thể bạn sẽ không thành công tại thời điểm đó, nhưng chỉ cần bạn dũng cảm, tự tin chiến đấu đến cùng thì dù kết quả thế nào, bạn cũng vẫn là người chiến thắng.
Ngay từ khi sự sống mới bắt đầu, con người ta đã phải đổi diện với vô vàn hiểm họa từ thiên nhiên tới những tai nạn cho chính con người gây ra. Nếu bạn chán nản, buông xuôi hay tự cho rằng mình không có khả năng chiến thắng mà từ bỏ ngày từ đầu thì sự sống của bạn sẽ chấm dứt. Cho dù bạn đang sống thì cũng chỉ đơn giản là sự tồn tại mà thôi.
Trên thế giới đã có muôn vàn những tâm gương minh chứng cho thành công của sự dũng cảm đương đầu và tinh thần tranh đấu đến cùng, như Bill Gate, như Jackma, như Nick Vujicic, như cả dân tộc Việt Nam đã đấu tranh hàng nghìn năm để chống ách đô hộ và giặc ngoại xâm... Hay gần gũi nhất với các thế hệ học trò chính là tâm gương sáng mang tên Nguyễn Ngọc Ký. Mặc dù mất cả hai tay từ nhỏ, nhưng với những nỗ lực hết mình, tinh thần tranh đấu quyết không từ bỏ, ông đã có thể viết bằng chân và trở thành một thầy giáo đáng kính, được lớp lớp thế hệ học trò yêu mến.
Đáng tiếc là hiện nay, nhiều bạn trẻ vì được nuông chiều, được sống trong sự bao bọc từ nhỏ, nên khi bước ra ngoài cuộc sống, đối mặt với chút khó khăn liền nhanh chóng nản chí. Thậm chí có nhiều bạn quen với lối sống hưởng thụ mà không có tinh thần tự lập, dễ dàng buông thả bản thân để rồi sa đà vào những cám dỗ, những tệ nạn và dần hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Tất nhiên, vẫn có những người dù sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nào cũng ý thức rõ được tầm quan trọng của việc tự kiểm soát và chiến thắng bản thân. Để có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức cũng như những cám dỗ của cuộc sống, các bạn cần phải tự tin, bản lĩnh để đối mặt và trước hết là phải chiến thắng chính bản thân mình.
Chỉ cần bạn có thể chiến thắng được nỗi sợ hãi, sự tự ti và cả những ham muốn, dục vọng tồn tại bên trong con người mình thì chắc chắn, thành công sẽ đến với bạn vào một ngày không xa. Hãy nhớ rằng, ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào thì "chiến thắng bản thân vẫn là chiến thắng hiển hách nhất".

Ruồi trâu - Chương 1

Chương 1 :
Áctơ ngồi trong thư viện trường dòng thánh Pidơ (1), đang lần giở từng tập bản thảo những bài giảng đạo. Đó là một chiều tháng sáu oi ả. Khung kính các cửa sổ đều mở toang, cửa chớp khép nửa chừng. Môngtaneli, cha giám đốc trường, ngừng viết và âu yếm nhìn mái tóc đen cặm cụi trên những trang giấy.

- Không tìm thấy ư, carino (2)? Không sao. Phải viết lại thôi. Chắc cha xé tờ ấy đi rồi làm con

phải phí công ngồi lại.

Tiếng Môngtaneli cất lên khe khẽ, nhưng rất lắng sâu và du dương. Giọng trong như bạc làm cho tiếng nói có một sức quyến rũ lạ thường. Đó là tiếng nói của một nhà hùng biện bẩm sinh, một thứ tiếng nói uyển chuyển giàu âm điệu. Mỗi khi cha giám đốc nói với Áctơ thì lúc nào tiếng nói ấy cũng đượm vẻ trìu mến.

- Không, thưa cha (3), con sẽ tìm thấy. Con chắc chỉ ở đâu đây thôi. Nếu cha có viết lại thì cũng chẳng được như cũ đâu.

Môngtaneli lại tiếp tục công việc đang bỏ dở. Một con bọ dừa vo ve độc điệu ở đâu ngoài cửa sổ. Từ ngoài đường phố vọng lại tiếng rao kéo dài và não nuột của một người bán hoa quả : “Dâu tây đây! Dâu tây đây!” (4)

- “Giảng về chúa và những người tật phong” (5) đây rồi.

Áctơ tiến lại gần Môngtaneli với những bước đi nhẹ nhàng. Những bước đi ấy lúc nào cũng làm cho người nhà Áctơ bực bội. Dáng người mảnh khảnh yếu ớt, Áctơ giống như người Ý vẽ trong tranh thế kỷ mười sáu hơn một chàng trai trẻ của những năm ba mươi (6) sinh trưởng trong một gia đình tư sản Anh. Mọi vẻ ở anh đều hết sức xinh đẹp như tạc vậy. Đôi hàng lông mày dài như hai mũi tên, đôi môi mỏng, chân tay nhỏ nhắn. Khi anh ngồi yên người ta có thể cho anh là một cô gái yêu kiều giả trai; những cử chỉ mềm dẻo của anh lại làm cho người ta nhớ tới một con báo đã thuần, một con báo không nanh vuốt.

- Tìm thấy thật ư? Áctơ ạ, không có con thì cha chẳng biết làm thế nào. Có lẽ rồi lúc nào cha cũng đánh mất đồ đạc... Thôi chẳng viết nữa. Đi ra vườn đi, cha sẽ giúp con học bài. Chỗ nào không hiểu, hở con?

Họ bước vào một khu vườn im ả, đầy bóng mát của trường dòng. Ngày xưa, ngôi trường vốn là một tu viện rất cổ kính của dòng Thánh Đôminích (7), nên hai trăm năm trước đây khu vườn vuông vắn này được chăm bón rất chu đáo. Đôi bờ hoàng dương đều đặn viền lấy khu đất trồng cỏ thơm và cắt xén gọn ghẽ. Những tu sĩ mặc áo trắng xưa kia chăm bón những cây cỏ này đã bị chôn vùi và lãng quên từ lâu rồi, nhưng giờ đây trong những buổi chiều hè êm dịu cỏ thơm vẫn cứ ngào ngạt mặc dù không còn ai lấy cỏ về làm thuốc nữa. Ngày nay những nhánh cần dại Hà Lan và rau sam đã mọc lởm chởm giữa những kẽ đá trên lối đi. Giếng nước giữa vườn mọc đầy cỏ lưỡi mèo. Những gốc hồng bỏ thành hoang dại; những cành hồng dài chằng chịt lan theo mọi lối đi. Những đoá mào gà đỏ choé giữa những bụi hoàng dương. Những nhánh mao địa hoàng cao lớn ngọn loà xoà trên thảm cỏ. Còn cây nho không người tỉa bón và cằn cỗi thì cũng rung rinh lả ngọn trên cành một cây sơn trà đang buồn bã gật gù chiếc chỏm um tùm.

Ở góc vườn sừng sững một cây mộc lan với chòm lá xum xuê, xanh thẫm, lơ thơ điểm hoa màu trắng sữa. Cạnh thân cây mộc lan là một chiếc ghế gỗ thô sơ. Môngtaneli ngồi xuống chiếc ghế ấy.

Áctơ học triết học ở trường đại học. Hôm ấy gặp một đoạn khó trong sách, anh đến xin cha giảng giúp. Tuy Áctơ không học ở trường dòng song đối với anh Môngtaneli là cả một pho từ

điển bách khoa.

Khi nghe cha giảng xong những đoạn khó hiểu, Áctơ nói:

- Thôi, xin phép cha, con về thôi. Chẳng hay cha còn có điều gì cần đến con không?

- Thôi, cha không làm việc nữa đâu. Nếu con có thì giờ thì ở lại với cha một chút.

- Tất nhiên con có thì giờ!

Áctơ tựa lung vào thân cây, và qua đám cành lá um tùm anh ngắm nhìn những vì sao đầu tiên run rẩy trong bầu trời yên tĩnh và sâu thẳm. Dưới hàng mi đen, đôi mắt xanh biếc của anh mơ màng và bí ẩn. Đôi mắt ấy là di sản của bà mẹ người miền Coócuên (8). Môngtaneli quay mặt đi để tránh phải nhìn đôi mắt ấy.

Môngtaneli nói:

- Sao con có vẻ mệt mỏi thế, carino?

- Biết làm sao được, thưa cha.

Môngtaneli cảm thấy ngay vẻ mệt mỏi chứa chất trong giọng nói của Áctơ.

- Con vội vào đại học như thế làm gì, hở con? Thời gian chăm sóc mẹ con ốm và những đêm không ngủ đã làm con kiệt sức. Lẽ ra cha phải bắt con nghỉ ngơi đầy đủ rồi mới rời khỏi Livoócnô (9).

- Nghỉ làm gì thưa cha? Sau khi mẹ con mất đi, con không thể nào ở lại ngôi nhà thảm hại đó được. Giuli làm cho con phát điên mất.

Giuli là vợ người anh cả cùng bố khác mẹ và từ lâu đối với Áctơ là một chiếc gai nhọn.

Môngtaneli nói:

- Cha cũng không muốn con ở với anh em bà con đâu. Cha biết điều đó làm con rất đau lòng. Nhưng sao con không nhận lời mời của người bạn bác sĩ người Anh, đến đó chơi một tháng rồi hãy về học?

- Không, thưa cha! Con cũng chẳng muốn thế. Gia đình nhà Uaren tuy đối xử tốt và thân tình, nhưng họ cũng không sao hiểu được con. Họ có vẻ thương hại con. Trông mặt họ cũng đủ biết. Đến đấy họ sẽ lại khuyên dỗ, lại nhắc đến mẹ... Giêma thì chắc chắn không thế đâu. Giêma bao giờ cũng cảm thấy được chuyện gì là không nên nhắc tới. Ngay từ lúc chúng con còn bé, Giêma đã thế rồi. Còn những người khác thì không được như vậy đâu. Nhưng cũng chẳng phải vì thế mà thôi...

- Vậy còn vì sao nữa, con của cha?

Áctơ ngắt mấy bông hoa trên cành mao địa hoàng lả ngọn, và bực bội vò nát trong tay.

Sau giây lát yên lặng, Áctơ nói tiếp:

- Sống trong thành phố đó, con không sao chịu nổi nữa. Con không muốn nhìn thấy những cửa hàng xưa kia mẹ con đã đến mua đồ chơi cho con và cả con đường bờ sông mà con vẫn đưa mẹ con đi chơi khi mẹ con chưa ốm nặng. Đi đến đâu cũng gặp cảnh như vậy. Các cô gái bán hoa trong chợ lại cứ mời con mua hoa như xưa... Họ tưởng đâu bây giờ con vẫn cần mua hoa thì phải? Rồi cả khu nghĩa trang nữa... Không, con nhất định phải rời khỏi thành phố đó! Nhìn thấy cảnh cũ con đau lòng lắm.

Áctơ nín lặng. Anh ngồi, tay xé nhỏ từng chiếc chuông nhỏ trên nhánh hoa mao địa hoàng. Phút im lặng kéo dài nặng trịch khiến Áctơ phải đưa mắt nhìn cha, không hiểu sao cha lại không trả lời. Bóng chiều dần tắt dưới những cành mộc lan. Mọi vật đều trở nên u ám mơ hồ, nhưng ánh sáng vẫn chưa đủ để trông thấy bộ mặt trắng bệch như da người chết của Môngtaneli. Môngtaneli ngồi, đầu cúi gục, tay phải nắm lấy mép ghế, Áctơ quay mặt đi. Anh cảm thấy lạ lùng và kinh hãi, dường như đã vô tình lọt vào nơi đất thánh vậy.

Áctơ thầm nghĩ:

“Trời ơi! Sao so với cha thì ta bé nhỏ, yếu hèn và ích kỷ đến thế! Nếu nỗi khổ của ta không phải là nỗi khổ của cha thì cha đâu đến nỗi cảm thương đến như vây”.

Môngtaneli ngẩng đầu nhìn xung quanh rồi âu yếm nói:

- Thôi, bây giờ cha không ép con phải trở về đấy nữa. Nhưng con phải hứa với cha rằng dịp nghỉ hè này con sẽ nghỉ ngơi thực sự, mà nghỉ ở nơi nào xa Livoócnô thì tốt hơn. Cha không muốn để con hao phí sức khoẻ.

- Trường dòng đóng cửa nghỉ thì cha đi đâu, thưa cha?

- Cũng như mọi lần, cha sẽ dẫn học sinh lên nghỉ trên núi. Cha phó giám đốc đi nghỉ mát đến trung tuần tháng tám sẽ về. Lúc ấy cha sẽ đi du ngoạn trên dãy núi Anpơ. Ừ nhỉ! Hay là con đi với cha? Cha sẽ đưa con đi rong chơi trong núi sâu và con sẽ có dịp tìm hiểu các loài rêu trên núi Anpơ. Nhưng cha chỉ sợ đi với cha con sẽ chán thôi.

- Thưa cha! – Áctơ nắm chặt tay. Thói quen ấy Giuli gọi là “cái lối kiểu cách của người ngoại quốc” – Con có thể từ bỏ mọi thứ trên đời này để đi với cha! Nhưng con không tin rằng...

Áctơ ngưng bặt.

- Con sợ anh Bớctơn không cho phép con đi chăng?

- Tất nhiên anh sẽ không hài lòng nhưng anh không cản được con và cha. Con đã mười tám tuổi đầu, con muốn làm gì con làm. Hơn nữa anh ấy với con chỉ là anh em khác mẹ, con không nhất thiết phải phục tùng anh ta. Đối với mẹ con, anh ấy bao giờ cũng tỏ ra không tốt.

- Nhưng dù sao nếu anh Bớctơn không thuận thì cha thiết tưởng con nên nhịn là hơn. Tình cảnh của con trong gia đình có thế khó xử hơn nhiều nếu...

- Khó xử hơn ư? Chưa chắc! – Áctơ nóng nảy ngắt lời – Họ đã ghét con thì dù con làm gì đi nữa họ cũng vẫn ghét. Vả lại, con đi với cha... là cha linh hồn của con thì anh ấy phản đối sao được?

- Con nên nhớ rằng anh ấy theo đạo Tin lành! Cứ nên viết thư hỏi anh ấy thì hơn. Xem anh ấy trả lời ra sao. Đừng nóng vội con ạ! Thái độ của ta đối với mọi người không thể chỉ vì rằng người yêu ta hoặc ghét ta.

Lời thuyết phục ấy thốt ra một cách nhẹ nhàng đến nỗi nghe xong Áctơ đỏ mặt. Anh thở dài đáp:

- Vâng, con biết. Nhưng làm được như vậy thật là khó.

- Cha rất tiếc là thứ ba vừa qua con đã không đến được – Môngtaneli đột nhiên lảng sang chuyện khác – Cha định đẻ con biết mặt đức giám mục từ Arétxô (10) đến.

- Hôm đó con đã trót hứa đến chơi nhà một người bạn học. Ở đấy có cuộc họp, mọi người đều đợi con.

- Họp gi?

Áctơ dưòng như luống cuống vì câu hỏi đó.

- Có lẽ... có lẽ, gọi là cuộc họp thì không đúng – Áctơ có phần lúng túng – Một sinh viên ở Giênôva (11) đến diễn thuyết. Gọi là nghe nói chuyện thì đúng hơn.

- Nói chuyện về vấn đề gì?

Áctơ do dự:

- Cha. cha đừng hỏi tên người đó nhé! Vì con đã hứa...

- Thôi cha cũng chẳng hỏi gì thêm. Nếu con đã hứa là phải giữ bí mật thì đừng nên nói. Nhưng cha thiết tưởng đến nay hầu như con có thể tin cha.

- Tất nhiên là con tin, thưa cha. Ngưòi ấy nói về... chúng con và nhiệm vụ chúng con trước nhân dân, nói về nghĩa vụ của chúng con trước nhân dân... và trước bản thân mình. Và nói về vấn đề chúng ta phải làm gì để phụng sự...

- Phụng sự ai? Cho ai?

- Nhân dân (12) và...
- Và?

- Nước Ý.

Một hồi im lặng kéo dài.

Rồi Môngtaneli quay lại về phía Áctơ và hết sức nghiêm giọng hỏi:

- Áctơ, con nói cho cha hay. Con nghĩ đến điều đó từ hồi nào?

- Từ mùa đông vừa qua.

- Trước khi mẹ con mất ư? Và mẹ con có biết không?

- Không. Lúc đó con chưa nghĩ tới.

- Thế bây giờ?

Áctơ ngắt thêm một nắm chuông hoa mao địa hoàng. Mắt nhìn xuống đất anh bắt đầu kể:

- Thưa cha, sự việc xảy ra đầu đuôi như thế này: Mùa thu năm ngoái con chuẩn bị thi vào đại học. Chắc cha còn nhớ lúc ấy con có quen với nhiều bạn học. Trong bọn họ có một vài người nói với con tất cả những chuyện trên... Họ cho con mượn cả sách. Nhưng lúc bấy giờ con chưa để ý. Con chỉ vội về để trông mẹ. Lúc ấy tình cảnh của mẹ ở Livoócnô thật là cô đơn! Nhà y như nhà tù vậy. Chỉ một miệng lưỡi của Giuli cũng đủ giết chết mẹ con rồi. Kế đến mùa đông khi mẹ con bắt đầu ốm nặng thì con cũng chẳng nhớ gì đến bạn bè và những cuốn sách họ đưa cho con. Và chắc cha cũng biết là con không hề bước chân vào thành Pidơ nữa. Lúc ấy con nghĩ tới những vấn đề trên thì con đã kể cho mẹ nghe rồi. Nhưng quả thực là nó biến đi đâu mất cả. Sau, con biết là mẹ con sắp chết... Chắc cha cũng biết là con không rời mẹ con cho tới phút chót, lúc mẹ con qua đời con cứ thức thâu đêm bên giường bệnh. Tới sáng Giêma đến con mới đi ngủ... Chính trong những đêm trường đó con bắt đầu suy nghĩ tới những điều mình đã đọc và những điều bạn học nói với con. Con cố gắng tìm xem họ nói có đúng không... Con nghĩ: Thế thì đối với những điều Đức chúa Giêsu sẽ nói như thế nào?

- Con có cầu xin Chúa không? – Giọng nói của Môngtaneli có phần run rẩy.

- Thưa cha, con luôn luôn cầu xin Chúa. Con đã cầu xin Chúa chỉ dẫn cho con hoặc cho con

chết theo với mẹ... nhưng con không được Chúa phán bảo.

- Áctơ, vậy mà con không cho cha hay! Còn cha thì cha cứ tưởng con tin cha!

- Thưa cha, chắc cha cũng biết là con tin cha. Nhưng có những điều con không thể thổ lộ với ai được. Con có cảm tưởng rằng về việc này cả cha và mẹ con đều không thể nào giúp đỡ con được. Con muốn được nghe lời phán truyền trực tiếp của Chúa. Vì cả sinh mệnh của con, cả linh hồn con sống thác đều là ở đó.

Môngtaneli quay mặt đi và chăm chú nhìn vào bóng tối dày đặc bao trùm lên rạng mộc lan. Hoàng hôn quá âm u làm cho thân hình Môngtaneli biến thành một bóng ma đen xịt giữa những cành lá tối om.

Môngtaneli chậm rãi hỏi:

- Rồi sau thế nào?

- Rồi sau... mẹ con chết. Chắc cha cũng biết là ba đêm cuối cùng con không hề rời xa mẹ con.

Áctơ ngừng nói nhưng Môngtaneli vẫn ngồi im không nhúc nhích.

- Hai ngày trước khi an táng mẹ con, con không nghĩ được gì cả, – Áctơ khe khẽ nói tiếp – Rồi sau khi an táng xong con ốm. Chấc cha còn nhớ là con không đến xưng tội được!

- Phải, cha còn nhớ.

- Đêm hôm ấy con trở dậy và vào buồng mẹ con. Thật là trống trải. Chỉ có một cây thánh giá to trên bàn thờ. Con có cảm giác rằng đêm nay Chúa sẽ giúp đỡ con. Con quỳ xuống và đợi thâu đêm. Đến sáng khi con hồi tỉnh thì... Không, thưa cha! Những điều đã thấy con cũng không thể cắt nghĩa mà cũng không thể kể cho cha nghe được. Chính con cũng không biết nữa. Nhưng con chỉ biết rằng Chúa đã phán truyền cho con. Và con không thể làm trái ý Chúa được.

Họ ngồi mấy phút im lặng trong đêm tối; sau đó Môngtaneli quay lại về phía Áctơ và đặt tay lên vai anh:

- Con của cha! Cha không được phép nói rằng Chúa không phán truyền cho linh hồn con. Nhưng con phải nhớ rõ tâm trạng của con lúc ấy thế nào, và đừng lẫn lộn ảo tưởng do đau thương và ốm yếu của mình với lời kêu gọi cao cả của Chúa. Nếu thực sự là Chúa đã phán truyền thánh ý của người cho con trong khi sự chết đang đến nhà con, thì con hãy nghĩ để khỏi hiểu sai lời Chúa. Tiếng gọi của lòng con xui con đến chỗ nào?

Áctơ đứng dậy và trả lời một cách nghiêm trang như khi đọc kinh thánh:

- Hiến dâng đời mình cho nước Ý, giải phóng nước Ý khỏi cảnh nô lệ lầm than, đánh đuổi người Áo, lập nên một nước cộng hòa tự do mà không kẻ nào ngự trị được ngoài Chúa Giêsu!

- Áctơ, hãy suy nghĩ một chút những lời con nói! Con đâu có phải là người Ý!

- Điều đó không can hệ gì. Dù sao con cũng vẫn là con, con đã hiểu rõ sự nghiệp đó, và đã là một con người của sự nghiệp đó.

Lại một hồi im lặng.

- Con vừa nói rằng đức Chúa Giêsu đã dạy... – Môngtaneli chậm rãi nói.

Nhưng Áctơ không để cho Môngtaneli dứt lời:

- Đức Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Kẻ nào vì ta hãy hy sinh sự sống của mình, kẻ ấy giữ được sự sống đời đời!”

Môngtaneli tựa khuỷu tay vào cành mộc lan, bàn tay che lấy đôi mắt. Cuối cùng, ông nói:

- Con của cha, hãy ngồi lại một chút đã.

Áctơ ngồi xuống ghế dài và Môngtaneli nắm chặt lấy đôi tay anh. Ông nói:

- Hôm nay cha chưa có thể tranh luận với con được. Sự việc xảy ra đột ngột quá... cha chưa kịp suy nghĩ. Sau này chúng ta sẽ nói chuyện với nhau rõ ràng hơn. Nhưng lúc này cha chỉ xin con ghi nhớ một điều là: Nếu con gặp tai nạn, nếu con... chết đi thì lòng cha sẽ tan nát.

- Cha!

- Con đừng ngắt lời cha, để cha nói cho cạn đã, có lần cha đã nói với con là ngoài con ra trên thế gian này cha chẳng còn có ai nữa. Chưa chắc con đã hiểu hết được lời cha nói. Điều đó đối với con rất khó hiểu, con còn trẻ lắm. Ví thử cha bằng tuổi con thì cha cũng không hiểu nổi. Áctơ, cha coi con như... như con đẻ của cha. Hiểu không con? Con là hy vọng của lòng cha! Cha sẵn sàng chết để giữ cho con khỏi lạc bước, vì nếu lạc bước thì sinh mệnh của con sẽ tan vỡ! Nhưng cha không làm gì được cả. Cha không bắt con phải hứa với cha. Cha chỉ xin con: Hãy nhớ lời cha và phải thận trọng. Trước khi quyết định một việc gì quan trọng, con hãy đắn đo cho kĩ. Hãy để linh hồn mẹ con được yên vui trên thiên đàng và hãy vì cha.

- Vâng, thưa cha, con sẽ suy nghĩ... còn cha… cha... hãy cầu nguyện cho con và cho nước Ý.

Áctơ lặng lẽ quỳ xuống. Môngtaneli cũng lặng lẽ đặt tay lên mái đầu cúi gục. Một lát sau, Áctơ đứng dậy, hôn tay linh mục và êm ái bước đi trên thảm cỏ đầy sương. Môngtaneli vò võ ngồi dưới gốc mộc lan, đăm đắm nhìn vào bóng tối trước mặt.

Môngtaneli nghĩ:

“Đó là Chúa đã trừng phạt ta như đã trừng phạt vua Đa-vít (13). Ta đã làm ô danh Chúa, ta đã làm phép mình thánh bằng đôi tay ô uế. Lòng nhẫn nại của Đức Chúa Trời rất cao cả, nhưng đã đến lúc Chúa không nhẫn nại được nữa rồi. “Mày đã làm điều đó một cách thầm vụng, còn tao sẽ làm sự này trước toàn dân Israel và trước mặt trời. Vì thế, đứa con trai sinh ra cho mày nhất định sẽ chết” (14)”

Chú thích:

(1) Trường dòng thánh Pidơ: trường đào tạo các linh mục và các nhà truyền đạo do Toà thánh La mã lập ra ở Pidơ, một trung tâm văn hoá lớn ở Ý.

(2) Carino (tiếng Ý) nghĩa là “con thân yêu”. Tác giả muốn nhấn mạnh Môngtaneli là người Ý.

(3) Nguyên văn tiếng Ý: Padre, nghĩa là cha cố.

(4) Nguyên văn tiếng Ý: “Fragola! Fragola!”

(5) Một sự tích trong Kinh Thánh về việc chúa Giêsu làm phép chữa bệnh hủi.

(6) Ý nói những năm ba mươi của thế kỉ mười chín (1830 – 1840).

(7) Dòng thánh Đôminích (Dominique, còn gọi là thánh Đaminh) là dòng tu lấy tên thánh Đôminích, một dòng tu của Thiên chúa giáo, được lập ra năm 1215.

(8) Coócuên: một quận ở tây nam nước Anh, dân ở đó thuộc giống người Xentơ, thường là mắt xanh tóc sẫm.

(9) Livoócnô: một hải cảng lớn của nước Ý, gần thành Pidơ.

(10) Arétxô: một thị trấn ở Tôxcan.

(11) Giênôva: một thành phố cảng lớn ở bắc Ý, nằm trên bờ Địa Trung Hải.

(12) Nguyên văn tiếng Ý “contadini”, nghĩa là nông dân.

(13) Vua Đavít, một nhân vật trong kinh thánh, vua nước Israel, đã bị Chúa trời quở phạt vì đã phản bội một trong những tướng lĩnh của mình, lấy vợ người đó.

(14) Một đoạn trong Kinh Thánh: lời của Chúa trời quở phạt Đavít.

Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

 “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...