Một tháng ở Nam kỳ
Chương 1: Phần I
Làm trai đã đáng nền trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
Cứ theo lời ca dao đó thì tôi đây có lẽ cũng đã đủ tư cách làm một “nền trai” đất Nam Việt vậy. Mùa xuân năm nay đã trải qua mười ngày ở Huế, mùa thu này lại từng ở một tháng Nam Kỳ,... không kể trong ngoại hai mươi năm trời đã sinh trưởng ở chốn Thăng Long đô cũ, trong khoảng sông Nhị núi Nùng; nếu có thế mà đủ làm trai Nam Việt, thì tôi đây thật đã thập phần xứng đáng rồi. Nhưng mà đoái nghĩ: nghề làm trai ở đời, nhất là làm trai nước Nam này, há phải dung dị lắm rư? Lời ca dao kia há có thiển nghĩa thế ru? Ôi! Đương buổi Quốc Triều gây dựng cơ đồ, đánh nam dẹp bắc, thiếu gì những kẻ tang bồng hồ thỉ, chí khí nam nhi, nay tòng quân ở Thuận Hóa, mai viễn thú đất Đồng Nai, vào sinh ra tử chốn sa tràng, mong lập công danh cùng xã tắc: lời ca dao kia là tả cái chí của những bậc vô danh anh hùng đó, chớ có đâu lại hợp với cái cảnh một kẻ thư sinh nhỏ mọn như bỉ nhân đây, thừa lúc trong nước còn hiếm người mới ra lạm một phần ngôn luận với quốc dân, nghĩ mình lắm lúc đã thẹn thay, có đâu lại mê cuồng đến đem lời khen của cổ nhân mà tự gán cho mình!...
Song Đi cho biết đó biết đây Ở nhà với mẹ đến ngày nào khôn. ca dao cũng lại có câu như thế, thì tuy ở Huế mười ngày, Nam Kỳ một tháng, chưa đủ làm được “nền trai” Nam Việt, mà cũng đủ học “khôn” được ít nhiều. Huống tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương; như thế thì mấy phen du lịch cũng là mấy lần đi học cho biết cái nghề làm trai nước nhà vậy.
Lần trước đã từng thuật những sự tư tưởng cảm giác ở Trường An, lần này lại xin kể những sự kinh lịch kiến văn ở Lục Tỉnh; không phải là muốn khoe với ai cái văn chương sốc nổi, chỉ muốn đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân, hoặc lòng nhiệt thành có người cảm, lời bàn ngay có kẻ nghe, ấy là mãn nguyện vậy.
Nhưng trước khi kể chuyện Nam Kỳ, tưởng nên giải qua cái tính cách hai cuộc du lịch trước sau khác nhau thế nào. Lần trước là đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nỗi cố hương; nghe tiếng chim kêu trên bãi cát mà nỗi thương nước nhớ nhà không thể cầm được, ngắm bức phong cảnh chốn tôn lăng mà lòng cảm hoài về lịch sử như chan như chứa; bao nhiêu những giọng ngậm ngùi ai oán thủa bình sinh không ngờ mà lâm li trên tờ giấy, khiến người đọc cũng phải lạnh lẽo trong lòng. Đương buổi thế giới cấp tiến, người đời xô đuổi nhau vào con đường tương lai vô hạn, quay đầu lại nhìn về đời trước, còn gì buồn bằng! Lần này thì thật khác: cái khí vị lạnh lẽo kia đã đổi ra cái khí vị nồng nàn rồi. Nam Kỳ là một nơi đất mới, mới đủ đường: địa chất, lịch sử, văn hóa đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường tiến thủ, muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những nỗi thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn. Đất cũng không từng có những dấu vết cũ, như tòa thành cổ, góc miếu xưa, đủ nhắc cho người ta tấm lòng nhớ cũ, mà chỉ mênh mang những đồng rộng không cùng, sức người mở mang không xuể. Lại thêm Tạo vật đãi người quá hậu, cho cái đất kia phì nhiêu có một, cách làm ăn không khó nhọc mà đường sinh hoạt được thảnh thơi; tiền bạc đã nhiều, tiêu dùng càng lắm, đời người như lấy sự khoái lạc làm cái mục đích không hai. Khoái lạc lại khoái lạc mà suốt năm như bữa tiệc một ngày! Cho nên cái cảm giác của người mới bước chân tới đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng.
Ấy hai cuộc du lịch khác nhau như thế, lời kỷ thuật tất cũng không in một giọng. Đó là một lẽ tự nhiên, không lấy gì làm lạ. Song sự vui sự buồn tuy gốc tự lòng người mà thực bởi cảnh vật khiến nên. Hoặc giả có kẻ nói có biết nghĩ mới biết buồn, muốn vui ắt phải vô tâm, thì lỗi ấy tác giả cũng xin nhận một phần, mà cảnh vật xứ Nam Kỳ mới thật là đáng quá nửa vậy.
Từ Hà Nội vào Sài Gòn muốn đi đường thủy hay đường bộ cũng được. Nhưng đường bộ đi bằng xe hơi mới giao thông được ít lây nay, vừa khó nhọc và vừa có khi nguy hiểm nữa. Vì con đường quan lộ về địa phận Trung Kỳ, nhất là từ Huế trở vào, còn xấu lắm, lại lắm chỗ cách sông cách núi, thật là chưa tiện cho xe đi lại. Hoặc có những người hiếu kỳ mới đi bằng xe hơi tự Hà Nội về Sài Gòn như thế, là muốn cho mới lạ, chớ thực chưa phải là một cách tiện lợi cho hành khách Bắc Nam. Hiện bây giờ xe hơi dùng chở thơ nhiều hơn là chở khách. Sau này bao giờ đường xe lửa chạy suốt Đông Dương làm xong thì bấy giờ sự giao thông xứ Bắc với Nam bằng đường bộ mới thật là tiện lợi. Hiện nay vẫn chỉ có đường bể là hơn. Chỉ ngặt từ khi có chiến tranh, phần nhiều các tàu bể bị Nhà nước thu để dùng về việc quốc phòng bên Âu châu, ở đây thường thiếu tàu đi lại, sự giao thông có chậm trễ hơn xưa. Vài tháng mới có một chuyến tàu lớn ở Tây đáp sang, còn chạy thường chỉ có vài chiếc nhỏ, khi xuống Tân Gia Ba, khi lên Hương Cảng, đi lại không kỳ, hành khách thường phải chờ đợi đầy tuần. Bắc Kỳ ta có công ti Bạch Thái Bưởi có tàu đi bể được, nếu đủ sức mà đặt được một đường Hải Phòng - Sài Gòn thì đương buổi hiếm tàu này chắc là chóng phát đạt lắm. Các nhà buôn ta trong Nam ngoài Bắc đều ước ao như thế cả.
Hồi sửa soạn đi Nam Kỳ vừa gặp có chuyến tàu lớn ở Nhật Bản về. Tàu hiệu Porthos của công ty Hằng hải Á Đông (Cie des Messageries maritimes), vừa to, vừa mau, các chiếc khác đi Hải Phòng - Sài Gòn phải năm ngày năm đêm, chiếc này đi chỉ đầy ba đêm hai ngày.
Được tin có tàu, vội vàng đi xe lửa xuống Hải Phòng. Bữa ấy là ngày 21 tháng tám tây, tức là rằm tháng bảy ta. Sông Nhị Hà đương lên, tin báo lụt đã thấy truyền lại nhiều nơi. Ngồi trong xe lửa trông ra có chỗ mênh mang những nước. Thôi, cái nạn lớn hằng năm năm nay cũng lại không tha cho dân xứ Bắc! Trước khi tạm biệt đất Bắc Kỳ, nhìn lại cái cảnh nước bùn trời nặng kia mà thương thay cho bọn nông dân xứ Bắc mình, thật là cất đầu không nổi với ông Thủy vương cay nghiệt! Khi tới Nam Kỳ, thấy đồng bào ta trong Lục Tỉnh cách làm ăn dễ dãi như thế, nghĩ đến đường sinh nhai eo hẹp của người mình, cái lòng thương anh em nơi cố quận lại càng thiết tha lắm nữa.
Tới Hải Phòng được tin đích rằng 3 giờ trưa ngày mai là ngày 22 tàu mới cất neo ra bến. Vậy còn phải đợi một ngày nữa, muốn nhân dịp sang chơi qua bên Kiến An. Đi xe tay mất hơn một giờ, phải qua một cái đò ngang. Kiến An là một tỉnh mới, trước thuộc Hải Dương, nay gồm mấy phủ huyện quanh thành phố Hải Phòng. Tuy Kiến An đối với Hải Phòng cũng như Hà Đông đối với Hà Nội, mà tỉnh lỵ sơ sài, phố phường vắng vẻ, không có cái cơ phát đạt như Hà Đông. Lệ xưa nay, một tỉnh nhỏ ở cạnh nơi đô hội lớn thì cái sức sinh hoạt hình như bị thu rút cả vào nơi đô hội ấy: Kiến An đối với Hải Phòng cũng tức như vậy. Hà Đông có khác là vì Hà Đông ở chốn trung ương, tuy cũng bị Hà Nội át về đường buôn bán mà vẫn là nơi trung tâm của một miền quê giàu có đông đủ đệ nhất ở Bắc Kỳ. Cả Kiến An hình như núp ở dưới nhà Thiên văn đài Phù Liễn, xây trên cái đồi cao, nhìn xa như một cái thành lớn hám chế một địa phương. Khi sắp tới đã thấy đột ngột trước mắt, khi quay về còn thấy sừng sững sau lưng, mà tiếc trời đã về chiều, giời đã có hẹn, không thể lên xem tận nơi được, khiến cho đến nay cái hình ảnh nhà Thiên văn đài Kiến An vẫn còn phảng phất trong tưởng tượng vậy.
Buổi tối đi dạo chơi trong thành phố. Hải Phòng thật là đáng làm nơi đô hội thứ nhì xứ Bắc Kỳ. Về đường buôn bán hơn Hà Nội đã cố nhiên rồi, mà cái tương lai xem ra còn có thể bành trướng hơn chốn cổ đô mình nhiều. Hà Nội đã già quá, cũ quá rồi, cái sức phát đạt hình như có hạn, không thể ra ngoài được nữa. Chắc cái phong thể riêng không bao giờ mất hết được, cái nền nếp cũ rồi cũng vẫn còn, về đường học thức, về đường mỹ nghệ, về cách đàn điếm phong lưu, bao giờ cũng vẫn giữ được bậc nhất mà không đến nỗi phụ cái thanh danh cũ, cũng tức như cô con gái thế gia dù vào cảnh ngộ nào vẫn ra con người nền nếp. Nhưng về đường buôn bán, đường công nghệ, về cách làm ăn kiếm tiền, thì không sao tranh nổi với Hải Phòng được. Hải Phòng còn đương vào cái thời kỳ trai trẻ, chưa biết lớn đến đâu, thịnh đến đâu là cùng. Vả bởi cái địa thế làm nơi cửa bể chung cho cả Bắc Kỳ, hành khách đồ hàng đâu đâu cũng tất phải qua đấy, thì Hải Phòng lại hình như gồm được cả sự sinh hoạt của xứ Bắc Kỳ về đường kinh tế nữa.
Cho nên cái tương lai của Hải Phòng thật không thể lượng được vậy.
Mà đoái nghĩ cái thành phố lớn ấy, cái cửa bể to ấy, thành lập chưa đầy năm mươi năm trời. Trước kia chẳng qua là một xóm nhỏ ở gần bể, khi nước ta bắt đầu giao thông với Đại Pháp, Triều đình mới đặt một tòa Thương chánh để kiểm tra tàu bè cùng hàng hóa xuất nhập. Kế sau Đại Pháp sang bảo hộ, nhân đấy đặt nên cơ sở một nơi đô hội lớn, từ đó cứ mỗi ngày một phát đạt mãi lên, thực là bởi công Nhà nước Bảo hộ sáng tạo ra vậy. Có người làm sách đã nói: “Cửa bể Hải Phòng là tay người Đại Pháp tự không mà gây dựng nên, trên đống bùn lầy sông Cửa Cấm”, thực không phải là nói ngoa vậy.
Đường phố Hải Phòng phần nhiều rộng rãi hơn Hà Nội, nhà cửa đều đặn hơn, và thường làm theo một kiểu, không có cái cao cái thấp, cái ra cái vào như nhiều phố cũ ở tỉnh ta. Là bởi những đường phố nhà cửa ấy mới đặt mới làm cả, nên có thể nhất luật theo cách mới, coi rộng rãi thảnh thơi hơn. Buổi chiều, vào sáu giờ, nhất là ở đường Cầu Đất, là đường đi thẳng ra Đồ Sơn, xe ngựa xe hơi chạy lũ lượt không dứt, coi như cảnh tượng ngày hội: đó là xe của những nhà buôn to bán lớn trong thành phố, cả ngày làm việc nhọc mệt, kế lợi thương công, chiều đến ra hóng mát bờ bể. Các chú ở phố khách thì chiều đến cũng xô nhau vào ăn uống om sòm trong các nhà cao lâu: đó tức là cách giải trí của các chú. Mà người mình lắm người cả ngày không nhọc trí chút nào, tối đến cũng đua nhau mà giải trí như người! Bữa đó là tối ngày rầm tháng bảy, phố khách nhà nào nhà nấy đốt đèn nến, bày vàng mã ngay ngoài hè, khói hương nghi ngút, tàn lửa tơi bời, kẻ đi người lại tấp nập, tiếng hò tiếng hét om sòm. Sau này tới Nam Kỳ mỗi lần dạo chơi phố phường Chợ Lớn hay là dạo qua đường Chợ Cũ Chợ Mới Sài Gòn, lại sực nhớ đến cái cảnh tượng mấy phố khách ở Hải Phòng chiều hôm ấy. Nhưng cái “China họa” (le péril chinois) ở xứ Bắc mình tuy đã thâm lắm mà tỉ với Nam Kỳ còn chưa thấm vào đâu: Hải Phòng tức là Chợ Lớn Bắc Kỳ có 8.991 người Khách, mà Chợ Lớn Nam Kỳ có những 75.000 Khách với 4.873 người Minh Hương! Hà Nội có 3.377 người Khách với 825 người Minh Hương, mà Sài Gòn có những 22.079 người Khách với 677 người Minh Hương! Coi đó thì biết cái nguy cho xứ Nam Kỳ to là dường nào. Nhưng chưa tới Nam Kỳ đã nói chuyện Khách Nam Kỳ, thật là kỷ thuật không có thứ tự. Vậy xin để sau này sẽ nói tường hơn. Nay nhân nói về Khách Hải Phòng, chỉ muốn so sánh qua cái số người Tàu trong Nam ngoài Bắc, cho biết cái vạ China ở hai xứ hơn kém nhau thế nào . Song dù hơn, dù kém, dù ít, dù nhiều, cũng vẫn là một cái vạ lớn cho nước Nam mình, quốc dân ta nên sớm tỉnh ngộ mà mưu trừ đi, mới mong có ngày thu phục được mối thương quyền mà ra tranh đua trên thị trường thế giới.
Hai giờ trưa ngày 22 dọn đồ xuống tàu. Tàu to lớn thay! Thật như một cái thành thả trên mặt nước vậy. Bề dài ước một trăm rưởi thước tây, bề rộng ở giữa đến 25, 30 thước. Vào trong không quen như mê li, chẳng biết đường nào vào đường nào, phải có người dẫn mới tìm thấy buồng. Sau đi dạo qua một lượt các hạng các từng mới biết cách sắp đặt thật là khéo, thật là chỉnh tề, thật là có ngăn nắp mà rõ ra đâu vào đấy, nghĩ người nào vẽ ra cái qui mô ấy thật cũng tài thay. Có ba hạng, hạng tư là đi trên “boong”. Hạng nhất, nhì, ba đều có buồng ăn buồng ngủ, chỗ ngồi chơi chỉnh đốn lắm, mà hạng nhất thì thật là lịch sự: các buồng trang sức cực đẹp, đồ gỗ bóng lộn, pha lê trong suốt, mặt gương lấp loáng, màn đệm trắng bong, bồi khách ăn bận sạch sẽ, nhất loạt đầu trọc, áo trắng, quần táo tầu, hầu hạ rất có phép tắc, thật là nghiễm nhiên như một nhà khách sạn thượng hạng ở Hà Nội hay Sài Gòn vậy. Nghe nói chiếc Porthos này là vào hạng tàu lớn nhất đẹp nhất của công ty Hằng Hải Á Đông, cũng ngang với chiếc Athos bị trúng thủy lôi ở Địa Trung Hải năm trước. Nghĩ một chiếc tàu thôi ngôi vĩ đại như thế này mà không may phải đánh đắm thì thiệt hại biết bao nhiêu, bao nhiêu công mà bao nhiêu của! Từ ngày quân Đức khởi ra cái cách chiến tranh tối dã man, là dùng tàu ngầm mà đánh đắm những tàu buôn của địch quốc, các công ty hằng hải tổn hại cũng đã nhiều, mà bể Địa Trung Hải (Méditerranée) đã thành cái vực sâu nuốt mất bao nhiêu những con kềnh nghê bằng sắt bằng gỗ như chiếc Porthos này, lại thành cái mồ chung của mấy nghìn vạn kẻ vô cô chết vì tay oan nghiệt giống dã man. Cho nên đã lâu nay các tàu lớn về Tây chỉ đi đến Hồng Hải (Mer Rouge) mà thôi, tới đấy đã có tàu riêng nhận lấy đồ hàng lấy khách, rồi kèm thêm những tàu chiến, như khu trục hạm (croiseurs de chasse) ngư lô đĩnh (torpillenrs) mới dám đi vào Đại Trung Hải. Hoặc có tàu ngầm Đức thì những tàu chiến đi kèm ấy phải ra đuổi đánh. Nghe những người đi Tây thuật lại, thật cũng nguy hiểm thay. Nhưng mới rồi được tin chiếc Porthos đã đi tới Marseille trót lọt, không phải đậu ở cửa Hồng Hải, như thế thì biết gần đây cái hoạn tàu ngầm đã bớt đi nhiều và sự giao thông đã được dễ hơn mấy tháng trước. Nhưng cũng là cái triệu chứng rằng quân Đức đã kiệt lực, sắp đến ngày không còn sức đâu mà phạm ác với nhân loại được nữa.
Chuyến ấy có chở hơn hai nghìn lính mộ vẫn ở “Bãi Cháy” (Ile de la Table) chờ tàu về Tây đã mấy tháng nay. Tự sáng sớm đến quá trưa quân quan kiểm điểm cho lính xuống tàu, gần nơi bến tàu canh giữ nghiêm lắm. Đứng xa trông nhan nhản những người ăn bận đồ vàng, vai đeo chăn áo, tay sách nồi niêu, lũ lượt kéo đến dưới chân tàu, mà cái thang chỉ đi được người một, nối gót nhau trèo lên, coi xa như một cái chão lớn buộc tàu mà có người đứng trên từ từ kéo vậy. Mà cứ thế, trong mấy giờ đồng hồ, nhìn cũng vui mắt thật. Ấy có vài ba nghìn người mà thế, những khi tàu chở đến một quân đoàn mấy vạn người thì còn oai nghiêm đến thế nào! Khá khen thay là sức cái tàu kia, mạnh đến bao nhiêu mà coi vững như Thái Sơn, có bấy nhiêu người chớ giá tưởng cả bao nhiêu người trong phố phường này trút xuống cũng có thể dung được.
Đúng 3 giờ, tàu thổi hiệu cất cầu. Kẻ trên người dưới xôn xao: những bà con anh em xuống tiễn nhau, ai nấy tất tả chạy lên cho kịp, mà vừa đi vừa ngoảnh lại, nhìn mặt bắt tay một lần nữa. Những người đi gần, mươi lăm hôm, một vài tháng lại về, thì kẻ mừng nhau đi cho bình yên, người chúc nhau ở lại mạnh khỏe. Đến như những người biệt nhau mà chưa biết bao giờ lại gặp, nghĩ đến nông nỗi xa xôi, đường đi nguy hiểm, thì cái cảm tình lúc sau cùng ấy lời mừng lời chúc nào mà nói cho xiết được. Có kẻ nhịn khóc, có kẻ gượng cười, mà tưởng bấy giờ lắm người tấm lòng thổn thức khôn cầm. Lại đoái nghĩ đến mấy nghìn con người quê mùa mộc mạc kia, vị nghĩa quyên thân mà bỏ cửa bỏ nhà đi xa lần này là thứ nhất, tuy lúc bấy giờ vợ con xa, anh em vắng, không có kẻ đưa người tiễn như ai, mà trong lòng chắc cũng nao nao, cũng ngậm ngùi thương nhớ chốn quê hương.
Rồi mà phu tàu cất thang, trong tàu mở máy, kẻ ở người đi mới thật cách nhau từ đấy. Nay mới cách nhau có vài thước, mà rồi nữa cách nhau mấy nghìn mấy muôn dặm có khác gì. Cũng là không được gần nhau rồi, và chỉ trong mấy phút đây là không nhìn thấy mặt nhau nữa. Não nùng thay lúc phân kỳ! Nhân sinh thật không có cái lúc nào đáng nên thơ bằng.
Tàu từ từ quay mũi, rồi cứ xa dần mãi ra. Bẩy giờ mới đến cái lúc phất khăn mặt là đoạn tương biệt sau cùng. Trên tàu dưới bến phấp phới những mảnh vải lụa, cái xanh, cái trắng, cái hồng như đàn bươm bướm bay. Bay mà không tiến được thước nào, bay mà không tới được gần nhau, càng bay lại càng xa, cho đến lúc không trông rõ người nữa.
Tàu đã ra đến ngoài cửa Cấm, đến chỗ nước xanh nước đỏ giao nhau. Tới ngang bãi Đồ Sơn thì trời vừa tối. Gió chiều thổi lộng bốn bề, giải cơn phiền nhiệt lúc ban ngày, mà mát mẻ tấm lòng người viễn khách. Ai nấy sửa soạn buồng the, kiểm điểm hành lý, đành lòng rằng đã gửi thân vào chiếc bách vững vàng; trong mấy ngày mấy đêm phó mặc cho bể khơi sóng biếc. Chợt nghe tiếng chuông, là hiệu ăn bữa tối. Các hành khách đều ra buồng ăn, đèn điện thắp sáng choang, đĩa cốc bày la liệt. n cơm xong, ai nấy đóng cửa phòng, lên trên boong hóng mát. Bấy giờ trăng vừa mọc, - bữa đó là ngày 16 tháng 7 ta, - trước còn ngậm nửa vành dưới nước, áng chiếu một góc trời, sau từ từ cao dần lên, tuy không được sáng tỏ lắm mà cũng không mờ, đủ biến mặt bể thành một áng thủy tinh lấp loáng. Tàu thật là rẽ sóng mà đi: nước bị gạt ra hai bên xa ước vài mươi thước, rồi gặp sóng xô, lại cuốn trở lại, bắn bọt lên trắng xóa. Cứ đẩy ra xô vào như thế đều đặn, tưởng không sai một ly một tấc nào, tưởng như cái bọt mỗi lần bắn lên rơi xuống ấy lần nào cũng đúng bấy nhiêu giọt vậy. Ấy là lúc trời bể bình tĩnh, trên trăng sáng dưới sông êm, mới được thế, chớ những khi phong ba bão táp, trời tối nước đen, thì cái cảnh tượng lại khác nhiều.
Chuyến đi này thật là sóng gió êm đềm, ngồi trong tàu không biết rằng tàu có chuyển động, cũng là một sự may vậy. Chẳng bù với chuyến về, phải một ngày một đêm lắc lư điên đảo, đầu lao đao, ruột xôn xao, thật cũng khổ thay! Là vì trong tuần tháng bảy, bể còn yên lặng, từ tháng chín tháng mười trở đi mới bắt đầu có sóng gió.
Đêm đã khuya, trăng đã tà, gió đã lạnh, mới xuống phòng nằm nghỉ. Trong tàu bấy giờ đã vắng kẻ đi người lại, lắng tai nghe như có tiếng rền rĩ âm thầm tự đâu dưới đáy bể đưa lên, lại có lúc như tiếng diều sáo kêu tự đâu trên mấy từng mây vẳng xuống: vo vo ve ve, hu hu hi hi, văng vẳng xa nghe như não như nùng, như ai như oán, như mấy muôn vàn cái oan hồn vừa than vừa khóc trong khoảng trời nước mênh mông. Đêm khuya thanh vắng, nghĩ mà rùng mình, tưởng tượng như đó là oan hồn của những kẻ tử trận bên Âu châu, thừa lúc đêm đã gần tàn, trời sắp sáng, thoát li chốn chiến trường hôi hám mà bay bổng trong khoảng rộng thanh cao thân ngâm nỗi biệt ly sinh tử mà kinh hoàng giấc mộng tàn của lũ người đời say tỉnh... Nhưng nghe kỹ mới biết rằng đêm đã khuya, nằm chưa ngủ, tinh thần mệt nhọc mà cuồng tư loạn tưởng đó mà thôi: cái tiếng vo vo ve ve, hu hu hi hi kia chẳng qua là tiếng gió thổi qua những ống thông hơi thông gió ở xung quanh tàu, ban ngày tiếng người xôn xao nghe không rõ, đêm khuya thanh vắng mới như văng vẳng bên tai. Cho hay không gì vô bằng bằng cái tư tưởng của người ta! Mà cũng không gì huyền diệu bằng!...
Mấy bữa sau trời vẫn bình tĩnh như vậy. Ngày tuy có nóng mà gió bể làm ra ấm áp, đêm thì gió mát trăng thanh. Trừ buổi ngủ buổi ăn, còn các giờ khác ở luôn trên boong, hoặc đi bách bộ, hoặc bắc cái ghế dài ngồi đọc sách, hoặc đứng giờ lâu nhìn mặt trăng soi làn sóng, trước mặt là bể khơi vô hạn, sau lưng là dẫy núi Trung Kỳ. Có lúc chợt quay lại, thấy một đám đèn lửa xa xa, lốm đốm như sao sa: tàu bấy giờ vừa đi ngang tỉnh Quảng Ngãi. Nghe người ta nói nếu đi ban ngày mà đi gần bờ thì thấy cái nhà mát của quan cố quận công Nguyễn Thân, xây ngay trên núi, nhìn ra ngoài bể. Nhưng bữa đi vào đêm mà lại xa bờ, đến hồi về thì tới ngang Bình Định trời trở gió, tàu lắc lư, người lảo đảo, nằm rí trong buồng, không cất đầu nổi, còn ra ngắm phong cảnh sao được! Mới biết sự đời không cái gì là chắc, tổng thị là một mớ ngẫu nhiên: ngẫu nhiên mà biết cảnh này, ngẫu nhiên mà gặp người kia, chớ có rắp mà không được, đừng có hẹn mà sai nhau, tấm thân trong trời đất đã như chiếc bách ở giữa dòng, thời trôi dạt vào đâu là hay đó, đừng có nói tiền định, đừng có nói thiên duyên, đừng có cậy ở câu Nhân định thắng thiên mà làm. Răn thay những kẻ cơ quyền... Tàu đi cả thảy hai ngày rưỡi ba đêm, đường đi tới hơn một ngàn rưởi cây lô mét. Tang tảng sáng ngày thứ tư đã vào tới cửa Sài Gòn. Đi qua “Vũng Tàu” (Cap Saint-Jacques) vào hồi quá nửa đêm, nên không được trông rõ phong cảnh một nơi hiểm yếu có tiếng của Đông Dương ta. Đến khi trở về sẽ được hết sức ngắm kỹ. Nay thế là đã tới đất Nam Kỳ rồi. Sài Gòn cách bể những 60 cây lô mét, nên tự cửa Cần Giờ vào, đi ngược con sông Sài Gòn, còn phải mất mấy giờ đồng hồ. 7 giờ sáng thì tàu vừa ghé bến. Trông dưới bến đã thấy nhan nhản những người ra đón anh em bà con sắp ở tàu xuống. Quan cảnh sát lên kiểm giấy thông hành, ước một khắc đồng hồ thì cu li mỗi đứa cái thẻ đồng ở tay ồ vào tranh nhau khiêng đồ hành lý. Tuy vậy coi còn nghiêm hơn cu li Hải Phòng, vì bọn đó chừng có pháp luật riêng phải theo, không dám làm nhũng.