Chương 3: Phần III
Gần Sài Gòn có tỉnh lỵ Gia Định, cách đô thành một cây lô mét. Có con đường lớn đi vòng quanh, hồi xưa những người Tây ở Sài Gòn lấy làm chỗ đi chơi mát buổi chiều vui lắm, tức như con đường đê Parraud (đường trường thi ngựa) ở Hà Nội vậy. Nay có con đường xe lửa nhỏ, qua Gia Định, Gò Vấp, tới Hóc Môn. Đất Gia Định là đất cổ nhất ở Nam Kỳ, có quan hệ với lịch sử Bản Triều nhiều lắm. Khi Bản Triều mới khai thác xứ Nam dựng cơ sở ở đấy. Rồi sau Đức Cao Hoàng ta hưng đế nghiệp, đánh Tây Sơn, đặt Nam trấn, cũng ở đó. Cho nên trước kia cái tên Gia Định thường dùng để chỉ chung cả đất Nam Kỳ vậy.
Nay Gia Định còn có hai cái cổ tích có tiếng, là nơi “Lăng Ông” và nơi “Lăng Cha Cả”. “Lăng Ông” tức là mộ quan Tả quân Lê Văn Duyệt, “Lăng ChaCả” tức là mộ cụ Giám mục Bách Đa Lộc (évêque d'Adran); hai người đều có công to với Đức Cao Hoàng ta ngày xưa. Nay mộ các ngài người dân kêu là “lăng” là có ý suy tôn cái công nghiệp lớn của haingài. “Lăng Ông” ở ngay giữa tỉnh lỵ, sau có cái điện thờ, gọi là “miếu”. Mộ quan Tả quân mà cho là một nơi cổ tích thì cũng khí quá, vì trong đời đức Thánh tổ (Minh Mạnh) đã bị triệt phá đi, rồi đếnđức Dực Tôn (Tự Đức) mới được khôi phục lại, còn cái qui mô như ngày nay là mới sửa sang sau này. Hiện bây giờ miếu mạo nguy nga, cây cao rậm rạp, cũng đủ khiến cho người khách viễn du động tấm lòng hoài cổ. Than ôi! Thường đọc truyện quan tảquân, nay tới đất Gia Định này được trông cái di hài của ngài năm đấy, càng cảm phục cái chí khí cương cường, cái thanh danh lẫm liệt của một bậc công thần đệ nhất nước Nam ta. Nhưng càng nghĩ lại càng tiếc thay cho các triều sau thiếu những tay phù tá như quan tả quân Lê, như quan tiền quân Nguyễn, lại không biết trọng mà quá bạc đãi những người cương trực như hai ngài, nên vận nước mới đến nỗi suy đồi như vậy. Tiếc thay!
Miếu “Lăng Ông” có tiếng trong dân gian là một nơi thờ linh lắm, nên khách tứ phương lại cầu lễ xin xăm rất đông. Khi bước vào thì thấy một chú “Chệt” cởi trần, mập như con lợn ỷ, cổ ngấn, bụng sệ, đi đi lại lại trước bàn thờ, sỗ sàng tự do như đứng trong nhà bếp cao lâu vậy! Hỏi ra mới biết rằng chú là thủ tự đền này, dân làng sở tại bán cho chú cái lợi quyền ấy. Than ôi! Giống Khách đã cướp hết của ta các mối thương quyền khác, mà đến cái nghề buôn thần bán thánh An Nam nó cũng cướp nốt! Nó cướp mà nó khinh rẻ thần thánh mình; thử hỏi đồng bào ta có nhục không? Tôi tưởng không bao giờ quên được cái cảnh tượng chú “Chệt” đi phơi bụng trước bàn thờ quan tả quân.
Trong miếu ngoài lăng không có cái bi ký tự tích gì là cổ. Duy có một bài bia làm năm Thành Thái thứ sáu của quan quận công Hoàng Thái Xuyên, hồi đó đi tiễn quan Toàn quyền De Lanessan về Sài Gòn, ngài có thừa phép quan Toàn quyền soạn bài văn khắc vào đá để kỷ niệm cái công nghiệp một bậc bầy tôi cũ của Triều đình. Thịnh ý thay!
Lăng Cha Cả thì ở xa hơn về phía Bắc một chút. Nơi đó mát mẻ thanh thú, tĩnh mịch êm đềm, thật là xứng đáng làm chỗ ở sau cùng của một bậc đạo nhân đôn hậu. Công Cha Cả giúp Đức Cao Hoàng ta khi Phú Quốc, khi Xiêm La, khi vượt bể cầu cứu, khi bàn bạc chốn viên mao, trong sử sách còn truyền, muôn năm cũng không quên được. Chỉ tiếc thay khi cái công khó nhọc đã đến ngày thành tựu, Cao Hoàng đã thu phục được thành Bình Định, đánh lấy được chốn cựu đô, thì người bạn cũ đã qua đời rồi, không còn sống mà hưởng cuộc vinh hoa cho bõ lúc phong trần. Cha Cả mất ngày 9 tháng 10 năm 1799 ở cửa Thị Nại (Bình Định), thọ 58 tuổi. Cao Hoàng nhớ nghĩa cũ ơn xưa đem di hài về Gia Định, làm lễ trọng thể, thân đọc văn tế, an táng tại nơi tịnh xá cũ của đạo nhân, tức là nơi lăng ngày nay. Lại truy phong chức Thái tử thái phó, tước quận công.
Lăng xây kín như kiểu một cái đình lối ta. Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Hai cái mộ nhỏ hai bên thì bên tả là mộ Cha CHARBONNIER; bên hữu là mộ cha MICHE, mới phụ táng về sau. Trong đình trước mộ có tấm bia đá kỷ niệm cái công đức của Cha Cả, xin dịch nôm ra sau nay để giúp sự khảo cứu của các nhà hiếu cổ. Văn rằng: “Thày là người nước Đại Pháp, họ Bi nhu, hiệu Bách đa lộc. Thủa nhỏ phụng đạo giáo, mà sách vở các thánh hiền. Trung Quốc không gì không giảng cứu. Kịp đến khi lớn sang bên nước ta. Thời bấy giờ trong nước nhiều việc, thày làm người bạn bàn bạc việc nước, đem cái học vấn mà thi thố ra việc làm, cùng ta châu tuần trong buổi điên bái lưu ly. Rồi lại nhận cái ủy thác nặng, xuất quân cứu viện, đi lại xa xôi, không hề dư lực. Trong hơn hai mươi năm trời, bàn mưu kế chốn quân trung, tham chánh vụ nơi phiên trấn, những việc hưng kiến hiển thiệt đều đủ truyền về sau cả. Nước ta dần dần có cái thế trung hưng được, thật là nhờ sức của thày nhiều vậy. Năm kỷ vị (1799) tùng chinh ở phủ Qui Nhơn, mùa thu tháng 9 ngày 11 mất tại bến Thị Nại, thọ được 57 tuổi. Mùa đông năm ấy truy tặng Thái tử thái phó quận công, bốc táng ở phía bắc thành Gia Định, nơi thày đặt tinh xá khi xưa.
Nay chép để làm ghi.
Ngày lành tháng trọng thu năm Canh Thân (1800) Đốc học đường Hoa xuyên hầu, NGUYỄN GIA CÁT phụng soạn. Binh bộ hữu tham tri, Định thành hầu, LÊ TRI CHỈ phụng viết. Sau lưng lăng Cha Cả có cái mộ địa chôn các cố đạo.
Lâu nay vẫn nghe nói Nam Kỳ có quan Diệp Văn Cương là một bậc danh sĩ trong Lục châu, khi tới Sài Gòn chỉ ước ao được tiếp mặt ngài. Đương buổi trong nước hiếm nhân tài như lúc này, được biết tiếng một người nào thật trong lòng hâm mộ vô cùng. Quan Diệp có cái biệt thự ở làng An Nhơn, trên Gò Vấp một ít. Vậy một hôm cùng người bạn lên thăm ngài. Ngài tuổi đã cao, ước đến sáu mươi, mà người còn mạnh mẽ tinh anh lắm. Hán học đã thâm, tây học cũng rộng, thật là gồm Âu Á đúc một lò. Lại thêm sự kinh lịch cũng nhiều, đời quan Toàn quyền De Lanessan đã từng sung chức trọng yếu ở Súy phủ, làm tay ngoại giao cho Triều đình. Cái nội dung cuộc chánh trị nước ta vào hồi đó, không gì là ngài không tỏ tường. Ước gì khi nào hồi hưu - vì hiện nay ngài còn dạy học trường Chasseloup -Laubat - ngài sẽ chép ra một tập “Ký ức lục”, thuật lại những việc hồi bấy giờ thì sau này giúp cho quốc sử được nhiều lắm. Đương buổi Tây Nam mới giao thiệp, việc chánh trị hai nước còn chưa được phân minh, ví có nhà làm sử nào muốn khảo cứu về thời kỳ ấy thật khó thay. Nếu xét theo phương diện tây thì hiểu lầm phương diện An Nam, nếu xét theo phương diện An Nam thì khó tường được phương diện tây. Nay có một người đương thời đã từng làm một tay môi giới cho hai bên, vừa thuộc cái điển lệ của Triều đình lại vừa hiểu cái chánh thể của Bảo hộ, thuật lại cho mà nghe những việc giao thiệp của hai chánh phủ hồi bấy giờ, thì quí hóa biết dường nào! Lại những điều ký ức về các nhân vật đương thời, về cái tình trạng quan trường ta hồi Đại Pháp mới sang đặt bảo hộ đây, toàn là những tài liệu rất có ích cho nhà sử học vậy. Ta rất trông mong rằng có ngày quan Diệp Văn Cương sẽ cống hiến cho học giới ta những tài liệu quý báu ấy. Nay được nghe chuyện ngài nói cũng đã vui thay. Ngài có cái tài nói chuyện không ai bằng, đủ khiến cho người ta buồn hóa ra vui được. Mà xét kỹ lịch sử sự nghiệp ngài, có lẽ cái chủ nghĩa của ngài tức là cái “khoái lạc chủ nghĩa” vậy. Chắc ngài tự nghĩ rằng nhân sinh ở đời cốt lấy sự vui sướng cho mình làm hơn; cõi đời đã là một cuộc phù sinh thì sống ngày nào nên hưởng hết cái hạnh phúc ngày đó mới là phải, cớ chi mà bận lòng những sự phiền muộn xa xôi. Vui sướng cho mình mà cũng có ảnh hưởng sang kẻ khác nữa: tức như kẻ thư sinh đa sầu này ngồi nghe truyện ngài mà trong lòng cũng du khoái được một lúc. Như thế thì cái “khoái lạc chủ nghĩa” chẳng là một cái chủ nghĩa rất hay mà rất tiện rư? Đời xưa bên nước Hi Lạp chẳng đã có một nhà hiền triết lấy cái chủ nghĩa ấy làm phương châm một đời rư? Tuy vậy cứ theo ngu ý của bỉ nhân đây thì cái “khoái lạc chủ nghĩa” không thể đi cùng với cái “nghĩa vụ chủ nghĩa” được. Thế nào gọi là cái “nghĩa vụ chủ nghĩa”? “Nghĩa vụ chủ nghĩa” là cái chủ nghĩa đem nhân thân mình làm hi sinh cho một cái nghĩa vụ, một cái lý tưởng cao hơn mình. Các bậc cổ thánh hiền ta chẳng đã dạy rằng cái trách kẻ sĩ phu trong nước là phải ra công phù lấy thế đạo, giúp cho cương thường. Cái trách sĩ phu ngày nay là phải mơ màng cho cái tư tưởng quốc dân, gìn giữ cho phong tục khỏi suy đồi, ra công giúp cho nước nhà giống nhà một ngày một giàu mạnh khôn ngoan, để mong có ngày nhờ ơn nước lớn dạy dỗ được ra mở mày mở mặt với thế gian, cho khỏi tủi cái cuộc lịch sử hơn hai nghìn năm. Ấy quốc dân trông mong ở bọn sĩ phu như vậy. Ta há nên phụ lòng quốc dân rư?
Song nghĩ cho cùng, đạo xử thế không phải là chỉ có một đường. Cái “nghĩa vụ chủ nghĩa” kia tuy cần cho đời nay hơn là cái “khoái lạc chủ nghĩa”, mà không phải là ai ai cũng phải theo mới nên. Mỗi người có quyền tự do muốn tổ chức cái cuộc đời mình thế nào cũng được. Khoái lạc cho mình mà an trí không ích lợi cho đồng bang? Tức như quan Diệp, cái thanh danh to rộng biết bao nhiêu, thật làm vẻ vang cho cả đất Lục châu. Chỉn tiết thay tài như ngài, học như ngài, Âu Á kiêm thông như ngài, mà không từng nghĩ đến kế lập ngôn để lưu truyền cái thanh danh về sau này. Hay là ngài không ưa cái hư danh nhà văn sĩ? Có lẽ vậy, vì nếu ngài chịu trước thư lập ngôn thì sách vở ngài chắc không phải là những sách vở tầm thường. Nhưng mà lo gì? Diệp tiên sinh tuy tuổi đã cao mà sức còn mạnh, con đường tương lai hãy còn dài...
Lệnh lang là ông Diệp Văn Kỳ, người còn trẻ mà đã có tiếng là một tay văn hay trong Lục châu. Ông có đọc tôi nghe mấy bài kịch soạn khéo lắm, điều hòa được cái tinh thần mới của nghề diễn kịch tây với cái hình thức cũ của nghề hát tuồng hát bội ta. Mong rằng ông sớm in thành vở cho bọn ta được đọc.
Trong hai tuần lễ đầu chỉ chơi quanh ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, mà cái chủ ý về Nam Kỳ là muốn đi du lịch nhiều nơi, cho rộng kiến văn hơn một chút. Chắc Sài Gòn chỉ là một cái phương diện trong toàn cảnh xứ Nam Kỳ mà thôi. Nay muốn biết các phương diện khác, tất phải đi dạo qua Lục tỉnh. Vậy sau khi đã thiệp liệp hết những phong cảnh nhân vật ở Sài Gòn, bèn sửa soạn đi Lục tỉnh.
Các anh em quen biết cũng thường khuyên: “Ông đã về tới đây, nên dạo chơi cho khắp, cho biết đó biết đây, kẻo không có mấy khi cất ra đi được. Vả có đi Lục tỉnh mới biết dân tình phong tục trong này, ở những chốn phiền hoa như Sài Gòn thì lại biệt ra một cảnh tượng khác. Ông cứ đi, dân Lục tỉnh đã có tiếng là dân mến khách, có qua mới biết cái lòng trung hậu của bạn đồng bang trong này”.
Trong bụng đã muốn đi, lại được anh em khuyên nhủ như vậy, cầm lòng sao được? Chỉ ngại mình là người xa lạ, chửa quen biết ai, cất chân ra đi một mình như vậy, có nhiều nỗi không tiện chăng. Nhưng trong bọn anh em có ông quá yêu, thấy mình du dự, cười mà đọc câu tống biệt trong Đường Thi:
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ...
Tuy tự xét mình có đâu đã xứng đáng lời thơ của cổ nhân mà nghĩ lại trong ngót hai năm trời nay nhờ ngọn gió Nam đưa khắp mọi nơi có lẽ ở chốn chân trời nơi góc bể cũng được một vài người tri kỷ, biết đâu? Thế giới tuy rộng mà tư tưởng con người ta như cái điện không giây, dẫu cách xa muôn dặm cũng cảm nhau được, lẽ tương ứng tương cầu vẫn là lẽ hằng xưa nay. Vậy quyết chí đi. Nhưng đi hướng nào bây giờ? Đi đông hay đi tây, đi nam hay đi bắc? Khó nghĩ thay! Câu hỏi đó là một cái câu hỏi hằng ngày thường xuất hiện ra trong tâm trí người ta.
Trừ những kẻ túy sinh mộng tử, sống ở đời như nằm trong giấc chiêm bao, u u mê mê, mung mung lung lung, không biết mình sống mà làm gì, thì không kể làm chi, còn những người đã hơi biết suy nghĩ, trong bụng đã có chút tư tưởng, ai cũng từng biết cái khổ trước khi làm việc gì mình lại hỏi mình: “Ta nên làm thế nào bây giờ, đi đông hay đi tây, đi nam hay đi bắc? ...”, tựa hồ như mỗi lúc lại thấy mình đứng giữa một nơi ngã tư, không biết đi đường nào là phải, xuôi hay ngược, dọc hay ngang... Cầm bút viết mà mình lại hỏi mình: “Ta viết cái gì bây giờ? Ta viết cái gì cho có ích lợi cho người đọc, cho khỏi ngộ hoặc quốc dân, cho công bằng, cho chánh đáng, cho ngay thẳng, cho phân minh? Ta viết cái gì cho sau này khỏi nhục đến cái tay ta viết, khỏi thẹn cho ngọn bút ta cầm?...”. Rồi mà hạ bút viết, vẫn không bao giờ được bằng lòng! Trước khi nói điều gì cũng vậy, trước khi bước chân đi cũng vậy, trước khi xử trí một việc gì, trước khi khởi hành một công cuộc, bao giờ cũng băn khoăn không biết thế nào cho đạt tới cái mục đích cao xa ở trong lòng. Thành ra suốt đời là một câu hỏi không cùng. Càng đào óc mà càng nghĩ không ra, càng nghĩ không ra mới lại càng thêm khổ. Đó là cái khổ chung của những kẻ đa tư, đa lự, đa cảm, đa tình, mà những người óc rắn như đá, ruột khô như rơm, không bao giờ biết cái khổ cao thượng ấy.
Người viết đây cũng có cái tật nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy, nên mỗi khi cầm bút viết hình như bao nhiêu câu hỏi ở đâu xô lại, đáp mãi không cùng, thành ra một lối văn chiền miên không dứt, phản phúc không dời, lắm khi làm xa lạc cả đầu bài; cũng tự biết là một sự thiên lệch của mình, nhưng sao được?...
No comments:
Post a Comment