Friday, August 18, 2017

Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng - chương 1



Chương 1

Tiếng kèn…


Thầy tôi làm cai ngục. Mẹ tôi con một nhà buôn bán rau đậu, trầu cau lần hồi ở các chợ và trên đường sông Nam Định – Hải Phòng. Tuổi thầy tôi hơn ba mươi, gấp đôi tuổi mẹ tôi. Hai thân tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau. Chỉ vì hai bên cha mẹ, một bên hiếm hoi muộn cháu và có của; một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đẹp đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn, được cả một dòng họ trọng đãi nếu mắn con… Tôi đẻ ra đã được bao nhiêu người nhà những tội nhân có máu mặt đến mừng, biết bao nhiêu kẻ nhờ vả ông bà tôi lại thăm nom. Đồ vàng bạc, các thứ lụa là, gạo thơm, gà béo, trứng mới, cá biển tươi… từng tráp, từng thúng, từng bu đã chật ních cả tủ áo và chạn thức ăn. Vú bõ trong nhà đã hả hê có số tốt được hầu hạ một cửa “quyền quý”.

Sau này, mỗi lần nhắc tới ngày sinh vui vẻ của tôi, trong cái giọng nói hổn hển thỉnh thoảng lại ngắt quãng với những tiếng ho khan của bà nội tôi, tôi thấy có nhiều sự cảm động lắm. Cảm động vì nhớ tiếc, vì đau xót. Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau, trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía ngay từ năm tôi lên bảy lên tám, ở vào cái tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì, một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi. Những buổi chiều vàng lặng lẽ, lạnh lẽo của mùa đông, những buổi chiều mà bụi mưa như có một thứ tiếng van lơn thầm thì trong hơi gió vu vu, lửa lò than rực rỡ vờn lên chân tường những áng hồng lấp lánh hay rủ rê tâm trí người ta vào những cõi buồn nhớ, là những buổi chiều làm tê tái mẹ tôi hơn hết. Tuy mẹ tôi có tôi ngồi trong lòng cười nô với mấy con búp bê, tuy trước mặt mẹ tôi có cả một bữa cơm thức ăn tỏa mùi thơm ngon lành trong hơi cơm tám soan bùi ngọt, tuy mẹ tôi vẫn tươi cười và luôn luôn thưa gửi dịu dàng với thầy tôi và bà tôi.
Lúc bấy giờ, trong đầu óc mẹ tôi quằn quại những hình ảnh, những ý nghĩ gì, thầy tôi đoán biết sao được. Vẻ mặt xinh tươi kia, sự thùy mị kính cẩn kia, sao có thể là của một người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn cay chua nhất, tối tăm nhất? Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn? Có lẽ đúng! Vì thầy tôi, nếu là một người vô ý thức hay là một kẻ xốc nổi, chỉ biết có sắc đẹp và sự chiều chuộng của mẹ tôi, thì đã chẳng yên lặng nhìn tôi, miệng hơi nhếch về một bên, khi tôi níu lấy tay, lay lay hỏi:

- Cậu ơi! Em Quế con không phải là con cậu mà là con cai H. phải không?

Cùng lúc nghe câu tôi hỏi ấy, mắt mẹ tôi bỗng sáng lên, gò má hơi ửng hồng. Mẹ tôi nhìn nhanh thầy tôi rồi hoặc quay mặt nhìn đi chỗ khác, hoặc cúi xuống thẫn thờ nhìn tôi. Trời! Thốt lên câu hỏi dại dột trên kia nếu tôi là con một người cha độc ác hay ghen, phát uất ức, và một người mẹ bỗng hổ thẹn, sợ hãi vì có kẻ mớm lời cho con mình để phá hoại sự thanh khiết của đời mình, đời phải chung thủy của một người làm vợ, thì cảnh tình giữa cha tôi và mẹ tôi lúc bấy giờ sẽ ra sao? Nhưng không! Thầy mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn nhau và tôi cũng vẫn được nưng niu vỗ về trên hai đầu gối mẹ tôi ấm áp.

* * *

Quế, em gái tôi, là con một người khác: cai H, sự ngờ vực trong đầu óc tôi thoát ra với những câu hỏi trên kia không bao giờ được trả lời cả. Đem hỏi thầy tôi, thầy tôi yên lặng. ạm ấp trong lòng mẹ tôi, được mẹ tôi vuốt ve là tôi nhắc đến câu hỏi ấy. Cũng như thầy tôi, mẹ tôi không đáp. Nhưng hai con mắt sáng ngời trên nước da mịn màng như trứng gà bóc ấy khác hẳn cặp mắt sâu tối của thầy tôi. Và, những lúc ấy, mẹ tôi hay áp má lên lùm tóc tôi, hai ngón tay nhẹ nhẹ vuốt từng sợi một. Không chịu thắc mắc, tôi còn hỏi cả hai cô tôi, hai anh họ tôi, bà tôi, và những người hàng xóm. Cô tôi, hai anh họ tôi không trả lời còn có lý chứ bà nội tôi và những người ở gần nhà tôi thấy tôi hỏi lắm thì hoặc làm lơ đi, hoặc gắt lên thì thật vô lý quá chừng. Chính mấy người này đã gieo cái ý nghĩ vẩn vơ ngờ vực vào tâm trí tôi. Đã một lần bà tôi vẫy tôi lại, ôm tôi vào lòng xoa đầu nói:

- Ai đẻ mày?

Nhìn những miếng bánh kẹo thơm phức trong giấy bóng xanh đỏ ở tay bà tôi, tôi nũng nịu đáp:

- Bà đẻ con.

Bà tôi lừ mắt, tát vào má tôi:

- Bố mày, chỉ được cái hóm thôi. Không phải!

- Vậy con là con cậu bà nhỉ?

Bà tôi lườm tôi một cái dài, lại hỏi:

- Cậu làm gì?

- Cậu làm ông xếp đề lao.

Bà tôi, vẫn một giọng ngọt ngào:

- Còn cái Quế là con ai?

Tôi đã hơi cáu vì thèm ăn lắm mà chưa được miếng nào, tôi ngoẹo đầu ngoẹo cổ, phụng phịu:

- Con không biết!

Bà tôi lại tát nhẹ vào má tôi:

- Láo nào! Bố mày! Nói đi rồi bà cho.

Nhưng tôi dại gì chậm nói để chậm ăn, tôi liền kéo tay bà tôi cầm bánh thấp xuống tí nữa:

- Em Quế cũng là con cậu.

Tôi đã thất vọng. Bà tôi hừ mạnh một tiếng, đổi nét mặt:

- Không phải!

Tôi gắt lên:

- Chả con cậu là con ai? Không cho con thì thôi!

Dứt lời, tôi gỡ tay bà tôi, chực chạy đi chỗ khác. Bà tôi phải bóc ngay phong bánh, bẻ cho tôi một nửa rồi cặp chặt tôi vào hai đầu gối:

- Bà bảo không phải là không phải mà.

Tôi không cắn bánh vội, cau mặt nhìn bà tôi:

- Thế nó không phải là con cậu, sao nó lại được ăn sữa bò, lại có vú bế?

Tôi lý luận như thế vì tôi cho rằng được vú em chăm bẵm và ăn sữa bò là một vinh hạnh, một sự biệt đãi. Tôi có biết đâu rằng bà tôi chẳng muốn mẹ tôi bận bịu vì em gái tôi, để tôi được độc quyền hưởng sự nuôi nấng chăm bẵm của mẹ tôi. Bà tôi lại xoa đầu tôi và cười. Nụ cười làm rung động cặp môi rạn nứt, chảy xệ ấy, tôi vẫn chẳng thấy gì là vui vẻ. Và nụ cười vừa tắt, bà tôi lặng ngay nét mặt nói:

- Không phải! Cái Quế nó là con thằng cai H.

Tôi mở to mắt, lay mạnh vai bà tôi:

- Bà nói dối để không cho con nốt chỗ bánh kia. Nó cũng là con cậu.

Cặp mày lơ phơ trên đôi mắt nâu càng chau lại, nhưng giọng nói bà tôi lại trở lại nhẹ nhàng, ngọt ngào:

- Không! Bà bảo thật mày đấy, nó không phải là con cậu mày mà là con thằng…

Bà tôi ngừng lại, đăm đăm nhìn vào mặt tôi:

- Mày có biết thằng cai H. không?

Tôi lắc đầu. Bà tôi nghiêm nét mặt:

- Cái thằng buổi chiều nào cũng dẫn lính sang đề lao và thổi kèn ấy mà.

Tôi reo lên:

- Thế thì con biết rồi!

Nhưng tôi chẳng cần hiểu biết rõ rệt hơn đứa em gái thật là con thầy tôi hay là con ai cũng được, thấy bà tôi hớ hênh tôi liền giật phăng cả gói bánh và mấy chiếc kẹo, chạy tót ra đường…

Và một lần, dưới gốc cây xoan tây, trước một cái bếp bằng những hòn gạch vỡ và đốt bằng những cành xoan và lá vàng khô, tôi được ẵm trong lòng một người đàn bà vẫn đong gạo và vay tiền của mẹ tôi. Trước thì tôi mải chơi với một con mèo nhỏ vờn quấn dưới chân tôi nên tôi không để ý đến chuyện trò của người đàn bà ấy với một người đàn bà khác, nhiều tuổi hơn, yếm trắng, thắt lưng xanh, cũng là vợ một người cai lính khố xanh, và cặp mắt vẻ mày cũng sắc sảo lắm. Khi con mèo bị tôi nắm đuôi chặt quá chóe lên một tiếng, cào tôi rồi chạy đi chỗ khác, tôi mới bắt đầu chú ý nghe. Người đàn bà ôm tôi cười toe toét. Người kia lại còn lắm miệng hơn. Nhiều lúc cả hai cùng nhìn tôi, mắt ánh hẳn lên rồi cười rũ rượi. Tôi không ngạc nhiên lâu mà liền căm tức. Cái căm tức dội lên nghẹn ngào. Nhưng tôi phải yên lặng. Không biết một sức mạnh gì đã giữ riết lấy tôi không cho tôi chồm lên, không cho tôi văng vào mặt họ mà đấm đá mà chửi rủa. Hai người đàn bà này chê bai bới móc mọi người hàng xóm chán rồi lại quay về chuyện nhà tôi. Nào thầy tôi nghiệt ngã, thâm hiểm lắm. Trái lại, mẹ tôi vừa trai lơ, vừa dễ dãi, và gần như đần độn nữa ấy, chẳng biết gì cả. Còn bà tôi thì đủ các tính ác, tính xấu, những cái ác, cái xấu của những người đàn bà từ thuở lọt lòng đã phải sống với những thành kiến, những lề thói tối tăm cay nghiệt, rồi phải coi học thức như là một sự quái gở, tự do như là tội lỗi, và thích thú sự áp chế, hành hạ nếu mình được dịp và có quyền áp chế, hành hạ kẻ khác. Sau cùng, giọng nói của người đàn bà nhiều tuổi có cặp mắt sắc sảo bỗng nhỏ đi. Y trỏ một người trắng trẻo, không phải bồng súng, đương chắp tay sau lưng đi lại ở cổng đề lao, thì thầm với người đàn bà ôm tôi bỏm bẻm nhai trầu:

- Con bé em thằng này là con hắn ta đấy!

* * *

Buổi chiều nào cũng vậy, dù nắng nực hay mưa rét, tốp lính khố xanh ấy cũng phải đi qua nhà tôi. Vừa đúng hai chục người: mùa hạ, quần áo vải vàng, mùa đông, quần áo dạ tím. Họ đi chân không, quấn xà cạp, đội nón chóp đồng. Ba người hàng đầu đeo ở cánh tay áo một chiếc lon màu hoa lý to hơn chiếc đũa. Cùng hàng với ba người này, ở bên trái, cách chừng một bước là một người tầm thước, gương mặt trắng hồng, mắt sáng, sống mũi hơi cao, hai hàm răng trắng phau. Y ăn vận gọn ghẽ hơn cả. Tay y đeo hai lon vàng đính thêm một đường chỉ đỏ thêu to. Chân y đi giày vải đen, bít tất bao giờ cũng trắng như mới. Không phải bồng súng, y ung dung cầm một chiếc kèn đồng có tua đỏ mỗi lần hoa nhanh lên lại tỏa ra một làn ánh sáng vàng diệp dưới ánh nắng rực rỡ của chiều hè.

Cứ khi nào tốp lính đến gần nhà tôi ở xế cổng đề lao thì tiếng kèn vang lên, vui vẻ quá, hùng tráng quá. Át cả tiếng vỏ lưỡi lê đập phanh phách vào đùi và những bước chân xoàn xoạt, tiếng kèn mỗi giây một dướn cao, một vang to, rung động cả làn không khí êm ả của một góc trời. Rồi nương tiếng gió lao xao trong những chòm cây phấp phới, âm thanh nao nức, dồn dập của tiếng kèn càng cuốn lên cao, tràn ra xa, rất xa, đến những vùng xa sáng tươi nào đó. Càng về sau tiếng kèn càng niềm nở, ân cần như những lời thúc giục thống thiết rồi đổ hồi trong giây khắc đoạn im bặt. Một lúc lâu sau, một tốp lính khác ở cổng đề lao đi ra, vẫn người thổi kèn ấy. Lần này tiếng kèn nhanh hơn trước, nhịp với bước chân vội của tốp người nhọc mệt và đói ngấu mong ngóng sự nghỉ ngơi, no say… Hay bước đi, bước đi, như làn lá nhỏ bay theo gió… Tiếng kèn vồn vã vẫn rõ ràng, trong sáng, và bầu trời mở rộng vẫn rung vang. Sau tốp lính, một lũ đàn bà, trẻ con long tong chạy theo, trên lưng, những đứa bé ngổm lên ngổm xuống như cưỡi ngựa. Quá nhà tôi một quãng ngắn, tiếng kèn lại dần dần dướn cao lên. Đến khi tốp lính và lũ đàn bà trẻ con bị những lớp găng dày của một góc vườn um tùm và một hàng cây che khuất thì tiếng kèn tắt hẳn. Gió chiều bỗng rít dài lên, nền mây rung mạnh, khi âm vang của tiếng kèn không còn một gợn sóng. Đương nắm tay tôi, tự nhiên mẹ tôi buông mạnh ra bước xô xuống thềm gạch, ra đường. Tôi ngạc nhiên, níu chặt lấy vạt áo mẹ tôi, cuống quít:

- Mợ ơi! Chờ con với. Mợ ơi!…

* * *

Bao nhiêu buổi chiều như thế? Đã mấy năm chiều như thế? Tôi không thể ghi rõ là bao nhiêu mà chỉ nhớ rằng mẹ tôi đã không biết bao nhiêu lần dắt tôi ra sân trước, đón những tốp lính kia đi qua với tiếng kèn rộn rã tưng bừng để rồi một lúc lâu sau chậm chạp dắt tôi trở vào. Mẹ tôi đã đứng trong tươi sáng và ấm áp ở ngoài trời hay trong gió lạnh, mưa bay ở dưới mái hiên, và, bao nhiêu buổi chiều êm ả đã qua, óc non nớt của tôi ghi làm sao được không lầm, không sót những con số nhất định? Nhưng trong hồn tôi thì mãi mãi rõ ràng thắm nét hình ảnh những con mắt của mẹ tôi sáng lên nhìn người thổi kèn và hai gò má mẹ tôi ửng hồng khi gặp cặp mắt long lanh của người đàn ông nọ chiếu tới. Và cho tới ngày trọn đời, tôi không thể nào quên được cái cảm giác là lạ do một bàn tay nhỏ nhắn run run bỗng từ đầu tuột xuống vai tôi, và một màng lành lạnh mong manh vương qua một cặp mắt lờ đờ nhìn vào mắt tôi chợt làm ngực tôi lạnh dợi đi… Rồi đến một giọng van lơn khi tôi níu lấy áo mẹ tôi kéo vào nhà lúc không còn bóng dáng và tiếng kèn của tốp lính nữa.

- Đừng quấn mãi lấy chân mợ mà!… Thôi!… Con đi trước đi mợ xin theo con…

Rồi một buổi chiều, tôi cũng không thể nhớ rõ là một buổi chiều rực rỡ hay âm u, mẹ tôi không dắt tôi ra sân nữa. Và từ buổi ấy trở đi, chỉ có mình tôi lon ton chạy ra đón xem tốp lính đi qua với một người thổi kèn khác. Lắm lúc thấy tiếng kèn vui quá tôi chạy vào nhà, nắm tay mẹ tôi, hết sức kéo dậy. Nhưng mẹ tôi hoặc gỡ tay tôi ra rồi quay mặt vào tường hoặc tiện thể kéo ngả người tôi vào lòng mà ôm lấy tôi. Bên tai tôi, tiếng ngực mẹ tôi đập mạnh lạ thường, và từ mảng ngực phập phồng nóng ran lên đó truyền sang da thịt tôi những cảm giác ấm áp giữ tôi lại rất lâu trong cánh tay mẹ tôi. Lúc bấy giờ mắt tôi như mờ đi vì hơi thở nóng sực của mẹ tôi và tôi càng bâng khuâng trong đôi mắt thẫn thờ như muốn khóc của mẹ tôi.

* * *

Em Quế chính là con “cậu” tôi. Anh họ tôi, các cô tôi, cả bà tôi và những người hàng xóm dần dần bảo tôi như thế sau ngày người cai kèn kia đổi đi nơi khác không biết là đóng ở đâu và mẹ tôi càng kính cẩn hầu hạ bà tôi, càng chiều chuộng thầy tôi và chăm nom anh em tôi. Nhưng cũng từ ngày ấy tôi càng ít thấy hai thân tôi trò chuyện vui vẻ với nhau trừ khi ở trước mặt bà tôi hay những người nào thân thiết nhất. Tới năm em gái tôi khôn lớn cũng thế, thầy mẹ tôi không bao giờ nhìn thẳng vào nhau mà hỏi gọi nhau, cười nói với nhau. Trong con mắt, giọng nói và nụ cười của hai thân tôi bao giờ cũng đượm vẻ trầm lặng, chua chát, hờn tủi. Sự đau đớn âm thầm ấy theo dõi mãi mãi thầy tôi và mẹ tôi với cái kỷ niệm sâu xa của mấy đêm kia – tôi tin chắc chỉ mấy đêm thôi – hai con người đã phải gắng gượng ăn nằm với nhau, và để khỏi tủi lòng hai đứa con có phúc lọt vào một cửa giàu có và hiếm hoi, hai người càng cố phải gần gũi nhau trong một sự êm ấm giả dối vô cùng.

No comments:

Post a Comment

Bài mẫu thư UPU lần 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi.

 “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) dành cho các em học sinh dưới 15 tuổi. Mẫu thư U...