Dù tình thương mẹ dành cho con
có mờ nhạt, mẹ có vì gia đình mới mà bỏ quên con, thì con vẫn mãi mãi là con
mẹ. Chỉ có thể trách cuộc đời không để con cảm nhận được tình mẹ sâu sắc như
người khác thôi.
*****
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
Đọc một bài
thơ về mẹ, thật hay, cô giáo bảo với cả lớp, rằng mẹ nào cũng thương yêu con
mình hết. Đó là chuyện thường, đương nhiên thôi, ca dao, tục ngữ và cả thơ văn
nữa, chẳng phải đã công nhận hết rồi sao? Nhưng ở góc lớp có một tiếng nói nhỏ
"chưa chắc". Đó là một con bé gầy nhom ngồi cuối lớp.
Nó nói không
phải để ai nghe thấy, nó cũng không hề có ý định thốt lên hai từ ấy, nhưng sự
thật, đã bị nhỏ bạn kế bên nghe thấy. Nhỏ bạn nói lớn "Cô ơi, bạn này nói
chưa chắc nè cô". Nó hoảng hốt quay qua nhìn nhỏ bạn, biết nhỏ không cố ý,
nó đưa mắt nhìn cô giáo nhưng không thấy gì nữa. Mắt nó mờ đi, nóng ran. Nó cúi
mặt, phải cố lắm nó mới không khóc. Nó nghe tiếng cô giáo "Sao vậy
em?" và cả tiếng của mấy đứa bạn trong lớp nhốn nháo "Tại mẹ bạn lấy
chồng mới đó cô", "Mẹ bạn đó có em bé, không có ở chung với bạn đó
nữa rồi cô ơi". Nó không biết vẻ mặt cô giáo lúc đó thế nào. Cô chỉ nói
"Mẹ em vẫn thương em thôi. Khi nào lớn em sẽ hiểu". Năm ấy, nó 9 tuổi.
Đó lần đầu
tiên, nó biết không ai có thể hiểu và cảm thông với nó về mẹ nó. Ngay cả bản
thân nó, cũng không tin mẹ không thương nó, nó đổ tất cả vào chuyện nó còn nhỏ,
9 tuổi. Nhưng hôm nay, nó đã 17. Nó cũng đã đủ lớn để suy nghĩ, chắc chắn là
hơn hẳn 9 tuổi, nhưng nó vẫn không thể hiểu, tình mẹ đó ở đâu.
Cha nó mất lúc
nó 5 tuổi, quá nhỏ để nhớ về cha. Cha nó chết vì tự vẫn. Nó nghe kể, lúc cha nó
đi, mẹ nó chạy theo giữ cha nó lại. Cha gạt tay mẹ nó ra và nói "Em vô đi,
con đang khóc kìa". Cha nó rất thương nó, có lẽ là vậy, nó chỉ nghe kể lại
thôi, tất cả mọi người đều nói như vậy. Cha nó tự vẫn không phải vì chuyện gia
đình nó, nghe đâu là có xích mích gì đó giữa cha và ông nội nó. Mà thôi, đó là
chuyện của người lớn. Nói chung là cha đã bỏ nó đi, khi nó chỉ vừa lên 5 và em
nó lên ba. Ngay sau đám tang, em nó về ở với bà ngoại nó, nó ở với mẹ. Chỉ một
năm sau, mẹ nó lấy chồng mới. Nó nghe kể, lúc mẹ dẫn theo nó rời khỏi nhà bà
nội về nhà dượng, nó đã khóc dữ lắm, mẹ nó dắt nó đi mà nó cứ kéo lại, nhất
định không chịu đi. Và thế là nó bị mẹ nó đánh. Nó chẳng nhớ gì cả, nhưng nó nó
thể tưởng tượng ra cảnh ấy, một đứa trẻ nhất định không chịu rời bỏ mái ấm của
mình ấy mà. Sau đó, nó cũng về ở với bà ngoại để mẹ nó xây đắp gia đình mới.
Không lâu sau, mẹ sinh em bé. Một bé gái. Một đứa trẻ như nó thì chỉ biết, đấy
là em nó, là em gái của nó vì là do mẹ nó sinh ra, vậy thôi. Nó thương và thích
chơi với em bé lắm.
Mẹ và dượng nó
ở quê, nhưng hai năm sau khi sinh em bé, vì làm ăn khó khăn, mẹ, dượng và cả em
nó từ quê ra thành thị ở chung với ngoại, với hai chị em nó, kiếm nghề sinh
sống. Ba chị em gần nhau rất thích, chơi với nhau rất vui. Đó là những ngày
tháng trẻ con vui nhất của ba chị em nó. Khi ấy, nó chẳng nghĩ gì nhiều cả,
thấy gia đình cả ba người của mẹ nó vui vẻ, nó cũng chẳng nghĩ gì, thật sự
chẳng chút bận tâm, vì nó chỉ là con nít.
Nhưng được một
năm chung sống thì dượng nó cãi nhau với ngoại nó, suýt nữa thì có đánh nhau
chứ chẳng chơi. Gia đình mẹ nó dọn đi ngay lập tức, lúc nó đi học về thì chẳng
còn thấy mẹ đâu, em đâu nữa. Nó cũng chẳng nghĩ gì về mẹ, chỉ thoáng chút buồn
nhớ đứa em út thôi. Nó chẳng hề ý thức được mẹ đã xa nó.
Nó sẽ không
nghĩ gì nhiều nếu ngay tối hôm ấy, nó không nhìn thấy cảnh đó. Ngoại sai nó đi
mua đồ, bước dưới ngọn đèn đường, vô tình, ánh đèn xe ai chiếu ngược lại, trước
mắt nó hiện lên hình ảnh một gia đình hạnh phúc đằng xa xa. Bóng người đàn ông
cao lớn đi phía ngoài, tay nắm một bóng hình chập chững của một bé con và đứa
bé ấy lại nắm tay một người phụ nữ mảnh mai. Đấy chính là là gia đình của mẹ
nó. Bóng ba người bước đi xa dần, nó đứng sau chỉ biết nhìn và nhìn thôi. Dù vô
tư, hồn nhiên, nhưng giờ nó như khựng lại, ngơ ngác nhìn một gia đình. Mẹ của nó
cơ mà? Nó muốn gọi mẹ thật to, nhưng sao thấy nghèn nghẹn, thấy mình bỗng chốc
dư thừa quá. Mẹ nó đi, không nói một lời với nó vì mẹ đã có một gia đình hạnh
phúc rồi. Mẹ không cần con nữa sao? Nó bỗng thấy mất mát một thứ gì đó, một đứa
trẻ mười tuổi vẫn chưa thể biết. Chỉ biết, mẹ coi trọng gia đình mới của mẹ,
hơn nó.
Sau trận cãi
nhau đó, gia đình mẹ nó đi biệt gần bốn năm trời, không gọi điện, không một lời
hỏi thăm, có lúc nó quên mẹ thật. Vậy mà mấy năm sau, mẹ về, nó gặp mẹ ở quê,
cứ như là mới gặp hôm qua vậy. Mẹ chỉ hỏi han nó mấy câu rồi lại âu yếm buộc
tóc cho em út của nó. Thấy em bé vô tư nũng nịu với mẹ, còn nó thì ngồi đơ ra,
tự nhiên nó thấy mình thừa thừa thế nào ấy. Một cảm giác xa lạ lắm. Bao năm
qua, nó lớn lên, không hề biết gì đến tình mẹ, đã lâu lắm rồi mẹ không buộc tóc
cho nó và cũng chẳng biết từ bao giờ, nó chẳng còn nũng nịu với mẹ nữa.
Thấy mẹ hạnh
phúc với gia đình, nó cũng mừng nhưng thật sự nó tủi nhiều hơn. Ngày còn bé,
mỗi lần về quê, ngoại bảo nó đến nhà mẹ chơi. Em nó thích lắm, vì ở đó có em
bé. Còn nó, nó đi nhưng thực sự chẳng muốn chứng kiến mấy cảnh ấm áp mà nó
không bao giờ có được đó. Nhà mẹ nó nhỏ, nhưng ấm áp đúng nghĩa một gia đình.
Nhìn con của mẹ nhõng nhẽo nũng nịu với mẹ, nó thấy mình tủi thân quá. Mẹ nó
chơi với em bé thật vui làm sao. Mẹ sắm cho em bao nhiêu là đồ chơi, quần áo,
cái kẹp, cái buộc tóc xinh ơi là xinh, những thứ đó, ngày còn bằng tuổi em bé,
nó ước ao biết nhường nào. Thi thoảng mẹ cũng mua buộc tóc, kẹp hoặc bông tai
cho nó, nhưng mà ít lắm.
Nói chung, mẹ
của nó đã có một gia đình ba người rất hạnh phúc. Mỗi lần đến nhà mẹ, nó luôn
cảm thấy mình như một khúc ruột thừa của mẹ, dù mẹ rất vui, mua bao nhiêu là đồ
ăn, bánh kẹo khi nó đến nhà mẹ. Nhưng gia đình đó, nó không thuộc về. Mọi thứ
trước mắt nó diễn ra như một màn kịch, một buổi biểu diễn gia đình hạnh phúc.
Hồi ấy, có lúc
nó nghĩ tất cả mọi thứ, cuộc sống của nó chỉ là một màn kịch thôi. Nó nghĩ chắc
hồi đó thầy bói nói mình khó nuôi, bảo cha mẹ dàn dựng cảnh cha mất, mẹ bước
thêm bước nữa để nó biết mà yêu thương gia đình thôi, chứ thật ra cha nó chẳng
hề mất và ông cha dượng kia cũng chỉ phụ diễn thôi, thật ra nó có một gia đình
hạnh phúc lắm. Có lúc nó đã hoang tưởng là vậy, nó tin một ngày nào đó cha nó
sẽ trở về và nói với nó tất cả sự thật. Một đứa trẻ nhạy cảm và ngốc nghếch,
nhỉ?
Đó là chuyện
hồi nhỏ, giờ nó đã lớn rồi, nó đâu còn chấp nhặt mẹ nó có quan tâm nó như em nó
hay không nữa. Nó chỉ mong mẹ ra thăm nó mà thôi. Nhưng đôi khi, một năm mẹ nó
chẳng ra lần nào, có chăng cũng chỉ là tiện đường ghé thăm thôi. Mẹ viện lí do
mẹ không có tiền. Nó đâu cần tiền chứ, nó chỉ muốn mẹ con đừng xa cách quá
thôi. Nhưng mẹ nó không hiểu được đứa con của mình cần gì. Nhớ hồi thi tuyển
sinh, lúc ôn thi, cũng ,mấy lần mẹ nó gọi điện hỏi han lắm. Nhưng thi rồi, chỉ
cần biết nó đậu thôi, mẹ không hỏi nó bao nhiêu điểm, nó hạng mấy cả trường,
không gì cả. Ấy vậy mà, mẹ nhỏ bạn nó lại làm nó hết sức bất ngờ. Biết nó đậu
điểm cao, mẹ bạn nó thưởng nó một cái ví đầm, nó cầm mà chẳng thể hiểu nổi cuộc
đời. Mẹ nó không quan tâm nó, mẹ người dưng lại thưởng cho nó, vậy là sao? Nó
thật sự không thể hiểu nổi.
Trong chuyện
học hành, một mình nó đã cố gắng biết bao nhiêu nhưng có bao giờ nó nhận được
lời khen nào từ mẹ nó đâu. Nó thi đậu, với mẹ đó là chuyện thường, biết rồi
thôi, nó rớt thì nó là kẻ vô dụng. Mỗi lần ra thăm nó, mẹ rồi dượng chỉ biết
xúm nhau kể biết bao nhiêu là chuyện về em nó, có bao giờ quan tâm nó đâu. Rằng
em nó đi học thêm dữ lắm, ham học lắm, giải nhất thành phố này, bô lô bô la. Mẹ
nó dồn hết tâm sức vào đứa em út có bao giờ nghĩ một mình nó đã cố gắng thế nào
đâu. Mẹ mãi nói về những thành tích của em nó, có bao giờ mẹ thử nhìn nó chưa?
Nó đâu cần gì ngoài một lời khen. Nó đã rất cố gắng mà sao mẹ không một lần
khen nó. Trong mắt mẹ chỉ có út thôi sao?
Mẹ đâu cần
phải cho nó tiền, đâu cần phải mua quà bánh, nó chỉ cần mẹ quan tâm nó thôi.
Nhưng sao mẹ không hiểu nó, hay tại nó vẫn còn quá ngây ngô, vẫn chưa thể cảm
nhận được tình thương mẹ dành cho nó?
Một đứa con
thừa như nó có ước mong gì đâu. Nó thèm lắm được mẹ yêu thương thôi mà. Có lần
ra thăm nó, mẹ thấy nó ngồi học, mẹ vuốt tóc nó, một cử chỉ âu yếm có lẽ quá
bình thường với mọi người, nhưng với nó thật hiếm hoi. Lúc ấy, nó thấy ấm áp
lắm, thực sự rất hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc mong manh. Me chỉ vuốt tóc nó
lần đó thôi. Mẹ đâu biết, chỉ vậy thôi nó đã vui lắm lắm.
Đâu ai biết,
đã bao lần nó tủi thân, khóc trong âm thầm vì mẹ. Những lần đến nhà bạn chơi,
thấy mẹ bạn mình vui vẻ, hiền lành thương yêu con và cả bạn của con, nó tủi
thân lắm. Nhưng có bao giờ nó dám nói với ai đâu, trước mặt tất cả mọi người nó
luôn tỏ ra hờ hững, không cần gì cả nhưng thực sự, nó cần tình mẹ. Một đứa con
gái lớn lên mà không có mẹ bên cạnh khó khăn làm sao, có ai hiểu được?
Mẹ bị chia sẻ,
mẹ không phải là mẹ của riêng nó, chẳng lẽ nó không được trách, không được ghen
tị với người đã cướp mất mẹ nó sao? Ai hiểu được nỗi uất ức khi thấy mẹ bỏ rơi
mình để thương yêu ai đó khác?. Nó biết, đó gọi là ghen tị, là một tính xấu,
nhưng có ai hiểu cho nó không? Nó đã từng ghen tị nhỏ nhen như vậy nhưng giờ,
thực sự, nó chỉ mong mẹ vui, muốn mẹ mãi hạnh phúc thôi. Nó sợ lắm, khi thấy mẹ
khóc, mẹ khổ. Dù đôi lúc mẹ vô tình để nó sau những điều mẹ cho là quan trọng,
mẹ quên nó, nhưng nó vẫn thấy yêu mẹ lắm. Tiếng "mẹ" dù cả năm nó
cũng chẳng được gọi một lần, nhưng cả đời "mẹ" vẫn luôn là tiếng gọi
thân thương nhất thôi.
Con bé 9 tuổi
thốt lên hai từ "chưa chắc" năm nào giờ đã lớn khôn rồi. Dù tình
thương mẹ trong nó có mờ nhạt, mẹ có vì gia đình mới mà bỏ quên nó thì nó vẫn
mãi mãi là con mẹ. Chỉ trách cuộc đời không để nó cảm nhận được tình mẹ sâu sắc
như người khác thôi.
Mẹ thương con
phải không mẹ? Con biết, chỉ là đôi lúc mẹ quên con thôi.
Dù có làm sao,
thì con vẫn là con mẹ.
Ngày đăng: 24/07/2017
Người đăng: Lèo Trần
No comments:
Post a Comment